29/02/2008 - 22:11

Giá lúa gạo chững lại

Nông dân lo, doanh nghiệp thận trọng

Giá lúa gạo đã tăng mạnh và nhanh chưa từng thấy. Dù chỉ mới 2 tháng đầu của năm 2008, nhưng giá lúa tại các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được đẩy lên ở mức 4.200–4.600 đồng/kg, gạo lức nguyên liệu xuất khẩu 5.600 – 5.700 đồng/kg. Giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm cũng đạt mức 450 USD/tấn. Nhưng giá lúa gạo hiện đã chững lại và có dấu hiệu giảm khi bắt đầu bước vào mùa thu hoạch rộ...

* Nguồn cung giảm, giá tăng

Khoảng hơn 1 tháng qua, nông dân tại các tỉnh, thành ĐBSCL thật sự vui vì giá lúa gạo liên tục tăng khi bắt đầu bước vào vụ thu hoạch lúa đông xuân 2007-2008. Hiện giá lúa tại các tỉnh, thành ĐBSCL đã tăng bình quân khoảng 500 đồng/kg, gạo tăng 700-800 đồng/kg so với đầu tháng 1-2008. Còn giá gạo xuất khẩu đã tăng thêm khoảng 100-110 USD/tấn so với trước.

Từ đầu tuần đến nay, giá lúa thường tại các tỉnh, thành ĐBSCL phổ biến ở mức từ 4.000–4.200 đồng/kg; lúa thơm 4.500-4.600 đồng/kg. Giá lúa dài thường còn ướt chưa phơi hoặc sấy khô vào đầu tuần ở mức 3.700 đồng/kg đến giữa tuần còn khoảng 3.630–3.700 đồng/kg. Vào đầu tuần gạo lức nguyên liệu xuất khẩu giá 5.600-5.750 đồng/kg, đến giữa tuần có giá 5.600-5.700 đồng/kg. Giá xuất khẩu gạo 5% tấm từ khoảng 340 USD/tấn trong tháng 1-2008 thì hiện vọt lên ở mức 450 USD/tấn; gạo 25% tấm cũng tăng từ 320 USD/tấn tăng lên khoảng 430 USD/tấn.

Nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến gạo xuất khẩu tại TP Cần Thơ cho rằng, năm nay bước vào thời điểm thu hoạch lúa đông xuân nhưng giá lúa gạo vẫn tiếp tục tăng là do nguồn cung thiếu. Sản lượng lúa trong nước (các tỉnh miền Trung và miền Bắc bị mất mùa) và trên thế giới giới đang bị giảm do ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai và sâu bệnh hại lúa... Theo dự đoán, năm nay nguồn cung gạo trên thế giới có thể giảm khoảng 10% so với năm trước. Trong khi đó, nhu cầu gạo trong nước và xuất khẩu tăng mạnh. Các doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu đang đẩy mạnh tìm nguồn hàng để thu mua. Nhưng tiến độ thu hoạch lúa tại các địa phương ở ĐBSCL diễn ra không đồng loạt. Mặt khác, giá lúa gạo còn tăng do các chi phí sản xuất đã tăng mạnh.

Sản phẩm gạo của Công ty Mekong Cần Thơ đang được chuẩn bị đưa đi xuất khẩu. 

Hiện nay, lúa đông xuân đã được nông dân thu hoạch nhiều, thương lái (tiểu thương) có thể dễ dàng tìm mua không cần phải “săn lùng” và đặt cọc tiền trước như tuần trước. Tuy nhiên, lượng gạo mà tiểu thương đem đến bán cho các nhà máy vẫn còn khá ít. Anh Dương Ngọc Dương, tiểu thương kinh doanh lúa gạo ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, đến bán gạo nguyên liệu xuất khẩu cho DN ở TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện lúa đã được nhiều nông dân thu hoạch, dễ tìm mua. Nhưng nhiều tiểu thương mới bắt đầu hoạt động thu mua lúa trở lại sau 1 thời gian tạm nghỉ do hết mùa, nên chưa dám mua hàng nhiều vì sợ giá đầu ra thấp sẽ bị lỗ. Nhất là khi giá thu mua gạo nguyên liệu xuất khẩu của một số nhà máy trong mấy ngày qua đã có phần giảm so với trước”.

Các tỉnh, thành ĐBSCL đang bước vào thu hoạch rộ lúa đông xuân 2007-2008. Theo các tiểu thương và DN kinh doanh lúa gạo, giá lúa có thể bị giảm nhẹ trong thời điểm thu hoạch rộ từ giữa tháng 2 đến hết tháng 3-2008. Nhưng khó có khả năng giá lúa gạo bị giảm mạnh trở lại, bởi giá lương thực trên thế giới đang trong xu hướng tăng mạnh.

