* Khoản tài trợ ủng hộ nhân đạo, từ thiện phải được trừ khi tính thuế
Sáng 15-5, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật thuế Giá trị gia tăng sửa đổi. Đại biểu Lê Quốc Dung (Thái Bình) cho rằng cần đưa nông dân vào đối tượng điều chỉnh của Luật thuế giá trị gia tăng. Theo ông Dung, hàng chục triệu hộ nông dân đã cung cấp sản phẩm nông nghiệp ra thị trường nhưng họ lại không thuộc diện điều chỉnh của Luật thuế Giá trị gia tăng là không công bằng, bởi vì vật tư, giống cây, con... chiếm 60% giá trị của sản phẩm nông nghiệp, nhưng nông dân lại không được xét hoàn thuế GTGT khi họ bán sản phẩm ra thị trường, trong khi họ phải chịu thuế GTGT khi mua vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, nguồn hàng từ kinh tế trang trại ngày càng tăng cùng với sản phẩm nông - lâm nghiệp của các hộ dân đã làm tăng doanh thu xuất khẩu của cả nước; áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm nông-lâm nghiệp của kinh tế hộ và hoàn thuế GTGT cho họ sẽ góp phần giảm áp lực đầu vào và tăng cường năng lực cạnh tranh cho nông dân.
Một số ý kiến khác cũng đồng tình với đại biểu Lê Quốc Dung và phân tích thêm: Việc xây dựng các mức thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp cũng sẽ phải tiến hành tỉ mỉ, thận trọng để từng bước kiểm soát thị trường nội địa và hàng nông - lâm sản xuất khẩu; vừa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vừa tạo nên quan hệ công bằng cho nông nghiệp-nông dân trong tổng hòa của nền kinh tế đất nước. Việc áp dụng thuế GTGT đối với sản xuất nông nghiệp sẽ hoàn thiện quy trình hạch toán trong kinh tế nông nghiệp-nông thôn để nông dân chủ động hơn trong việc điều tiết sản lượng, nâng chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của cơ chế thị trường.
Nhìn chung, việc sửa đổi, bổ sung Luật thuế Giá trị gia tăng đều được các đại biểu tán thành, nhưng đa số các ý kiến đã yêu cầu Ban soạn thảo phải chỉnh lý, bổ sung và quy định rõ hơn các quy định để việc áp dụng luật thống nhất và mang tính ổn định. Đại biểu Lê Thị Dung (An Giang) đề nghị: trong Luật nên quy định cụ thể, chi tiết hơn, hạn chế việc giao cho Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, nếu không sẽ kéo dài tình trạng “luật cứ chung chung...” mà việc áp dụng Luật lại chậm vì phải chờ hướng dẫn của Chính phủ.
* Buổi chiều, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Phần lớn các ý kiến của đại biểu không đồng tình về đối tượng và các khoản chi có liên quan đến hoạt động tài trợ ủng hộ nhân đạo, từ thiện xã hội không được trừ khi tính thuế; vấn đề khống chế khoản chi quảng cáo, tiếp thị của doanh nghiệp chỉ ở mức từ 10% đến 15%.
Đại biểu Đặng Ngọc Tùng (thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu: “Chúng ta không nên đưa các tổ chức được thành lập vì mục đích từ thiện, nhân đạo vào đối tượng nộp thuế. Đây không phải là doanh nghiệp kinh doanh vì lợi nhuận”. Theo ông Tùng, việc ủng hộ và tạo điều kiện các tổ chức hoạt động trên là việc làm cần thiết và khuyến khích phải bằng chính sách pháp luật cụ thể, đó là thuế! Trường hợp nếu nghi ngờ những tổ chức từ thiện lợi dụng chính sách ưu đãi thuế của Nhà nước thì cơ quan thuế phải có nhiệm vụ kiểm tra, theo dõi.
Rất nhiều đại biểu Quốc hội đã đưa ra ý kiến của mình tại điểm “o” khoản 2, điều 10 của Dự án Luật quy định về khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế là “Các khoản tài trợ, trừ khoản tài trợ cho giáo dục theo quy định của pháp luật”. Đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương), Dương Kim Anh (Trà Vinh) và Nguyễn Thị Mỹ Hương (Đà Nẵng) đều cho rằng: Quy định này chưa công bằng, chưa khuyến khích được các tổ chức kinh tế tham gia nâng cao đời sống cho người dân ở những vùng khó khăn. Thực tế hiện nay, ngoài tài trợ cho giáo dục, nhiều tổ chức kinh tế còn thực hiện tài trợ cho nhiều mục đích khác như: tài trợ cho y tế, từ thiện, nhân đạo mang ý nghĩa xã hội rất lớn. Vì vậy, các đại biểu đề nghị Quốc hội cần xem xét bổ sung các khoản chi tài trợ khác với mục tiêu vì lợi ích cộng đồng là được trừ khi tính thuế.
Trong điểm “n” khoản 2 điều 10 của Dự thảo Luật quy định về việc khống chế chi phí dành cho quảng cáo là 10% hay 15% đã khiến nhiều đại biểu rất băn khoăn. Về khoản chi không được trừ là chi phí quảng cáo, đại biểu Nguyễn Thị Mỹ Hương (Đà Nẵng) và đại biểu Mai Hữu Tín đã không tán thành khống chế chi phí dành cho quảng cáo là 10% hay 15%. Theo các đại biểu, đây là sự khống chế không cần thiết và không có cơ sở vững chắc, bởi chi phí này gắn với chu kỳ kinh doanh, chu kỳ sống của sản phẩm và các giai đoạn phát triển thị trường. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp lớn muốn chi nhiều hơn trong quảng cáo lại phải tìm cách lách luật. Do vậy, đại biểu Nguyễn Thị Mỹ Hương đề nghị doanh nghiệp nên được hạch toán chi phí thực tế dành cho quảng cáo.
MINH PHƯƠNG XUÂN TÙNG - HỒNG QUÂN (TTXVN)