13/11/2022 - 14:15

Nỗ lực vượt các rào cản tăng trưởng kinh tế 

GIA BẢO

Sau hơn 2 năm chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, đến nay đà phục hồi của kinh tế thế giới còn chưa vững chắc, lạm phát toàn cầu vẫn đang là vấn đề nan giải. Ðây là thách thức lớn cho các nền kinh tế đang phát triển, nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam. Xu hướng bất định toàn cầu gia tăng, những quan ngại về lãi suất, tỷ giá, lạm phát… sẽ trở thành lực cản cho sự phát triển. Theo các chuyên gia, Việt Nam có độ mở nền kinh tế cao, nếu không có các giải pháp ứng phó khả thi với các rủi ro kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các mục tiêu kinh tế - xã hội của cả giai đoạn 2021-2025.

Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ để phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty Thép Tây Đô. Ảnh: M.HUYỀN

Tăng trưởng trong thách thức

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, kinh tế toàn cầu năm 2022 với vị thế yếu hơn kỳ vọng. Các dự báo triển vọng tăng trưởng của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đều giảm so với dự báo trước đó. Tiếp nối xu hướng từ năm 2021, lạm phát trong 10 tháng năm 2022 tiếp tục tăng ở hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Thêm vào đó, xung đột tại Nga - Ukraine; giá hàng hóa thế giới tăng vọt, nhất là giá năng lượng; tình trạng nghèo đói ở nhiều nền kinh tế mới nổi và đang phát triển gia tăng... đã tác động mạnh đến quá trình phục hồi của nền kinh tế thế giới sau hơn 2 năm bị tác động nặng nề bởi dịch COVID-19. Trong vòng 3 tháng qua, việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế phát triển để kiềm chế lạm phát đã tác động tiêu cực đến các nền kinh tế đang phát triển, mới nổi.

Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu của IMF vừa cập nhật tháng 10-2022 đã tiếp tục điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 xuống 3,2%, giảm mạnh 1,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 1-2022. Trong đó, IMF hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ xuống còn 1,6% (giảm 2,4 điểm phần trăm so với dự báo đầu năm 2022), khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng 3,1% (giảm 0,8 điểm phần trăm), Ðức tăng 1,5% (giảm 2,3 điểm phần trăm), Trung Quốc tăng 3,2% (giảm 1,6 điểm phần trăm)… IMF (tháng 10-2022) dự báo tăng trưởng thương mại hàng hóa và dịch vụ thế giới năm 2022 là 4,3%, giảm 1,7 điểm % so với dự báo đầu năm. Cạnh đó, IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 xuống còn 2,7%.

Mặc dù chịu nhiều tác động từ bên ngoài, nhưng nền kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi tích cực trong 10 tháng qua. Các dự báo của Moody’s, IMF và WB đều đánh giá tích cực về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sau đại dịch, với mức dự báo tăng trưởng lần lượt là 8,5%, 7,2% và 7% trong năm 2022. Mới đây, báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, người đứng đầu Chính phủ cho biết, tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia được tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện. Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng nhận định, sự phục hồi kinh tế diễn ra khá đồng đều giữa các địa phương, cả nước có 44/63 tỉnh, thành phố ghi nhận tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP đạt trên 6%; ước cả năm tăng trưởng GDP cả nước đạt khoảng 8%. Ðây là tín hiệu tích cực, tạo nền tảng cho các năm tiếp theo.

Tập trung các giải pháp chiến lược, đột phá

Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, đến nay Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã giải ngân hơn 66.300 tỉ đồng, góp phần tích cực trong tháo gỡ các khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, an sinh xã hội... Ðồng thời, 10 tháng giải ngân vốn đầu tư công chuyển biến tích cực, đến cuối tháng 10-2022 giải ngân đạt 51,34% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn so với cùng kỳ (55,8%) nhưng đã ghi nhận sự nỗ lực tích cực của các bộ, ngành và địa phương trong việc thúc đẩy tiến độ giải ngân. Mới đây, Công điện số 1076/CÐ-TTg (ngày 10-11-2022) của Thủ tướng cũng nêu rõ, để duy trì động lực phục hồi, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế năm 2022 khoảng 8%, các cấp, các ngành cần tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là động lực tăng trưởng, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm từ nay đến cuối năm 2022, phấn đấu giải ngân vốn ngân sách nhà nước đạt 95-100% kế hoạch Thủ tướng giao.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định, các bất định toàn cầu sẽ tác động tiêu cực đến các nền kinh tế nếu không có giải pháp thích ứng kịp thời và căn cơ. Ðặc biệt là chính sách điều chỉnh lãi suất điều hành của các nền kinh tế lớn để siết tín dụng, ngăn trượt giá của đồng nội tệ sẽ làm tăng áp lực đến chi phí vốn. Vì vậy cần đẩy mạnh tháo gỡ những cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận các nguồn vốn thuận lợi hơn; tập trung vốn cho tiêu dùng, đầu tư và xuất nhập khẩu. Song song đó, kiểm soát chặt chẽ giá cả, chất lượng các mặt hàng thiếu yếu, nhất là thực phẩm, xăng dầu... để ổn định tiêu dùng trong nước. Các chương trình phục hồi kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia cần đẩy mạnh. Có giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động; tạo sự đồng thuận xã hội để đạt các mục tiêu lớn đề ra.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành cần tập trung khắc phục những tồn tại, bất cập, vướng mắc về kinh tế - xã hội. Ðồng thời cần kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng. Theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới, diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, phản ứng chính sách của các nền kinh tế lớn, các đối tác thương mại, đầu tư chính, đánh giá nguyên nhân và ảnh hưởng của lạm phát để chủ động có giải pháp điều hành phù hợp. Xây dựng kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát. Chính sách tài khóa phải phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Chia sẻ bài viết