01/10/2009 - 08:30

Ngày 1-10-2009 luật bảo hiểm y tế có hiệu lực

Nỗ lực thực hiện tốt Luật BHYT đáp ứng mục tiêu toàn dân tham gia BHYT

Trong những ngày qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Cần Thơ và Sở Y tế (SYT) TP Cần Thơ đã nỗ lực triển khai các phần việc để thực thi tốt Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) (có hiệu lực từ ngày 1-10-2009), nhằm tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2014. Xoay quanh vấn đề này, PV Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo 2 đơn vị trực tiếp thực hiện chế độ BHYT đến người dùng thẻ BHYT.

* Ông Trần Văn Minh, Giám đốc BHXH TP Cần Thơ:

Vận dụng linh động nhiều quy định mới phù hợp với điều kiện của địa phương

Nhân viên BVĐK Trung ương Cần Thơ hướng dẫn thủ tục nhập viện cho bệnh nhân BHYT. Ảnh: M.N 

Luật BHYT mới nhằm khắc phục những bất cập trong chăm sóc sức khỏe cho nhân dân khi tham gia BHYT, lộ trình thực hiện đến năm 2014. Trong đó, có những điểm mới như: Mức đóng BHYT tùy theo đối tượng, được xác định theo tỷ lệ % của tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp hoặc mức lương tối thiểu. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT do quỹ BHYT và người tham gia BHYT cùng chi trả (trước đây, đối tượng BHYT bắt buộc được BHYT thanh toán 100% chi phí điều trị bệnh).

* Lộ trình BHYT toàn dân được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Tùy theo đối tượng mức đóng BHYT có 2 mốc thời gian, cụ thể: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn hoặc HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên, cán bộ-công chức, viên chức theo quy định của pháp luật, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ chuyên môn kỹ thuật đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân. Mức đóng hằng tháng từ nay đến cuối năm 2009 bằng 3% mức tiền lương tháng, từ ngày 1-1-2010 mức đóng bằng 4,5% tiền lương tháng. Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng mức đóng bằng 4,5% mức tiền lương hưu trợ cấp mất sức. Các đối tượng khác (được quy định trong Nghị định 62/2009/NĐ-CP ban hành ngày 27-7-2009), mức đóng bằng 4,5% mức lương tối thiểu.

HS-SV, trước đây thuộc diện BHYT tự nguyện, nay là đối tượng BHYT bắt buộc mức đóng hằng tháng bằng 3% mức lương tối thiểu và được ngân sách nhà nước hỗ trợ ít nhất bằng 50% mức đóng cho HS-SV thuộc diện hộ cận nghèo.

Năm 2012 thực hiện BHYT bắt buộc đối tượng là người thuộc hộ gia đình làm: Nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp. Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức lương tối thiểu.

Năm 2014 thực hiện BHYT bắt buộc đối với thân nhân của người lao động mà người lao động có trách nhiệm nuôi dưỡng và sống trong cùng hộ gia đình. Mức đóng hằng tháng bằng 3% mức lương tối thiểu. Xã viên hợp tác xã- hộ kinh doanh cá thể mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức lương tối thiểu.

* Có mở rộng quy định về việc chọn nơi khám chữa bệnh ban đầu?

- Người tham gia BHYT có quyền đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở y tế tuyến xã (trước đây không có quy định này), tuyến huyện hoặc tương đương. Trường hợp người tham gia BHYT phải làm việc lưu động hoặc đến tạm trú tại địa phương khác thì được khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở y tế phù hợp với tuyến chuyên môn kỹ thuật nơi người đó đang làm việc lưu động, tạm trú.

Người tham gia BHYT được thay đổi nơi đăng ký KB, CB ban đầu vào đầu mỗi quý trong năm. Trường hợp cấp cứu chỉ cần xuất trình thẻ BHYT có kèm ảnh tại bất kỳ cơ sở y tế nào trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp bị tai nạn giao thông thì phải xác định được là không vi phạm pháp luật thì mới được hưởng quyền lợi về BHYT.

* BHXH thành phố giải quyết chế độ thanh toán viện phí như thế nào, thưa ông?

- Theo Luật BHYT có 4 mức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Cụ thể: Mức thanh toán 100% dành cho bệnh nhân điều trị tại tuyến xã hoặc trường hợp tổng chi phí của một lần điều trị thấp hơn 15% mức lương tối thiểu. Các đối tượng là người có công cách mạng hoạt động trước năm 1945 đến 19-8-1945; Mẹ VN Anh hùng; thương binh người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh bị mất sức lao động từ 81% trở lên; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh khi điều trị vết thương bệnh tật tái phát. Các đối tượng là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật, lực lượng Công an nhân dân cũng được hưởng 100% chi phí điều trị, nhưng đối với việc sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao thì số tiền không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật đó; phần còn lại do ngân sách của đơn vị quản lý đối tượng chi trả.

Mức thanh toán 95% dành cho người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng, người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng, người thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn- đặc biệt khó khăn kể cả sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn nhưng không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật đó; phần còn lại do người bệnh tự thanh toán với cơ sở y tế.

Mức thanh toán 80% chi phí khám chữa bệnh đối với các đối tượng còn lại kể cả sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn nhưng không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật đó; phần còn lại do đối tượng tự thanh toán với cơ sở y tế.