* Doanh nghiệp thận trọng, nông dân lo âu

Tại TP Cần Thơ, nhiều nông dân sau khi bán lúa, trừ đi chi phí tính ra thu được lãi được từ 1-1,7 triệu đồng/công. Hiện nay, gia đình ông Nguyễn Văn Đê ở xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt (TP Cần Thơ) đã thu hoạch xong 16 công lúa thơm VD 20, bán được giá 4.600 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Đê, cho biết: “Vụ đông xuân năm trước tôi làm đạt năng suất bình quân 45–46 giạ/công, còn năm nay lúa bị thất, chỉ đạt 36-37 giạ/công. Nhưng nhờ lúa thu hoạch vào đầu mùa bán được giá cao, nên sau khi trừ đi chi phí, tính ra tôi lời trên 1 triệu đồng/công”.

Còn những nông dân đang có lúa chuẩn bị thu hoạch hoặc đang phơi lúa hột chờ bán tỏ ra rất sốt ruột vì sợ giá lúa bị giảm trở lại. Bà Đặng Thị Miên ở ấp Tân Phước, xã Thuận Hưng, huyện Thốt Nốt, có lúa đang phơi, cho biết: “Vụ này giá vật tư nông nghiệp tăng rất mạnh nhưng lúa bị thất mùa hơn vụ trước khoảng 5-10 giạ/công. Tôi vừa thu hoạch 6,5 công lúa, trong đó có 3,5 công lúa thơm và 2 công lúa thường. Dự định vài ngày tới khi lúa phơi khô sẽ kêu bán. Tuần trước, có rất nhiều tiểu thương đến khu vực tôi ở hỏi mua lúa, thậm chí họ đặt tiền cọc trước. Nhưng mấy ngày qua thì không thấy nữa. Nghe nói hình như giá lúa gạo đang bị giảm trở lại nên tôi cũng hơi lo”.

Anh Nguyễn Thành Sang ở ấp Lân Thạnh II, xã Trung Kiên, Thốt Nốt, vừa thu hoạch 4 công lúa thơm Jasmine, cho biết: “Vụ trước trước tôi làm đạt năng suất trên 50 giạ/công, nhưng vụ này chỉ đạt khoảng 44 giạ/công (1.300m2). Nghe nói mấy hôm nay lúa thơm có giá từ 4.600–5.200 đồng/kg, tôi rất phấn khởi. Nhưng làm lúa được mấy ngày nay mà chưa thấy thương lái đến hỏi mua, không biết có phải do giá lúa đang giảm trở lại hay không?”.

Năm 2008, nước ta dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 4,5 triệu tấn gạo, tương đương với lượng gạo xuất khẩu trong năm 2007. Theo nhiều DN xuất khẩu gạo tại TP Cần Thơ, hiện nay Chính phủ vẫn cho các DN tự ký các hợp đồng xuất khẩu gạo mới. Nhưng trước tình hình biến động tăng nhanh và khó đoán của giá lúa gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và Bộ Công Thương đã khuyến cáo các DN nên thận trọng khi ký hợp đồng xuất khẩu để tránh thua lỗ khi giá tăng cao và nhằm duy trì an ninh lương thực quốc gia. Đồng thời khuyến cáo DN nên mua và bán hàng đúng thời điểm, nhằm kiềm chế giá trong nước và cân đối với giá trên thế giới.

Vì vậy, hiện nay, các DN đều tỏ ra thận trọng khi ký các hợp đồng xuất khẩu gạo mới. Chú ý cân đối giữa giá cả đầu vào và giá cả đầu ra sao cho có lời, chứ không xuất khẩu chạy theo số lượng hay mở rộng thêm thị trường mới. Ông Trần Thanh Vân, Phó giám đốc Công ty cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp và Chế biến Lương thực Thốt Nốt (Gentraco), cho rằng: “Năm nay, các DN xuất khẩu gạo chỉ sợ không có hàng để bán, chứ không sợ thiếu khách hàng. Do tình hình chung, nguồn cung giảm, nên năm nay công ty chúng tôi dự kiến sẽ xuất khẩu lượng gạo tương đương với năm trước là 290.000 tấn các loại. Trong đó, gạo nếp và gạo thơm chiếm khoảng 30.000 tấn, còn lại là gạo thường. Tính đến cuối tháng 2-2008, công ty đã xuất được tổng cộng khoảng 30 nghìn tấn gạo các loại”.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết