18/07/2021 - 09:44

Nơi ghi dấu một cuộc đấu tranh giữ đất của nông dân 

Về vùng đất Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu), nhiều người ấn tượng với hai địa danh: Ðồng Chó Ngáp và Chủ Chọt. Ðồng Chó Ngáp để chỉ những cánh đồng phèn mặn mênh mông, không cây trái gì sống nổi của thời mới khẩn hoang. Còn địa danh Chủ Chọt, là tên một nhân vật đã thống lĩnh cuộc đấu tranh giữ đất của nông dân trong vùng.

Chân dung ông Trần Kim Túc - Chủ Chọt.

“Tằm ăn lá dâu”  và “tức nước vỡ bờ”

Ông Chủ Chọt là tên bà con trong vùng quen gọi Hương chủ Trần Kim Túc (1887-1927), một người vốn có uy tín, giàu tài lực ở làng Ninh Thạnh Lợi hồi đầu thế kỷ XX.

Lúc bấy giờ, làng Ninh Thạnh Lợi thuộc quận Phước Long, tỉnh Rạch Giá. Vùng đất này có sự cộng cư của 3 dân tộc anh em: Kinh, Hoa và Khmer. Do đây là vùng đất rừng rậm, hoang vu nên cuộc khẩn hoang rất vất vả, mất rất nhiều công sức. “Ðất cũ đãi người mới”, vùng đất Ninh Thạnh Lợi trở thành “đất lành chim đậu” của nhiều thế hệ người dân chọn nơi này định cư. Vốn bản chất lương thiện, họ khai phá và khẳng định chủ quyền theo kiểu “cắm dùi” chứ không biết cách hợp thức hóa theo luật lệ của chính quyền thực dân.

Trong khi đó, theo nhà nghiên cứu Sơn Nam trong cuốn “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”, theo Nghị định ngày 29-10-1871 và 22-8-1882, phần đất nào không ghi vào địa bộ với chủ sở hữu rõ ràng thì căn theo quy chế là công thổ. Công thổ thì chỉ có Thống đốc Nam kỳ mới có quyền cho phép trưng khẩn, bán hoặc đổi đất. Quan tham biện chủ tỉnh sẽ thừa ủy quyền của Thống đốc Nam Kỳ mà quy định ranh giới công thổ. Quy định này làm khó cho nông dân rất nhiều vì bà con vốn ít học, phần nhiều không biết chữ, lại ở xa trung tâm tỉnh lỵ. Hồi đó, tỉnh Rạch Giá gồm cả tỉnh Kiên Giang, một phần tỉnh Hậu Giang, tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau bây giờ. Ðó là chưa kể đường sá không có, chuyện bơi xuồng, chèo ghe rất nguy hiểm, vất vả.

Lợi dụng chính sách này, năm 1922, một tên địa chủ người Pháp là Beauville Eynaud, dân trong dùng quen gọi là Ây-No, đã “lộng giả thành chân” phần đất của nông dân. Thủ đoạn của hắn là bố trí thuộc hạ làm đơn xin khẩn đất ở Ninh Thạnh Lợi ngay trên những mảnh vườn thửa ruộng đã được nông dân ở đây khai phá. Như đã nói, do nông dân ở Ninh Thạnh Lợi chưa làm thủ tục xác nhận chủ quyền nên Thống đốc Nam kỳ có thể giao cho người làm đơn xin. Bước tiếp theo là Ây-No dàn cảnh mua lại những biên lai xin khẩn đất đó. Vậy là phần đất do nông dân đổ mồ hôi sôi nước mắt khẩn hoang mà thành đã về tay hắn một cách dễ dàng. Chỉ trong thời gian ngắn, 9/10 số đất ở Ninh Thạnh Lợi đã về tay Ây-No.

