03/09/2015 - 20:54

Nỗ lực không ngừng để hội nhập

Là một trong những trường được đầu tư trở thành trường nghề chất lượng cao, Trường Cao đẳng Nghề (CĐN) Cần Thơ đã và đang nỗ lực xây dựng và phát triển xứng tầm khu vực và quốc tế. Đây là cơ hội cũng là thách thức đối với trường trong tiến trình hội nhập quốc tế…

* Sức bật

Với bề dày hơn 50 thành lập và phát triển, Trường CĐN Cần Thơ (trước đây là Trường Trung học Kỹ thuật Phong Dinh, Trường Công nhân Kỹ thuật Cần Thơ), là cơ sở đào tạo cung cấp nguồn nhân lực kỹ thuật cho TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL. Giai đoạn 2001-2007, trường được cải tạo và nâng cấp từ Dự án Giáo dục Kỹ thuật và Dạy nghề. Tháng 2-2007, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) quyết định nâng cấp Trường thành Trường CĐN Cần Thơ, có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề và tổ chức nghiên cứu khoa học sư phạm nghề; ứng dụng kỹ thuật - công nghệ, nâng cao chất lượng đào tạo… Hiện nay, trường có 7 phòng chức năng, 8 khoa, 1 tổ bộ môn; với 133 cán bộ (CB), giáo viên (GV), trong đó có 106 GV cơ hữu (4 nghiên cứu sinh, 27 thạc sĩ), 100% giảng viên đạt chuẩn về nghiệp vụ sư phạm. Quy mô đào tạo khoảng 2.000 học sinh, sinh viên (HSSV).

 Giờ thực hành của sinh viên Trường CĐN Cần Thơ.

Sự trưởng thành của ngôi trường 50 tuổi càng "chín muồi" khi năm 2013, Bộ LĐ-TB&XH có Quyết định 784 phê duyệt danh sách 40 trường công lập được đầu tư trường nghề chất lượng cao đến năm 2020; trong đó có Trường CĐN Cần Thơ. Trường được chọn đầu tư 5 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế (công nghệ ô tô, điện tử công nghiệp, công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm), quản trị mạng máy tính, điện công nghiệp; 1 nghề trọng điểm khu vực ASEAN (cắt gọt kim loại),… Để thực hiện lộ trình trường chất lượng cao, nhiều năm qua, nhà trường chuẩn bị, hoàn thiện về mọi mặt, từ cơ sở vật chất, thiết bị đến đội ngũ giảng viên, giáo viên dạy nghề. Trường đã và đang đầu tư các dự án, với kinh phí hàng chục tỉ đồng như: Nhà thi đấu đa năng, khối nhà xưởng 4 tầng và thư viện điện tử; tiếp tục thụ hưởng các dự án "Tăng cường kỹ năng nghề" do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ; dự án "đổi mới và phát triển dạy nghề" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia;… Giới thiệu một số công trình đã đưa vào sử dụng, Thạc sĩ Nguyễn Trọng Sơn, Hiệu trưởng nhà trường, phấn khởi cho biết: "Với diện mạo mới khang trang, hiện đại, thầy và trò của trường có điều kiện dạy và học thuận lợi hơn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo".

* Đi một ngày đàng…

Đi đôi với việc đầu tư cơ sở vật chất, trường còn tập trung nâng tầm đội ngũ CBGV, yếu tố tiên quyết đối với quá trình phát triển cơ sở đào tạo giai đoạn hội nhập. Nhiều năm qua, trường tổ chức nhiều hoạt động như: sinh hoạt chuyên môn, hội thảo, hội giảng giáo viên dạy giỏi; tạo điều kiện cho giáo viên học tập nâng cao trình độ sau đại học;… Để chuẩn hóa kỹ năng nghề, đáp ứng yêu cầu giảng dạy đối với trường chất lượng cao, trường tổ chức kiểm tra, đánh giá kỹ năng nghề đối với 47 thầy cô dạy 5 nghề cấp quốc tế, quốc gia. Năm 2012, trường tạo điều kiện để 15 giáo viên tham gia khóa đào tạo ở Malaysia, 5 giáo viên bồi dưỡng tại Hàn Quốc, Úc,… Theo lãnh đạo trường, CBGV học tập nước ngoài về đã "thổi luồng gió mới", vận dụng hiệu quả kiến thức được trang bị trong quá trình quản lý, giảng dạy.

