Thực tiễn sự nghiệp cách mạng của Đảng ta cho thấy, công tác dân vận có vai trò quan trọng, gắn với thành công của từng giai đoạn cách mạng. Phát huy truyền thống ấy, những năm qua, các cấp ủy Đảng TP Cần Thơ luôn quan tâm lãnh đạo để công tác dân vận ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần khơi dậy tinh thần đoàn kết, sức mạnh tổng hợp của nhân dân xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Trong 1.048 mô hình “Dân vận khéo” được hệ thống dân vận các cấp đăng ký thực hiện trong năm 2010, chúng tôi xin giới thiệu 2 mô hình được chọn báo cáo điển hình tại buổi họp mặt Kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng do Ban Dân vận Thành ủy Cần Thơ tổ chức vào hôm nay, 15-10-2010.
* “KHÉO” HUY ĐỘNG SỨC DÂN XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG
Bon xe trên tuyến đường bê tông thẳng tắp dài 3.500m đi qua ấp Tràng Thọ 3, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh, tôi bắt gặp nhiều người dân đang đứng ngắm con đường vừa mới hoàn thành với vẻ mặt đầy phấn khởi. Ông Lê Thành Bé, người dân ấp Tràng Thọ 3, hào hứng kể “Con đường này lúc trước chỉ có 1,5m, có những đoạn bị sạt lở, hai xe qua lại khó khăn. Khi chính quyền vận động bà con đóng góp đổ bê tông toàn tuyến và mở rộng mặt đường ra 3,5 m, người dân rất mừng. Ai cũng mong mau tới ngày khánh thành”. Mô hình vận động nhân dân xây dựng đường giao thông ở ấp Tràng Thọ 3 là một trong những mô hình dân vận khéo tiêu biểu của xã Vĩnh Bình.
 |
Tuyến đường ở ấp Tràng Thọ 3 (xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh) được mở rộng từ sự chung sức chung lòng
đóng góp của nhân dân trong ấp. |
Được thành lập trên cơ sở chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính từ xã Thới Thuận và Trung Nhứt vào tháng 3-2009, điều kiện cơ sở hạ tầng xã Vĩnh Bình còn thấp kém. Trên địa bàn xã còn nhiều tuyến đường đất và cầu ván tạm bợ. Ngay khi mới thành lập, Chi bộ xã xác định phải tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn nhằm thúc đẩy KT-XH phát triển. Bên cạnh tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của trên, Chi ủy phân công các đảng viên góp phần cùng chính quyền, đoàn thể vận động nhân dân góp sức xây dựng cầu, đường. Ngoài tuyến đường về trung tâm xã được huyện Vĩnh Thạnh đầu tư, những tuyến chính của ấp cũng được tập trung thực hiện bằng cách huy động sức dân đóng góp. Theo các cán bộ và bà con trong ấp, tuyến đường ở ấp Tràng Thọ 3 xây dựng đã lâu nhưng chiều ngang chỉ có 2m, nhiều đoạn xuống cấp, hư hỏng nên việc đi lại của nhân dân rất khó khăn. Trước tình hình đó, Tổ đảng và Ban Nhân dân ấp đề xuất Chi bộ, UBND xã cho phép vận động nhân dân hiến đất và đóng góp tiền, công sức để mở rộng tuyến đường thêm 1,5m.
Theo các cán bộ và bà con ở ấp Tràng Thọ 3, mọi người đều đồng tình với chủ trương mở rộng tuyến đường, nhưng khi nghe nói số tiền vận động góp để xây dựng công trình là 388 triệu đồng thì ai cũng “ngán dội”, vì đời sống nhiều hộ còn khó khăn. Trong cuộc họp dân, cán bộ xã, ấp đã phân tích những khó khăn của địa phương và bàn phương án vận động các hộ trích một phần tiền bán lúa chét cho các chủ nuôi vịt chạy đồng đóng góp với mức 60.000 đồng/công (thường bà con bán cho chủ vịt khoảng 200.000 đồng/ công) để làm đường. Sau khi bàn bạc dân chủ, bà con đã thống nhất bầu Ban Vận động và xây dựng gồm 13 người, là những cán bộ ấp, người dân có uy tín, kinh nghiệm đứng ra thu tiền, tổ chức xây dựng đường. Các cán bộ, đảng viên trong ấp và thành viên Ban Vận động và xây dựng như ông Huỳnh Thanh Bình, Trương Văn Chắt, Trần Văn Bao, Nguyễn Văn Á... gương mẫu đóng góp trước. Bà con cũng thống nhất đóng góp công lao động cùng các cán bộ ấp, Ban Vận động và xây dựng để thi công công trình. Sau khi vận động được khoảng 60 triệu đồng, Ban Vận động và xây dựng tiến hành khởi công. Ông Trương Văn Chắt, Phó Ban vận động và xây dựng, cho biết: “Tuy chưa đủ tiền nhưng chúng tôi quyết định phải thi công để minh chứng cho sự quyết tâm thực hiện của Ban Vận động và xây dựng, cũng nhằm để bà con thấy số tiền mình đóng góp đã phát huy hiệu quả. Nói phải đi đôi với làm thì bà con mới tin, công tác vận động cũng dễ dàng hơn”. Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Trưởng Ban Công tác Mặt trận ấp, trong những ngày làm đường, bà con quy tụ về rất đông. Vào những lúc cao điểm thi công đổ mặt đường có gần 70 người tham gia, chưa kể nhiều chị em phụ nữ tham gia nấu nướng, lo phục vụ cơm, nước mỗi ngày. Một số gia đình còn cho mượn các dụng cụ, máy trộn hồ... và góp nhiều ngày công. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Sồ không chỉ tự nguyện tháo dỡ hàng rào trụ bê tông để mở rộng đường, đóng góp 1,5 triệu đồng, ông và con trai còn góp nhiều ngày công lao động. Ông Sồ tâm sự: “Mở rộng, xây dựng con đường khang trang là mong muốn bấy lâu của bà con, nên người góp công, kẻ góp của để công trình sớm hoàn thành”.