Tức giận trước thủ đoạn cướp đất trắng trợn, Hương chủ Trần Kim Túc đã tập hợp nông dân Ninh Thạnh Lợi làm đơn kiện. Thống đốc Nam kỳ xử nông dân thắng, tên Ây-No phải trả đất. Nhưng chuyện không dừng lại ở đó, tên Ây-No vẫn không buông “miếng mồi ngon” ở Ninh Thạnh Lợi, hắn cấu kết với nhiều người, trong đó có Xã trưởng Mến (tức Ngô Văn Mến) và Chánh tổng Trí (tức Chánh tổng Thanh Yên Nguyễn Hữu Trí) để lợi dụng những kẽ hở của luật pháp thời bấy giờ, nhưng không phải hàng loạt như cách cũ mà theo kiểu “tằm ăn lá dâu”, rút rỉa từ từ, trưng khẩn từng mảnh đất nhỏ.

Lần này, ông Chủ Chọt lại vận động nông dân đi kiện nhưng do có sự hậu thuẫn của chính quyền địa phương, đơn thưa bị ém nhẹm. Tức nước vỡ bỡ, Chủ Chọt kêu gọi nông dân đứng lên đấu tranh đòi đất.

Ngôi mộ tập thể là nơi an nghỉ của ông Chủ Chọt và nghĩa quân.

Tử thủ để giữ đất

Cách đây mấy năm, chúng tôi có về lại ấp Chủ Chọt, xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu để tìm hiểu về sự kiện lịch sử này. Chúng tôi may mắn gặp được hậu duệ của ông Chủ Chọt và được nghe họ kể về sự kiện bi tráng của tổ tiên. Hồi năm 2001, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bạc Liêu cũng đã tổ chức Hội thảo khoa học về Cuộc nổi dậy của nông dân Ninh Thạnh Lợi năm 1927 chống dịch thống trị thực dân Pháp và bọn tay sai. Qua tổng hợp từ tài liệu điền dã và tài liệu khoa học, có thể thấy đây là cuộc nổi dậy được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng.

Trước khi cuộc nổi dậy vũ trang nổ ra, ông Chủ Chọt cho xây một ngôi chùa trong phạm vi đất nhà để làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng - tôn giáo, bên trong dùng hội họp và có một dãy nhà kho chứa lương thực, vũ khí và làm nơi sinh hoạt của nghĩa quân - là những người nông dân Ninh Thạnh Lợi và các vùng lân cận. Ông Chủ Chọt còn đi nhiều nơi để tìm thêm hào kiệt nhằm gia tăng lực lượng. Trong số này, có 2 cha con, người cha quen gọi là Thầy Xây và con gái tên Thị Ngặm, từ miệt Bảy Núi đến. Ông Thầy Xây thì chủ công trong chuyện dạy võ nghệ cho nghĩa quân, địa điểm được chọn là Liếp Ðá ở làng Vĩnh Phong lân cận, tài liệu Pháp ghi là Lip-Da. Việc trang bị vũ khí là giáo, mác, phảng... cũng được khẩn trương thực hiện. Ðể có được số lượng vũ khí này, nghĩa binh đã qua Ngan Dừa (cách Ninh Thạnh Lợi chừng 20 cây số) để nhờ các thợ rèn ở làng nghề nổi tiếng nơi đây rèn phảng.

Ðể tiến hành cuộc nổi dậy, ông Chủ Chọt đã bố trí lực lượng như một “triều đình thu nhỏ”, với các vị trí, nhiệm vụ rõ ràng. Ngày 8-5-1927, cuộc nổi dậy nổ ra và nghĩa quân đã giành được một số thắng lợi bước đầu: chiếm giữ nhà việc làng Ninh Thạnh Lợi, xử tội và làm bị thương một số tên Pháp và tay sai. Sau thất bại này, Chủ tỉnh Rạch Giá đánh điện khẩn sang Cần Thơ xin chi viện. Phó Chủ tỉnh Cần Thơ điều một phân đội 38 lính tới Phước Long để tiếp ứng ngay trong đêm, dưới sự chỉ huy của tên Trung úy Turcot và tên Sen-Ðầm Laurent.