Kỹ sư Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng khoa Động lực, là một trong 15 thầy cô của trường tham gia khóa đào tạo ở Malaysia, bộc bạch: "Sang nước bạn học tập, tôi tích lũy nhiều kiến thức "đi một ngày đàng, học một sàng khôn". Chẳng hạn, nước bạn thực hiện dạy theo mô-đun từ rất lâu, trang thiết bị thực hành rất phong phú, lớp khoảng 20 học sinh; trong khi trường mới triển khai vài năm nay, có cải thiện trang thiết bị thực hành nhưng chưa đủ, lớp nhiều học sinh. Chúng tôi được hướng dẫn thực hành trực tiếp tại cơ sở sản xuất". Năm 2003, thầy Tuấn về trường công tác, vừa giảng dạy, vừa phụ trách quản lý trang thiết bị và quan hệ với các doanh nghiệp sửa chữa ô tô, tiếp cận và cập nhật kỹ thuật mới để triển khai giảng dạy cho HSSV. Sau khi tham gia khóa học ở Malaysia, thầy Tuấn mạnh dạn triển khai bài tích hợp, cải tiến phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng HSSV. Thầy Tuấn nói: "Trước đây, chỉ 1 - 2 trong số 9 giáo viên của khoa đứng dạy bài tích hợp các mô-đun; hiện nay trên 50% giáo viên dạy dạng bài này. Khi công nghệ ô tô được chọn là 1 trong 5 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, các thầy cô, HSSV khoa Động lực rất phấn khởi và nỗ lực phấn đấu nhiều hơn". Bạn Huỳnh Anh, sinh viên năm cuối ngành công nghệ ô tô của trường, cho biết: "Chương trình có một số môn chuyên ngành học bằng tiếng Anh, đòi hỏi chúng em phải nỗ lực rất nhiều. Vì thế, ngoài học trên lớp, chúng em phải đọc thêm tài liệu tham khảo, rèn luyện kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh… Trong giai đoạn hội nhập, hầu hết các công ty ô tô do nước ngoài đầu tư, mỗi học sinh tự trang bị ngoại ngữ để thích nghi môi trường làm việc chuyên nghiệp". Là sinh viên giỏi, sau khi tốt nghiệp, Huỳnh Anh dự định tìm việc làm ổn định và học liên thông bậc học cao hơn.

* Cơ hội và thách thức

Tin vui từ Trường CĐN Cần Thơ, đầu năm 2015, trong khuôn khổ bản ghi nhớ về xây dựng phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng tại một số trường CĐN được đầu tư thành trường chất lượng cao tại Việt Nam, Trường CĐN Cần Thơ là 1 trong 9 trường được chọn. Ngoài ra, trường có tên trong 25 trường (ĐBSCL có Trường CĐN Cần Thơ) được đầu tư đào tạo thí điểm trình độ CĐ 12 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế. Trường đào tạo 2 nghề gồm: công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm) và quản trị mạng máy tính. Theo Thạc sĩ Nguyễn Trọng Sơn, trường được đầu tư chất lượng cao, mở ra nhiều cơ hội phát triển cũng như thách thức. Chẳng hạn như, HSSV học tập trong môi trường sư phạm tốt; thực hành tại nhà xưởng; trang thiết bị theo chuẩn của Úc và được chuyên gia Úc giảng dạy… với mức học phí thấp. Kết thúc khóa học, SV phải đạt chứng chỉ hoặc bằng ngoại ngữ tiếng Anh trình độ tối thiểu bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ (tương đương CEFR là B1 và TOEIC là 450-600 điểm). Sau khi tốt nghiệp, SV được cấp 2 bằng: 1 bằng CĐ của cơ sở đào tạo Việt Nam, 1 bằng Diploma (hoặc Advance Diploma) của cơ sở đào tạo Úc. Đối với CBGV, thầy cô được đào tạo kỹ năng, chuyên môn ở nước ngoài, điều kiện giảng dạy tốt… Thạc sĩ Nguyễn Trọng Sơn cho biết: Khó khăn nhất của trường là đội ngũ GV không đủ, hạn chế trình độ ngoại ngữ. Theo quy định, năm thứ nhất có thời lượng giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh khoảng 20%-30%, nâng dần đến năm cuối bằng khoảng 60%-80%. Trong khi đó, trình độ Ngoại ngữ của GV trường chưa thể đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Để đáp ứng yêu cầu, GV phải có vốn ngoại ngữ tốt mới có thể đọc và hiểu giáo trình, giảng dạy bằng tiếng Anh. Quá trình hội nhập là cơ hội thuận lợi để GV tiếp cận nền giáo dục tiên tiến cũng là thách thức đòi hỏi mỗi người phải nỗ lực không ngừng.

Định hướng phát triển đến năm 2020, trường tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác, phát triển theo hướng trường nghề chất lượng cao, đủ năng lực đào tạo một số nghề được các nước tiên tiến khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo nghề ở Việt Nam và đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Hiệu trưởng trường Nguyễn Trọng Sơn nhấn mạnh: "Để đạt mục tiêu trên, nhiệm vụ trước mắt là phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý vừa hồng, vừa chuyên, đáp ứng yêu cầu đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Chúng tôi sẽ làm tờ trình UBND TP Cần Thơ và tranh thủ sự hỗ trợ các sở, ngành chức năng để đề nghị dự án đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ CBGV của trường".

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết