21/06/2012 - 20:54

Trẻ suy dinh dưỡng

Nỗi lo của các gia đình

Suy dinh dưỡng (SDD) ảnh hưởng đến sự phát triển thể lực và trí lực của trẻ. SDD chủ yếu tập trung ở trẻ dưới 3 tuổi. SDD không chỉ tập trung ở trẻ nhà nghèo, ở nông thôn mà ngay cả những trẻ sinh ra trong các gia đình khá giả cũng bị SDD.

Bác sĩ Lưu Thị Nhất Phương tư vấn cho bà mẹ điều chỉnh chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng. 

Bước ra khỏi Phòng khám dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, chị Nguyễn Thị Kim Lan, 45 tuổi, ở tỉnh Sóc Trăng, nhìn con trai nói: “Con 5 tuổi mà cao có hơn 1m, nặng 17 kg, bác sĩ nói thiếu chiều cao và cân nặng so với tuổi. Con về phải ráng ăn lên, không thì mai mốt thua bạn bè”. Chị Lan quay sang nói với tôi: “Khoảng 1-2 năm gần đây, con tôi ăn ít, mỗi bữa chỉ có nửa chén đến một chén cơm, thịt ăn rất ít, chỉ ăn tép, uống sữa 300-350 ml, ngoài ra ăn thêm trái cây, bánh. Bác sĩ nói con tôi ăn thiếu nhiều chất, cần tập cháu ăn nhiều nhóm thực phẩm khác nhau, đồng thời xem lại cách pha sữa, pha không đúng làm mất dinh dưỡng. Ở nhà có người giúp việc pha sữa nên tôi không rõ lắm”. Còn chị Dung, ở quận Ninh Kiều, bồng con mới được 8 tháng rưỡi đi khám vì thấy bé tăng cân chậm, bé chỉ nặng có 7,9 kg, cao 69 cm. Theo bác sĩ thì bé hơi nhẹ cân. Chị Dung phân trần: “Mỗi ngày bé ăn 3 cữ, mỗi cữ 1 chén cháo. Gia đình cũng ép lắm nhưng bé không chịu ăn, buổi sáng phải bồng đi giáp xóm bé mới chịu ăn. Bác sĩ nói cần tăng thêm bữa ăn cho bé, ngoài ra pha sữa chưa đúng cách, pha sữa bị loãng (nhiều nước mà ít sữa) nên mất dinh dưỡng”.

Chuyện tăng cân, tăng chiều cao là nỗi lo thường trực của các bà mẹ. Chị Nguyễn Thị Hạnh Thy, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, nói: “Tháng nào con không tăng cân là mẹ mất ăn mất ngủ. Con tôi 4 tuổi rồi mà nặng có 12,5 kg, cao 89 cm. Tôi đưa con đi khám dinh dưỡng ở nhiều chỗ, kể cả những bệnh viện lớn ở TP Hồ Chí Minh, cho con uống sữa ngoại loại dành cho trẻ bị SDD, rồi nấu ăn theo hướng dẫn của các bác sĩ nhưng con không chịu ăn. Ép quá thì nó ói ra. Đến bữa cơm, có hôm tôi phải chở vô siêu thị, khu vui chơi thiếu nhi cho nó vừa chơi vừa ăn. Có bữa tôi giận quá, bỏ đói nó một ngày nhưng nó vẫn nhởn nhơ chơi còn mừng vì không bị ép ăn”.

Trẻ bị SDD thường có tầm vóc thấp bé hơn trẻ bình thường, dễ mắc bệnh, kém linh hoạt, kết quả học tập cũng bị ảnh hưởng do thiếu các vi chất có liên quan đến sự phát triển của trí não như sắt và i-ốt. Theo các bác sĩ, giai đoạn sớm ở trẻ bị SDD thường chỉ có biểu hiện đứng cân kéo dài hay sụt cân. Giai đoạn toàn phát: Trẻ mệt mỏi, hay quấy khóc, chán ăn, ít ngủ, hay bệnh, chậm biết bò trườn, đi, đứng, chậm mọc răng, teo mỡ ở cánh tay, thịt nhão, mất hết lớp mỡ dưới da bụng, da xanh, tóc thưa rụng dễ gãy, hay bị rối loạn tiêu hóa (tiêu phân sống, tiêu chảy...). Thể nặng: Có phù hoặc teo đét, có thể biểu hiện của thiếu vitamin gây quáng gà, khô giác mạc đến loét giác mạc. Hiện nay, thể nặng rất hiếm gặp. Theo Thạc sĩ - bác sĩ Lưu Thị Nhất Phương, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ: “Đa phần các bà mẹ và người nuôi dưỡng không được trang bị kiến thức đầy đủ trong việc chăm sóc dinh dưỡng mà chỉ dựa vào các kinh nghiệm có sẵn, thiếu khoa học, đây cũng là nguyên nhân phổ biến thường gặp ở các trẻ bị SDD tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ”.