Tất cả lực lượng của hai tỉnh Cần Thơ và Rạch Giá xuống tàu xà-lúp tiến về Ninh Thạnh Lợi vào sáng 9-5-1927. Do có tin báo nên nghĩa quân của Chủ Chọt đã rút ém về căn cứ. Ðội quân của Pháp tiến thẳng đến bao vây và kêu gọi nghĩa quân Trần Kim Túc đầu hàng. Thà chết để giữ gìn khí tiết, Chủ Chọt cùng nghĩa quân đã một phen sống mái với kẻ thù. Trận chiến không cân sức đã khiến nghĩa quân thiệt hại nặng: 20 người tử trận, trong đó có ông Chủ Chọt. Trên 80 người (kể cả phụ nữ và trẻ em) bị bắt giải về tỉnh Rạch Giá để điều tra.

Tháng 11-1927, Tòa đại hình Cần Thơ mở phiên tòa xử “vụ Ninh Thạnh Lợi”. Phiên tòa diễn ra từ ngày 21-11 đến ngày 25-11. Những người bị bắt sau khi điều tra lần lượt được thả về, chỉ còn 11 người bị giam và phải ra tòa, trong đó có bà Châu Thị Mân (vợ ông Trần Kim Túc). Bà Chủ Chọt được tha bổng tại tòa vì tòa cho rằng bà chỉ vâng lệnh chồng, 10 người còn lại bị kết án: 5 người lãnh án chung thân khổ sai, 2 người lãnh án 20 năm tù khổ sai và 3 người lãnh án 5 năm tù. Cuộc nổi dậy của nông dân Ninh Thạnh Lợi đã tạo được tiếng vang không chỉ trong làng báo Việt Nam và ngay cả các báo, sách Pháp. Theo nhà nghiên cứu Sơn Nam, người Pháp thường gọi trong sách khảo cứu hoặc công văn là “d’Affaire Ninh Thanh Loi”, hay thông dụng nhất là “l’Echauffourée de Ninh Thanh Loi”.

*

*  *

Ngồi xuồng trên những cánh đồng nuôi tôm bạt ngàn chừng 5 phút, chúng tôi đến được nền đất của nơi ghi dấu trận chiến năm xưa. Một nấm mộ lớn bằng đất chôn tập thể 20 nghĩa quân đã hy sinh năm xưa trong cuộc chiến giữ đất, vẫn còn giữ vẹn, khói hương hôm sớm. Cạnh bên là ngôi nhà nhỏ thờ ông Chủ Chọt và nghĩa quân. Hằng năm, cứ đến ngày 9-4 (âm lịch) là hậu duệ ông Chủ Chọt và người dân làng Ninh Thạnh Lợi lại tổ chức cúng giỗ tập thể tại nơi đây.

Bia ghi dấu sự kiện nổi dậy của nông dân Ninh Thạnh Lợi năm 1927 do Hội Nông dân Việt Nam dựng nên.

Ðể ghi nhận những đóng góp của sự kiện lịch sử Ninh Thạnh Lợi năm 1927, năm 1947, chính quyền cách mạng đã đổi tên ấp Nam Lợi 1 thành ấp Chủ Chọt, thuộc xã Ninh Thạnh Lợi, nay là xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Năm 2006, UBND tỉnh Bạc Liêu công nhận Di tích Lịch sử cấp tỉnh với di tích “Nơi diễn ra sự kiện lịch sử Ninh Thạnh Lợi năm 1927”. UBND tỉnh Bạc Liêu đang đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia cho địa điểm diễn ra sự kiện này. Sau năm 1975, Hội Nông dân Việt Nam đã truy tặng Huy chương “Vì sự nghiệp nông dân Việt Nam” cho ông Trần Kim Túc, đồng thời dựng một tấm bia tại nền nhà việc làng Ninh Thạnh Lợi để tưởng nhớ công lao của những nông dân đã hy sinh.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

-----------------------

Tài liệu tham khảo

- Hội thảo khoa học về Cuộc nổi dậy của nông dân Ninh Thạnh Lợi năm 1927 chống dịch thống trị thực dân Pháp và bọn tay sai, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bạc Liêu, 2001.

- “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”, Sơn Nam, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 1994.

- Tài liệu điền dã.

Chia sẻ bài viết