Đồng chí Trần Ngọc Lê, Trưởng Khối vận xã Vĩnh Bình, cho biết: “ Kinh nghiệm rút ra từ mô hình vận động nhân dân làm đường ở ấp Tràng Thọ 3 đã được xã nhân rộng ra các ấp khác, bước đầu đạt hiệu quả cao. Từ đầu năm đến nay, nhân dân trong xã đã đóng góp gần 600 triệu đồng và hơn 4.000 ngày công lao động để xây dựng và sửa chữa 12 cầu ván, 3 tuyến đường, góp phần hoàn chỉnh các tuyến giao thông trên địa bàn”.
* “KHÉO” VẬN ĐỘNG TỔ CHỨC SẢN XUẤT, NÂNG CAO ĐỜI SỐNG
Trở lại ấp Thới Hòa B, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ sau một thời gian lại nhận thấy những đổi thay đáng mừng. Nếu như trước đây ấp còn nhiều phụ nữ thất nghiệp, không có việc làm trong những lúc nông nhàn thì bây giờ các chị có việc làm không ngơi tay và ngày càng có thu nhập ổn định hơn. Ông Kim Thiên, Trưởng ấp Thới Hòa B, cho biết: “ Mô hình vận động, tổ chức cho các hộ phát triển nghề đan lục bình đã giải quyết việc làm cho gần 100 bà con trong ấp, giúp nhiều gia đình tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống”.
Ấp Thới Hòa B có 99% bà con dân tộc Khmer, trình độ dân trí thấp, đa số phụ nữ thiếu việc làm nên đời sống nhiều hộ còn khó khăn. Trước tình hình ấy, được sự chấp thuận của lãnh đạo thị trấn, Chi bộ, Ban Nhân dân ấp Thới Hòa B đã xây dựng kế hoạch phối hợp cùng ngành Lao động Thương binh và Xã hội huyện Cờ Đỏ vận động và mở được 3 lớp đan lục bình với 90 chị em tham gia học nghề. Khi các chị đan thành thạo, Ban Nhân dân ấp mạnh dạn ký hợp đồng với Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Kim Ngân giao sản phẩm cho các chị nhận về nhà làm. Theo ông Đào Dinh, Bí thư Chi bộ ấp Thới Hòa B, lúc đầu, bà con tham gia học nghề đông nhưng sau đó một số chị phải bỏ ngang để đi làm thuê lo miếng cơm manh áo mỗi ngày. Sau khi hết mùa vụ, các cán bộ ấp đến nhà động viên các chị nhận sản phẩm về làm; đồng thời vận động những chị có tay nghề giỏi dạy lại cho những người chưa thành thạo. Nhờ vậy mà số lượng phụ nữ tham gia đan lục bình ngày càng đông. Đến nay, có 70 chị và khoảng 30 người thân của các chị tham gia làm nghề này. Chị Sơn Thị Lang, tâm sự: “ Nhờ ông Đào Dinh và Kim Thiên vận động học nghề, rồi được nhận sản phẩm về nhà làm, gia đình tôi có thêm thu nhập. Tôi tranh thủ thời gian rảnh vào buổi trưa và tối để làm thêm, mỗi tuần cũng kiếm được khoảng 250.000 đồng. Các chị khác cũng rất phấn khởi vì nghề này không phải dầm mưa dãi nắng, làm việc nặng nhọc, vừa có thời gian coi sóc nhà cửa. Chỉ cần chịu khó đan cho khéo cũng có thu nhập khá”.
Khi nhiều phụ nữ trong ấp có việc làm với thu nhập ổn định thì tình trạng tụ tập đánh bài, ghi số đề... cũng giảm dần. Ông Kim Đông, Trưởng Khối vận thị trấn Cờ đỏ, cho biết: “Chúng tôi đang có kế hoạch nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” ở ấp Thới Hòa B ra tất cả các ấp trong thị trấn, để giúp nhiều phụ nữ có việc làm lúc nông nhàn với thu nhập khá ổn định. Hiện nay, cán bộ các ấp Thới Hiệp, Thới Bình, Thới Trung đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhân rộng mô hình cho phụ nữ trong ấp”.
Hiện nay, trong hơn 1000 mô hình “Dân vận khéo” đang triển khai thực hiện tại nhiều địa phương trong thành phố, còn rất nhiều mô hình thiết thực, mang lại hiệu quả cao ở các lĩnh vực như: vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế; vận động cộng đồng thực hiện tốt chính sách xã hội; xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn; bảo vệ an ninh trật tự... Kinh nghiệm cho thấy, chính tinh thần tiền phong, gương mẫu, nhất là sự kiên trì vận động, sự gần gũi, gắn bó để chăm lo cho dân của cán bộ, đảng viên đã tạo được niềm tin, sự đồng thuận trong nhân dân. Để thực hiện những mô hình “Dân vận khéo” ấy, mỗi nơi có cách vận động khác nhau, nhưng tựu trung vẫn là vì mục tiêu thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Bài, ảnh: THANH THY