Cũng theo Thạc sĩ - bác sĩ Lưu Thị Nhất Phương: Điểm lưu ý đặc biệt đối với chế độ ăn của trẻ bị SDD: tăng bữa ăn (5-6 bữa). Khi chế biến thức ăn, phải chú ý xắt nhuyễn, nấu mềm và nêm phù hợp với khẩu vị của trẻ. Trẻ thường ăn lạt và không thích có nhiều mùi gia vị. Những thực phẩm thích hợp với trẻ nhỏ là trứng, thịt bằm, cá bằm, rau cũng nên xắt nhuyễn. Nấu đặc: Vì nếu nấu loãng, nhiều nước thì năng lượng sẽ thấp. Nhưng nấu đặc, trẻ sẽ khó ăn do đó dùng men amylase (có trong bột mộng bắp) hoặc cho một ít nước giá đậu xanh xay, gạn lấy nước cho vào chén bột đặc sẽ làm bột lỏng ra và trẻ sẽ dễ ăn hơn nhưng vẫn đảm bảo năng lượng của chén bột, cháo đặc.

Đối với trẻ SDD, việc hồi phục đòi hỏi một khoảng thời gian dài. Riêng chiều cao có thể trẻ sẽ không trở về được chuẩn trung bình như chúng ta mong muốn dù được điều trị tích cực. Vì vậy, việc can thiệp sớm ngay từ khi trẻ có một trong những biểu hiện rối loạn về dinh dưỡng là điều quan trọng. Các biểu hiện này bao gồm: Biếng ăn, kém linh hoạt hoặc ưa quấy khóc, chậm tăng cân, chiều cao hoặc đứng cân, chiều cao liên tục trong 2-3 tháng, rối loạn giấc ngủ (ngủ trằn trọc, ngủ giấc ngắn, hoặc giật mình khóc thét khi đang ngủ,...), rụng tóc vùng chẩm (chiếu liếm), chậm mọc răng, da xanh dần, cơ nhão dần, chậm biết đi, thường xuyên mắc các bệnh lý nhiễm trùng...

Việc điều trị đúng nguyên nhân và tích cực ngay từ đầu sẽ giúp trẻ hồi phục nhanh, bắt kịp đà tăng trưởng với các trẻ cùng lứa tuổi. Với thể vừa và nhẹ (độ I và độ II): Điều trị tại nhà bằng chế độ ăn và chăm sóc. Chế độ ăn: Cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu, bất cứ lúc nào kể cả ban đêm. Nếu mẹ thiếu hoặc mất sữa: Dùng các loại sữa bột công thức theo tháng tuổi, hoặc dùng sữa đậu nành. Đối với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên cho trẻ ăn bổ sung theo tháng tuổi nhưng số bữa ăn phải tăng lên, thức ăn phải nấu kỹ, nấu xong ăn ngay; tăng dầu mỡ: vì dầu mỡ cung cấp năng lượng gấp đôi chất bột và chất đạm. Mỗi chén bột, cháo hoặc cơm của trẻ cần có một muỗng canh dầu hoặc mỡ. Đồng thời, tăng cường chất dinh dưỡng: Thức ăn nên đủ chất dinh dưỡng, trẻ phải ăn cả xác thực phẩm (không nên hầm nhừ rồi chỉ lấy nước. Với các trường hợp SDD độ III (SDD nặng), cần điều trị, theo dõi tại bệnh viện.

Ngoài chế độ ăn cho trẻ, có thể bổ sung thêm một số vitamin và muối khoáng, chế phẩm có chứa sắt chống thiếu máu, men tiêu hóa (nhưng phải dùng theo chỉ định của thầy thuốc). Các bà mẹ không nên tự ý mua thuốc cho con vì tuy là “thuốc bổ” nhưng nếu dùng không đúng cũng sẽ gây hậu quả không tốt cho sức khỏe của trẻ.

Bài, ảnh: Huệ Hoa

Chia sẻ bài viết