03/12/2014 - 10:17

Noi theo tấm gương học tập, rèn luyện và cống hiến của Bác

Hay tin một sinh viên bị bệnh hiểm nghèo, không có tiền chữa trị, 2 tuần qua, Hồng Thị Hải Yến – sinh viên ngành Nuôi trồng thủy sản tiên tiến, Phó Bí thư Đoàn Khoa Thủy sản (Trường Đại học Cần Thơ) phát động đoàn viên đóng góp tiền hỗ trợ kịp thời. Học tập và làm theo lời Bác dạy, Hải Yến không chỉ gương mẫu thi đua học tập tốt, mà còn đề xuất tổ chức nhiều hoạt động giáo dục truyền thống yêu nước và tinh thần tương thân, tương ái trong đoàn viên…

Nhắc đến Hải Yến, bạn bè đều nể phục tinh thần "lăn xả" của nữ cán bộ Đoàn. Ngay từ khi còn là sinh viên năm thứ nhất, Hải Yến luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thăm và tặng quà cho trẻ em lang thang cơ nhỡ, mồ côi, khuyết tật do Đoàn khoa tổ chức. Chứng kiến những mảnh đời bất hạnh cần được quan tâm giúp đỡ từ vật chất lẫn tinh thần, càng thôi thúc Yến gắn bó với công tác xã hội - từ thiện. Hằng năm, trong công tác Đoàn và phong trào sinh viên, Yến đều đề xuất tổ chức nhiều hoạt động hướng tới lợi ích cộng đồng. Nổi bật như nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, thăm hỏi, tặng quà cho người già neo đơn, vận động học bổng cho sinh viên vượt khó học tốt và tổ chức nhiều sân chơi cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… Hơn 2 tuần qua, khi biết Lê Hải Nghi, sinh viên ngành Bệnh học Thủy sản bị bệnh hiểm nghèo, không có tiền chữa trị, Yến cùng với Ban Chấp hành Đoàn khoa phát động đoàn viên đóng góp được hơn 12 triệu đồng gây quỹ hỗ trợ chi phí cho Nghi phẫu thuật. Yến chia sẻ: "Tấm lòng nhân ái bao la của Bác mãi là gương sáng cho thế hệ trẻ học tập và noi theo. Thông qua các hoạt động, phong trào tương trợ nhau góp phần khơi dậy tinh thần tương thân tương ái trong sinh viên".

Hồng Thị Hải Yến, Phó Bí thư Đoàn Khoa Thủy sản (Trường Đại học Cần Thơ) trao đổi công việc với bạn bè về các hoạt động Đoàn sắp tới.

Từng là tình nguyện viên "Hành Trình Đỏ" năm 2013, Yến cùng với khoảng 120 chiến sĩ đã thực hiện chuyến xuyên Việt lịch sử trong 30 ngày đêm từ Cà Mau về Hà Nội, quy tụ hàng vạn lượt người dân tham gia. Qua đó, đã vận động gần 20 nghìn đơn vị máu phục vụ cho nhu cầu cấp cứu và điều trị. Theo Hải Yến tâm sự: "Hành trình Đỏ" là hành trình cuộc đời để các chiến sĩ tình nguyện tích lũy kinh nghiệm, sống tự lập, có được những bài học ý nghĩa về tình đoàn kết, anh em đồng đội, chung tay góp sức mình trong công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện để tiếp nhận nhiều hơn nữa những đơn vị máu phục vụ cấp cứu và điều trị. Đây còn là hành trình của những trái tim nhân ái trên khắp mọi miền Tổ quốc để họ biết rằng trong cuộc đời này cần lắm những hành trình mang đầy tình thương yêu và lòng nhân ái. 3 năm qua, Yến còn tích cực tham gia nhiều hoạt động tình nguyện, như tiếp sức mùa thi, mùa hè xanh, hiến máu nhân đạo…

Tham gia nhiều hoạt động tình nguyện nhưng Yến không sao nhãng việc học. Kết quả học tập của Yến luôn đạt giỏi. Yến còn tích cực tham gia cùng thầy cô, bạn bè thực hiện 2 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 1 đề tài nghiên cứu khoa học được đăng trên Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ và 1 đề tài được chọn báo cáo tại Hội nghị Thủy sản Quốc tế IFS diễn ra tại Indonesia vào tháng 10-2014. Theo Yến kể, trong khoảng thời gian 1 năm (từ tháng 8-2012 đến tháng 8-2013), khi thực hiện đề tài "Hiện trạng khai thác và quản lý nguồn lợi hải sản tỉnh Bạc Liêu", Yến cùng với bạn bè đã gặp gỡ và phỏng vấn trực tiếp 120 hộ dân sống bằng nghề lưới rê, lưới kéo để khảo sát tình hình phát triển khai thác thủy sản, nhằm phân tích các khía cạnh kinh tế - kỹ thuật nghề lưới rê, lưới kéo. Yến bộc bạch: "Quá trình nghiên cứu đề tài là cơ hội giúp em tích lũy kiến thức chuyên ngành, rèn luyện nhiều kỹ năng nghiên cứu khoa học, đồng thời hiểu rõ hơn nếp sống văn hóa của ngư dân ở tỉnh Bạc Liêu".

Yến chia sẻ: "Trong suốt cuộc đời của Bác có thể thấy sáng ngời tinh thần tự học, tự sáng tạo để nâng cao tầm hiểu biết và cống hiến cho đất nước". Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, bên cạnh học tập trên lớp, Yến còn tham gia làm cộng tác viên cho một số dự án của các tổ chức phi chính phủ. Qua đó tự học, tự rèn luyện kỹ năng sống và trau dồi kỹ năng sử dụng ngoại ngữ cho bản thân. Cụ thể, từ năm 2012 đến nay, Yến là điều tra viên Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI), do Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam phối hợp thực hiện. Với vai trò điều tra viên, Yến có điều kiện tiếp xúc ghi nhận ý kiến của hàng ngàn hộ dân ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Bạc Liêu về những trải nghiệm, cảm nhận của người dân khi tiếp xúc hoặc giao dịch với chính quyền các cấp. Đặc thù công việc giúp Yến tích lũy nhiều kinh nghiệm khảo sát trong một chương trình nghiên cứu chuyên nghiệp và quy mô lớn, đồng thời có thêm nhiều trải nghiệm bổ ích về cuộc sống, con người ở một số địa phương. Hay như khoảng thời gian gần 1 năm làm báo cáo viên Dự án Giáo dục tài chính cho sinh viên (do Thành đoàn Cần Thơ phối hợp với Tổ chức Cứu trẻ em Quốc tế thực hiện), đã rèn cho Yến kỹ năng tổ chức chương trình truyền thông; dạn dĩ, hoạt bát hơn trong giao tiếp.

Học giỏi và tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện, năm 2012, Yến vinh dự được Đảng bộ Trường Đại học Cần Thơ tặng giấy khen vì đã có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên, năm học 2013 – 2014.

Bài, ảnh: TÚ ANH

Chia sẻ bài viết