13/05/2022 - 10:38

Nơi chắp cánh cho sinh viên sáng tạo và khởi nghiệp 

Sau 3 năm đưa vào hoạt động, Không gian Sáng chế Trường Đại học Cần Thơ (Maker Innovation Space of Can Tho University (MIS-CTU) đã thực sự là nơi chắp cánh cho sinh viên đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Từ MIS-CTU, nhiều sản phẩm kỹ thuật, công nghệ được sáng chế, hữu ích cho cuộc sống và trở thành hành trang để sinh viên tự tin hội nhập.

Robot nhận diện gương mặt người tiếp xúc.

Robot nhận diện gương mặt người tiếp xúc.

Hằng ngày ngoài giờ học, Phạm Lê Hữu Đan, sinh viên năm cuối ngành Cơ điện tử, đều đến MIS-CTU để nghiên cứu, sáng chế. Theo chân Đan, em hướng dẫn chúng tôi rửa tay rồi gửi túi vật dụng vào tủ, tất cả các thiết bị đều được tự động hóa. Hữu Đan lý giải: Đó đều là những sản phẩm do sinh viên Trường Đại học Cần Thơ chế tạo ra tại MIS-CTU, rất tiện dụng, hữu ích. Điển hình như với chiếc tủ khóa điện tử dùng giữ vật dụng có tên Electronics Locker, người dùng có thể dùng bất cứ thẻ từ nào như thẻ giữ xe, thẻ ATM… hoặc dùng vân tay để mở cửa tủ và đặt đồ cần giữ vào. Sau khi cửa đóng, tủ sẽ bật đèn đỏ để báo hiệu ngăn đó đã có người sử dụng.

Một sản phẩm cũng rất hữu ích trong đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua là UVC Robot. Thiết bị tự động hóa này sẽ khử khuẩn không gian phòng, nhà bằng tia cực tím. Người dùng từ bên ngoài điều khiển thiết bị, robot sẽ di chuyển, phát tia cực tím để diệt trừ virus có trong không gian đó. Một chú robot khác do sinh viên sáng chế được đánh giá cao là nhận diện và định danh người mà robot tiếp xúc. Cụ thể, khi dữ liệu khuôn mặt của người dùng đã được robot tiếp nhận và lưu trữ, khi nhận diện, robot sẽ phát ra tiếng chào và ghi nhớ lượt, thời gian tiếp xúc. Robot này rất hiệu quả trong việc điểm danh, kiểm tra người vào ra ở một số điểm công cộng, cơ quan, trường học…

TS Nguyễn Hoàng Dũng, Trưởng Ban Quản lý MIS-CTU, cho biết: MIS-CTU được thành lập là kết quả sự hợp tác giữa Trường Đại học Cần Thơ và Đại học Bang Arizona (ASU), Hoa Kỳ, dưới sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), thông qua dự án Built-IT. MIS-CTU nhằm phục vụ cho nhu cầu đam mê sáng tạo của sinh viên, giảng viên và doanh nhân chuyên ngành Kỹ thuật. Từ sự tài trợ các thiết bị, công nghệ hiện đại từ ASU, những ý tưởng mới, sáng tạo của sinh viên và giảng viên được hiện thực hóa thành các sản phẩm cụ thể. Cũng từ MIS-CTU, sinh viên được rèn tư duy sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề và các kiến thức tổng hợp về khoa học, kỹ thuật, cơ khí…

TS Nguyễn Hoàng Dũng cho biết thêm: Từ khi MIS-CTU đưa vào hoạt động, phong trào đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh sáng chế, ứng dụng công nghệ trong sinh viên có nhiều khởi sắc. Nhiều giải pháp, đề tài, sản phẩm sáng tạo của sinh viên được ra đời, ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống và đạt giải tại các cuộc thi chuyên ngành. Một số sản phẩm nổi bật thời gian qua như Máy hỗ trợ xếp giấy, Hệ thống chiết rót, dán nhãn và đóng nắp tự động, Cánh tay robot hỗ trợ tập vật lý trị liệu…

Thường xuyên đến với MIS-CTU ngoài giờ học, em Trần Xuân Khoa, sinh viên ngành Cơ điện tử, cho biết chuyên ngành Xuân Khoa học cần nhiều máy móc, công cụ, dụng cụ để sáng tạo nhưng sinh viên thì không đủ điều kiện để tự trang bị. Không gian sáng chế chính là nơi Khoa và các bạn cùng khoa đến để hiện thực hóa ý tưởng, sáng tạo. “Em hay đến với MIS-CTU vì nơi đây tạo cho em tinh thần học thuật, sáng tạo rất cao. Sự hướng dẫn của thầy cô và sáng tạo của các bạn truyền cảm hứng cho em. Em dùng kiến thức đã học thống kê lại, phát triển thành sản phẩm hữu ích. Đây cũng là nền tảng để em có thể sáng tạo khởi nghiệp sau này”, Trần Xuân Khoa nói.

Từ khi Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 được Thủ tướng ký Quyết định phê duyệt vào năm 2016, Trường Đại học Cần Thơ đã có nhiều giải pháp, mô hình nhằm trợ lực cho sinh viên. Năm 2018, Trường Đại học Cần Thơ thành lập Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ và khởi nghiệp sinh viên, trực thuộc nhà trường, có chức năng làm đầu mối để hỗ trợ sinh viên, đào tạo truyền thông về khởi nghiệp, đồng thời kết nối các dự án khởi nghiệp tiềm năng của sinh viên với doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Theo PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Khôi, Trưởng Phòng Quản lý Khoa học, Trường Đại học Cần Thơ, thực hiện Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 được Thủ tướng phê duyệt năm 2017, Trường Đại học Cần Thơ đã xây dựng học phần Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, đưa vào giảng dạy từ năm học 2018-2019. Nhà trường cũng phối hợp với Google tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn miễn phí về khởi nghiệp kỹ thuật số cho sinh viên. Các ý tưởng khởi nghiệp đa số từ các kết quả nghiên cứu mang tính ứng dụng và được Trường Đại học Cần Thơ hỗ trợ ươm tạo dự án trong 6 tháng tại trường từ nguồn Quỹ Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp của nhà trường. Và việc MIS-CTU được đưa vào hoạt động từ năm 2019 chính là môi trường giúp chuyển các ý tưởng khởi nghiệp thành sản phẩm thương mại hóa.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết