23/09/2024 - 08:29

Nỗ lực trợ giúp giảm nghèo bền vững 

Giai đoạn 2021-2024, TP Cần Thơ nỗ lực thực hiện các chính sách trợ giúp giảm nghèo bền vững một cách cụ thể, thiết thực: xây dựng và sửa chữa 2.268 căn nhà Đại đoàn kết, trợ giúp 39.424 lượt hộ vay trên 2.873 tỉ đồng phát triển sản xuất, kinh doanh, cấp 114.991 lượt thẻ bảo hiểm y tế… Thành phố phấn đấu đến cuối năm 2024, chỉ còn 545 hộ nghèo, tỷ lệ 0,15%; 3.706 hộ cận nghèo, tỷ lệ 1%.  

Mô hình vay vốn ưu đãi trồng rau màu, phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, nâng cao thu nhập.

Vận dụng hiệu quả chính sách trợ giúp

Ðược Hội LHPN xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, giới thiệu vay 70 triệu đồng để nuôi dê thịt, chị Lưu Ngọc Vinh ở ấp Thới Phong B quyết tâm khôi phục kinh tế gia đình sau 2 lần liên tiếp thất bại vì dịch bệnh trên heo. Lúc đầu, chồng chị Vinh nuôi thử nghiệm 4 con dê, đến nay có khoảng 50 con. Hằng ngày, chồng chị Vinh chịu khó cắt cỏ, rau cho dê ăn, giảm chi phí thức ăn công nghiệp; chị Vinh lo vệ sinh chuồng trại, phòng ngừa dịch bệnh. Chị Vinh cho biết: “Nuôi dê dễ chăm sóc, chi phí thấp, ít rủi ro, giá cả tiêu thụ ổn định, dao động từ 80.000-120.000 đồng/kg. Khi bán đợt dê thịt sắp tới, tôi sẽ xây thêm dãy chuồng nuôi dê để bán vào dịp Tết”.       

Thực hiện các chính sách trợ giúp giảm nghèo bền vững, từ đầu năm 2021 đến nay, huyện Thới Lai xây dựng và sửa chữa 399 căn nhà Ðại đoàn kết, số tiền trên 20,4 tỉ đồng; trợ giúp 432 hộ vay trên 11,4 tỉ đồng mở rộng sản xuất, kinh doanh; cấp 40.266 thẻ bảo hiểm y tế; trợ giúp giáo dục trên 1,4 tỉ đồng cho 2.884 học sinh; giới thiệu 118 lao động học nghề, 721 lao động có việc làm… Mặt khác, huyện Thới Lai còn duy trì 10 mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, giảm nghèo tại các xã. UBND các cấp kết nối các doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm đầu ra của các mô hình. Ông Nguyễn Ngọc Nà, Giám đốc Hợp tác xã Quốc Noãn, xã Trường Thắng, chia sẻ: “Tôi rất vui vì được vay vốn ưu đãi duy trì bền vững nghề đan đát truyền thống gia đình, đồng thời giúp từ 30 lao động có việc làm, thu nhập bình quân 3,5-5 triệu đồng/tháng. Hợp tác xã không có thành viên diện hộ nghèo, cận nghèo”. Huyện Thới Lai hiện có 63 hộ nghèo, tỷ lệ 0,21%; 912 hộ cận nghèo, tỷ lệ 3,07%.

Quận Thốt Nốt tập trung thực hiện các chính sách trợ giúp về nhà ở, vốn vay, y tế, dạy nghề, việc làm cho hộ nghèo, cận nghèo... để giảm nghèo bền vững. Hằng năm, ban chỉ đạo giảm nghèo các phường quan tâm phân tích nguyên nhân nghèo, những chỉ tiêu thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo. Các ngành, đoàn thể nhận đỡ đầu hộ nghèo thực hiện các giải pháp trợ giúp phù hợp từng hoàn cảnh; rà soát, phân tích hộ nghèo không thể thoát nghèo để phân công cán bộ hướng dẫn, trợ giúp cụ thể. Ðến tháng 6-2024, tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2021-2025 còn 0,46%, giảm 0,84%; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 1,19%, giảm 0,43% so với đầu giai đoạn, đảm bảo lộ trình giảm nghèo của quận.

Khích lệ ý thức tự lực vươn lên

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, phấn đấu đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo thành phố còn 0,15%, giảm 0,65% so với đầu giai đoạn, vượt so với mục tiêu đề ra. Các quận, huyện đang tập trung rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2024, là cơ sở xác định đối tượng thụ hưởng chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội năm 2025 trên địa bàn thành phố. Qua đó, đảm bảo tính công khai, minh bạch, chính xác, tuyệt đối không để sai, sót đối tượng. Ủy ban MTTQVN các cấp và các tổ chức thành viên phát huy vai trò giám sát quy trình rà soát và niêm yết công khai kết quả bình xét hộ nghèo, cận nghèo tại các địa phương.

Từ đầu giai đoạn, thành phố bố trí kinh phí hằng năm để các quận, huyện chủ động triển khai thực hiện các chính sách trợ giúp giảm nghèo, an sinh xã hội, tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như đẩy mạnh huy động nguồn lực hỗ trợ từ doanh nghiệp, cộng đồng. HÐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 12/2023/NQ-HÐND quy định chính sách hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững giai đoạn 2024-2025. Ðây là điều kiện để hộ nghèo tiếp cận chính sách đặc thù của thành phố về hỗ trợ điện, nước, nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh, nắm bắt cơ hội vươn lên thoát nghèo. Các địa phương đang tập trung khảo sát, thẩm định để kịp triển khai thực hiện chính sách theo quy định. Các sở, ngành, địa phương chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao; triển khai đồng bộ các chính sách, dự án giảm nghèo; chủ động xây dựng và nhân rộng các mô hình sinh kế, giảm nghèo.

Việc kịp thời thực hiện các chính sách trợ giúp về vốn vay ưu đãi, đào tạo nghề, giải quyết việc làm... cùng với đẩy mạnh vận động xã hội hóa chăm lo hộ nghèo, cận nghèo đã tác động mạnh mẽ đến tiến trình giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội; cơ bản giúp người nghèo thay đổi nhận thức, vận dụng hiệu quả chính sách trợ giúp để lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo, không để tái nghèo, phát sinh hộ nghèo mới.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết