28/10/2012 - 10:03

Nói thơ Sáu Trọng một mảng dân ca, dân nhạc miền Nam

Có một ông lão ở miệt U Minh, Cà Mau sống độc thân trong căn chòi ọp ẹp, kiếm sống bằng nghề cất vó trên con rạch bên hông nhà. Cứ rảnh việc, ông lại lên chiếc võng rách đưa kẽo kẹt, miệng ngâm nga:

"Tử sanh lòng mỗ chi sờn,
Nào tôi có chịu kêu oan làm gì"

Ông lão nói với tôi rằng: nói mấy câu thơ của Sáu Trọng mới cảm khái được thế thái nhân tình, cái nghĩa ở đời!

Bản ký âm điệu nói thơ Sáu Trọng do nhóm tác giả Lư Nhất Vũ, Nguyễn Văn Hoa, Lê Giang sưu tầm tại Rạch Giá, Kiên Giang. Ảnh chụp từ cuốn "Dân ca Kiên Giang", Sở Văn hóa – Thông tin Kiên Giang xuất bản, 1985.

Ở Nam bộ, hình thức nói thơ khá phổ biến trong dân ca dân gian như: nói thơ Vân Tiên, nói thơ Bạc Liêu, nói thơ Cậu Hai Miêng, nói thơ Thầy Thông Chánh… Dù hình thành chỉ khoảng một thế kỷ nhưng nói thơ đã có một vị trí vững chắc trong lòng người dân Nam bộ bởi tính tự sự, dễ nói, dễ thuộc và là tiếng lòng, thổ lộ nhiều tâm sự trong cuộc sống. Riêng điệu nói thơ Sáu Trọng, đó không chỉ là một quyển sử ký khắc họa hiện thực xã hội Nam bộ giai đoạn đầu thế XX mà còn là biểu thị cho lối sống trượng nghĩa, ghét cái ác, cái xấu của nhân dân.

Điệu nói thơ Sáu Trọng bắt nguồn từ một truyện thơ có tên "Thơ Sáu Trọng". Cốt truyện kể lại cuộc đời thăng trầm của một thanh niên Nam bộ. Theo nhiều tài liệu, bản in xưa nhất là bản "Sáu Trọng Thơ" in tại nhà in Bảo Tồn (Sài Gòn) khoảng đầu thế kỷ XX. Sách dày 12 trang, khổ 24x16cm do Nguyễn Kim Đính dịch. Truyện thơ gồm có 672 câu thơ theo thể lục bát và hai bức thư Sáu Trọng gửi bà con: một bức thư gồm 34 câu thơ thể bảy chữ và một bức gồm 62 câu thơ thể bốn chữ.

Truyện thơ kể rằng, Sáu Trọng là con một gia đình nghèo ở Sài Gòn, bỏ nhà đi tha phương cầu thực từ nhỏ. Đến năm 15 tuổi, Sáu Trọng về quê thăm mẹ và quen cô láng giềng tên Hai Đẩu bán chè, cháo. Sáu Trọng và Hai Đẩu kết nghĩa vợ chồng, dắt dìu nhau ra chợ Bến Thành mướn nhà ở. Ngày ngày, Sáu Trọng đi làm bồi cho quán ăn của người Pháp còn cô Hai Đẩu lo việc nội trợ. Sau đó, Sáu Trọng chuyển sang làm bồi cho hãng tàu Ăng-lê với mức lương 20 đồng nên đời sống vợ chồng khá sung túc, ấm êm. Nào ngờ, "nhàn cư vi bất thiện", trong khi chồng đi làm, Hai Đẩu ở nhà "tòm tem" với Tám Lịch – người anh em kết nghĩa với Sáu Trọng. Và rồi:

"Thế gian đồn thấu tai chàng
Sáu Trọng nghĩ lại gan vàng quặn đau
Bấy lâu hẫm hút cháo rau
Nay đặng sang giàu sanh sự lấy trai
Còn chi sự nghiệp gia tài
Tưởng là nhơn nghĩa lâu dài cùng nhau"

Buồn bã, Sáu Trọng bỏ xuống Châu Đốc để cắt đứt quan hệ với người vợ bội nghĩa và tránh lời dè bỉu của người đời. Còn Hai Đẩu chẳng chút ân hận, vì ham mê quyền quý mà nhận lời làm vợ một thầy ký lục người Pháp tên Be-bo và theo xuống Trà Vinh sống. Cuộc sống giàu sang, lên xe xuống ngựa, nhưng Hai Đẩu yêu đương hết người này đến người khác, thậm chí với kẻ tôi tớ đáng tuổi con cháu.