Trường hợp người dùng thẻ BHYT, người tham gia BHYT khám chữa bệnh không đúng cơ sở y tế ban đầu hoặc không theo tuyến chuyên môn kỹ thuật quy định (trừ trường hợp cấp cứu) thì được quỹ BHYT thanh toán chi phí 70% đối với trường hợp điều trị tại bệnh viện hạng III, 50% chi phí đối với trường hợp điều trị tại bệnh viện hạng II và 30% chi phí đối với trường hợp điều trị tại bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt. Đồng thời, trong tất cả trường hợp điều trị theo yêu cầu thì mức hưởng BHYT không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn.

* Thưa ông, BHXH thành phố có biện pháp gì để giúp các bệnh viện thực hiện tốt công tác thanh toán viện phí cho bệnh nhân BHYT?

- Hiện nay, BHXH đã cử nhân viên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đến làm việc tại các bệnh viện trong thành phố có hợp đồng khám chữa bệnh cho bệnh nhân BHYT, để kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc nếu có. Việc thanh toán viện phí cho người dùng thẻ BHYT sẽ được BHXH vận dụng một cách linh động, phù hợp với điều kiện thực tiễn của ngân sách của địa phương, nhằm giúp người dân an tâm hưởng ứng mục tiêu BHYT toàn dân.

* Tiến sĩ Trần Sophia, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ:

Ngành y tế thực hiện nghiêm ngặt quy chế phối hợp thực hiện
chính sách, pháp luật về BHYT

* Thưa ông, các bệnh viện đã báo cáo BHXH thành phố danh mục dịch vụ kỹ thuật nhằm thống nhất giá dịch vụ áp dụng cho bệnh nhân BHYT?

- Sở Y tế là đơn vị trung gian theo dõi, chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện tốt công tác phục vụ người bệnh, trong đó có bệnh nhân dùng thẻ BHYT. Để thực hiện tốt Luật BHYT, Sở Y tế đã tổ chức hội nghị (vào giữa tháng 8-2009), mời lãnh đạo BHXH thành phố lắng nghe ý kiến đóng góp của lãnh đạo 16 bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa trong thành phố có ký hợp đồng khám chữa bệnh cho người dùng thẻ BHYT. Hội nghị đã thống nhất giải quyết những vấn đề còn vướng mắc trong công tác thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo chế độ BHYT.

Sở đã chỉ đạo các bệnh viện báo cáo với BHXH thành phố danh mục dịch vụ kỹ thuật y tế (theo biểu mẫu do Sở thống nhất với BHXH), mà bệnh viện đã đầu tư trong năm 2008 đến nay theo quy định Nghị định 43 của Chính phủ để BHXH thành phố rà soát, đối chiếu danh mục dịch vụ kỹ thuật dùng cho bệnh nhân BHYT để áp giá thống nhất giữa các bệnh viện và phù hợp với quy định BHYT mới, đảm bảo công bằng trong chế độ dành cho bệnh nhân BHYT. Sở Y tế quy định trường hợp, bệnh viện nào đăng ký chậm trễ thì lãnh đạo bệnh viện phải hoàn toàn chịu trách nhiệm khi gặp vướng mắc trong việc thanh toán chi phí điều trị cho người dùng thẻ BHYT theo Luật BHYT.

* Giải quyết vấn đề thủ tục đăng ký khám chữa bệnh và thanh toán viện phí theo quy định mới như thế nào, thưa ông?

- Luật BHYT mới quy định mở rộng cơ sở khám chữa bệnh ban đầu đến tuyến xã, phường để người mua BHYT có thể chọn trạm y tế xã làm cơ sở khám chữa bệnh ban đầu. Và trong chế độ thanh toán viện phí cũng có nhiều thay đổi khác nhau tùy từng đối tượng đăng ký tham gia BHYT. Đây là vấn đề đòi hỏi ngành y tế phải nỗ lực nâng cao năng lực về chuyên môn và đơn giản hóa thủ tục hành chánh. Trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực của các cơ sở y tế phát triển chưa đồng bộ thì thực hiện được việc này, cần phải có thời gian. Để làm tốt chính sách BHYT, ngành y tế đã ký kết “Quy chế phối hợp thực hiện Luật BHYT” với BHXH thành phố. Quy chế quy định: Sở Y tế là cơ quan tham mưu giúp UBND thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về BHYT, còn BHXH là cơ quan thực hiện chính sách BHYT tại địa phương. Trong quá trình tổ chức thực hiện, hai bên sẽ tích cực phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong chế độ thanh toán viện phí, trong công tác thanh tra, kiểm tra giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo...

Sở Y tế là đơn vị trung gian chỉ đạo các bệnh viện có hợp đồng với cơ quan BHXH khám chữa bệnh BHYT, các bệnh viện phải bố trí nhân sự phục vụ bệnh nhân BHYT từ khâu tiếp nhận bệnh đến khi ra viện, đảm bảo hợp lý, giảm thủ tục, không gây phiền hà cho người bệnh. Kịp thời xây dựng và trình báo cấp thẩm quyền phê duyệt giá dịch vụ kỹ thuật do cơ sở đầu tư để thanh toán theo chế độ BHYT cho bệnh nhân dùng thẻ BHYT. Tuân thủ quy chế cấp cứu đối với bệnh nhân BHYT, đảm bảo bệnh nhân cấp cứu nếu có thẻ BHYT sẽ được hưởng quyền lợi điều trị bệnh theo quy định. Ngoài ra, các bệnh viện phải bố trí địa điểm thuận lợi cho cán bộ BHXH làm công tác giám sát và thanh, quyết toán BHYT.

* Xin cảm ơn ông Trần Văn Minh và Tiến sĩ Trần Sophia!

ĐÌNH KHÔI (thực hiện)

Chia sẻ bài viết