Sau thời gian ẩn dật, tưởng rằng vợ đã hồi tâm hối cải nên Sáu Trọng sang Trà Vinh tìm, mong nối lại tình xưa. Nhưng nào ngờ Hai Đẩu trâng tráo mắng nhiếc chồng không tiếc lời:

"Bỗng xem thấy rõ mặt chồng
Trong lòng lơ láo xây lưng chẳng nhìn
Ngày nay đặng chỗ hiển vinh
Mắng rằng thằng Trọng dám nhìn tới ta
Ỷ mình là vợ Lang-sa
Bộ mày đáng mặt phòng khi xách giày"

Đã vậy, tên Be-bo còn vu Sáu Trọng tội trộm cướp nên bị ba tháng tù. Vừa mãn hạn tù, Sáu Trọng lại hay tin cô vợ từng chia ngọt sẻ bùi đan tâm mướn người thủ tiêu ông. Sáu Trọng lại đến Trà Vinh hỏi tội tên ký lục Be-bo và Hai Đẩu. Thói đanh đá, dữ dằn của Hai Đẩu như "châm dầu vào lửa" khiến Sáu Trọng thẳng tay chém chết cô. Giết người vợ cạn tình xong, Sáu Trọng xách dao đến đầu thú với Biện lý. Tòa án Mỹ Tho tuyên án tử hình nhưng Sáu Trọng không van xin mà bình thản:

"Trọng còn nói tiếng Lang-sa
Quan trên dạy chém tôi mà mẹt-xi
Tử sanh thiên số nan kỳ
Nào tôi có tiếc thân ni làm gì"

Nhân vật Sáu Trọng được dư luận thời ấy coi là bậc anh hùng. Hành động hỏi tội vợ và tên ký lục Be-bo được xem là "tức nước vỡ bờ", "giọt nước tràn ly" cho sự hà khắc, tha hóa của chế độ thực dân thống trị. Cũng vì vậy mà thực dân Pháp đã cấm lưu hành truyện thơ này.

Nhưng "nghìn năm bia miệng…", dân gian vẫn truyền miệng và xem Sáu Trọng như người hùng, trở thành một điệu nói thơ lúc rỗi rãnh, trà dư tửu hậu, chán chường thói đời tráo trở của nhân dân. Đó là một hệ quả ngoài toan tính, không thể ngờ của thực dân Pháp. Nói như cố nhà văn Sơn Nam thì truyện thơ Sáu Trọng "đã trở thành một loại ca dao, xứng đáng nêu trong bảng liệt kê văn chương bình dân, xứng đáng được ghi trong chương trình Việt văn".

* * *

Hành động chẳng đặng đừng - chém vợ của Sáu Trọng suy cho cùng là bảo vệ đạo nghĩa ở đời và cái chết của Hai Đẩu như kết cục "ác lai ác báo" – mô-típ quen thuộc trong truyện dân gian Việt Nam. Đọc toàn văn truyện thơ, ta thấy Sáu Trọng thực sự là người trượng nghĩa. Khi gặp tên ký lục Be-bo, Sáu Trọng nói lý lẽ, lịch thiệp:

"Bạc-đon ông chớ phát-sê
Ắt-tăng mổ rắc-công-tê tú-xà
A-quăng mết-trết của ta
Rén-đia cả-sối lủy mà xỗ huê
Lủy với Tám Lịch cu-sê
Mổ mà chẳng có tấp-bê chút nào…"

Tạm dịch nghĩa là: Xin lỗi ông chớ giận. Để tôi thuật lại chuyện trước sau: trước nó là vợ của tôi. Tôi không nói động đến nó mà nó bỏ đi. Nó ngủ với Tám Lịch. Tôi chẳng đánh nó chút nào". Nhưng thói ngông cuồng, hống hách của tên ký lục đã gián tiếp giết chết Hai Đẩu.

Cố nhà văn Sơn Nam cho rằng: tác giả dân gian đã đề cao Sáu Trọng như một anh hùng, dám nói dám làm, gan dạ hơn nhân vật Tào Tháo trong "Tam quốc diễn nghĩa". Tào Tháo định giết Đổng Trác nhưng khi phát hiện bị lộ vì Đổng Trác nằm quay mặt vào tấm kính thì Tào Tháo quỳ sụp, giả vờ đến dâng bảo kiếm. Còn Sáu Trọng thì thấy nguy hiểm vẫn làm và làm cho tới cùng.

Đọc và nói thơ Sáu Trọng, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh một bậc trượng phu sống nghĩa tình, ghét thói "Tây lai". Mở đầu truyện thơ là câu: "Kỷ vì thọ Pháp tân trào" như một cách giới thiệu bối cảnh văn hóa phương Tây du nhập, làm biến chất những thuần phong mỹ tục trong xã hội đương thời. Trước khi cảnh cáo tên gia đinh tên Ngưu đáng tuổi con cháu lại dang díu với Hai Đẩu, Sáu Trọng dạy rằng:

"Sáu Trọng nổi giận sân si
Hổ tử lưu bì, nhơn tử lưu danh
Cô mà lấy cháu sao đành
Cũng như thú vật dạo gành ăn dơ"

Ngược lại, hình ảnh Hai Đẩu là điển hình cho một bộ phận phụ nữ đầu thế kỷ XX bị cuốn theo cơn lốc của văn minh phương Tây, bỏ quên những truyền thống tốt đẹp. Ngoài ra, truyện thơ còn là bản tố cáo tội ác của bọn thực dân Pháp cướp nước, tố cáo hệ thống cai trị của Pháp nhằm đàn áp bóc lột dân ta cũng như chà đạp lên các giá trị đạo đức, băng hoại văn hóa truyền thống của dân tộc. Cố nhà văn Sơn Nam gọi Hai Đẩu, thầy ký lục là hai người "thiếu điệu nghệ": mất gốc, sống thiếu tình nghĩa, đâm kẻ thù từ sau lưng, trái luân lý. Bởi vậy, ông cho rằng cái chết của Hai Đẩu là hậu quả của người sống "thiếu điệu nghệ".

* * *

Theo những vị cao niên miệt Bạc Liêu, Cà Mau kể lại, cách đây chừng hơn nửa thế kỷ các phiên chợ sáng ở những vùng thành thị thường xuất hiện những người ăn xin, ngồi bên lề đường, tay gãy đờn bầu (độc huyền cầm) nói thơ Sáu Trọng. Giọng thơ buồn bã, ai oán, vương vấn buồn thương nên được nhiều người đi chợ chú ý, cho tiền. Có lẽ vì vậy mà ca dao Nam bộ có câu:

"Kẻ cò người hén độc huyền
Nói thơ Sáu Trọng kiếm tiền cho xong"

Nếu như nói thơ Vân Tiên nói theo hơi nam thì nói thơ Sáu Trọng được nói theo hơi oán, luyến láy, "ca cẩm" nhiều hơn tựa như những khúc mắc, bất hạnh của nhân vật chính và xã hội đương thời. Nói thơ Sáu Trọng mang chất giọng tự sự, chậm rãi, xuống giọng, ngắt hơi mùi mẫn.

Điểm thu hút của nói thơ Sáu Trọng còn là ngôn ngữ thơ bình dân, gần gũi với lời ăn tiếng nói của người dân nông thôn Nam bộ. Đặc biệt, cách chêm xen những tiếng Pháp đã được phiên âm tiếng Việt một cách uyển chuyển và vần điệu vào thể thơ lục bát dân tộc khiến truyện thơ thêm độc đáo, sinh động.

"Tú-mông con-nết chị Hai
Xừ đừng nghe nó là loài trổm-bê
Ký lục nghe nói phát-sê
Da-lu thôi mới toan bề bạc đen
Sao chú con-nết bi-ten
Bạc-lê tút-xích không thì tấp-bê"

Nghĩa là: Ai ai cũng biết chị Hai Đẩu. Ông đừng nghe nó là đồ gạt gẫm. Ký lục nghe nói phát giận. Ghen tuông thôi mới toan bề bạc đen. Sao mày biết nó là kẻ dâm loàng? Nói mau không thì tao đánh…

* * *

Nói thơ Sáu Trọng là một dấu ấn quan trọng trong văn hóa và tiềm thức của người dân Nam bộ đương thời và đến tận hôm nay. Hiện nay, nói thơ Sáu Trọng đã không còn nhiều người biết đến. Song, tìm hiểu điệu nói thơ Sáu Trọng như một cách tìm về quá khứ để hiểu thêm về một giai đoạn trong lịch sử dân tộc và vun bồi lối sống nhân nghĩa, giữ đạo ở đời như cố nhà văn Sơn Nam nói: "Tiếng độc huyền và thơ Sáu Trọng là dân nhạc, dân ca miền Nam".

Đăng Huỳnh

Tài liệu tham khảo:

- "Nói về miền Nam, Cá tính miền Nam, Thuần phong mỹ tục Việt Nam", Sơn Nam, NXB Trẻ, 2007.

- "Nghìn năm bia miệng", tập 2, Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, NXB TP.HCM, 1993.

- Bản "Sáu Trọng thơ" do Nguyễn Hữu Hiệp – Lê Minh Quốc sưu tầm, giới thiệu.

Chia sẻ bài viết