07/06/2023 - 20:28

Nỗ lực chuyển đổi số hướng tới xã nông thôn mới thông minh 

Bài, ảnh: MỸ THANH

Với sự bùng nổ của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, phong trào chuyển đổi số (CĐS) không chỉ phát triển mạnh mẽ ở khu vực đô thị mà còn len lỏi đến vùng nông thôn thông qua chương trình Xây dựng nông thôn mới (NTM). Tại TP Cần Thơ, vấn đề CĐS được thành phố xác định là giải pháp then chốt hướng tới xây dựng xã NTM thông minh và được thể hiện trong việc thực hiện các tiêu chí liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính, phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản…

Nỗ lực

Ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP Trà Mãng cầu Kim Nhiên của xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ.

Ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP Trà Mãng cầu Kim Nhiên của xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ.

Việc đẩy mạnh CĐS phát triển NTM thông minh được đề cập cụ thể ở tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông, tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất, tiêu chí số 15 về hành chính công… trong Bộ tiêu chí về xã NTM nâng cao TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025. Ông Đoàn Tiến Nhanh, Chủ tịch UBND xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, cho biết: “Qua việc thực hiện tiêu chí số 8, hiện xã đã thành lập được 6 tổ công nghệ số. Ngoài ra, 80% dân số theo độ tuổi lao động của xã có thuê bao sử dụng điện thoại thông minh; khoảng 97% người dân trong độ tuổi lao động được phổ biến kiến thức về sử dụng máy tính và kỹ năng số cơ bản như sử dụng nền tảng dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng Cần Thơ Smart City; thanh toán không dùng tiền mặt (Viettel money, VNpay, Momo…). Đối với tiêu chí về hành chính công, xã được huyện đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; ứng dụng công nghệ thông tin trên các phần mềm điện tử, số hóa đạt 40% trên toàn xã”.

Đối với quy định về xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, tiêu chí số 7 về chuyển đổi số đặt ra yêu cầu khá cao, đòi hỏi các xã phải nỗ lực không ngừng. Ông Bùi Quang Nam, Chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, chia sẻ: Thời gian qua, xã mạnh dạn thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý của bộ máy chính quyền, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Với lợi thế phát triển nông nghiệp, hoạt động sản xuất của bà con giờ đây được cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ 4.0 như cày, xới bằng tia laser; phun thuốc, bón phân bằng máy bay không người lái, từ đó góp phần giảm thiểu chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, xã còn xây dựng thành công mô hình ấp thông minh tại ấp D2.

Về phía thành phố, các sở ngành cũng tập trung hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiến độ CĐS, phát triển kinh tế số trong nông nghiệp, nông thôn. Chẳng hạn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện kế hoạch CĐS ngành Nông nghiệp Cần Thơ. Ngành đã cấp mã truy xuất nguồn gốc điện tử (QR Code) cho 78 chủ thể sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, với 342 sản phẩm. Ðây là những sản phẩm chủ lực (cá tra, cá thát lát, lúa, gạo, trà mãng cầu, tổ yến, trái cây…), phân phối trên khắp tỉnh, thành trong cả nước và có tiềm năng xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp bằng hình thức trực tuyến, đã phối hợp với Tập đoàn Bưu chính viễn thông - VNPT Cần Thơ xây dựng trang thông tin điện tử “chonongsancantho.vn”. Qua đó, có 48 đơn vị đăng ký, với 139 sản phẩm tham gia và có 51.719 lượt truy cập.

Vạch lộ trình

Theo phản ánh từ các xã, quá trình ứng dụng công nghệ số tiến tới xã NTM thông minh gặp khá nhiều cản ngại: nguồn tài chính phục vụ CĐS hạn chế; hạ tầng công nghệ số thiếu đồng bộ, không đáp ứng yêu cầu; nguồn nhân lực phục vụ CĐS thiếu và yếu… nhưng đây là xu thế tất yếu. Ông Đoàn Tiến Nhanh, cho biết: Xã tập trung tuyên truyền, vận động người dân và doanh nghiệp đồng hành trong hành trình CĐS; khuyến khích người dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính mức độ 3,4. Về phía xã tiếp tục trang bị đầy đủ cơ sở vật chất cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, để bắt kịp xu thế, xã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử; áp dụng công nghệ 4.0 trong hành trình hướng tới xã NTM thông minh...

Mới đây, UBND TP Cần Thơ ban hành Kế hoạch số 113/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình CĐS trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh đến năm 2025 trên địa bàn thành phố. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp thành phố, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 66% số xã đạt tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông và 66% số xã đạt tiêu chí số 15 về hành chính công theo Bộ tiêu chí về xã NTM nâng cao TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, phấn đấu 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM được tập huấn, nâng cao năng lực về CĐS; ít nhất 70% xã có các hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số; phấn đấu có ít nhất 1 mô hình thí điểm xã NTM thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất.

Ông Lê Văn Tính, Phó Chánh chuyên trách Văn phòng điều phối NTM TP Cần Thơ, cho biết: Kế hoạch nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới NTM thông minh. Để đạt mục tiêu nêu trên, kế hoạch đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CĐS trong xây dựng NTM; xây dựng chính quyền số trong xây dựng NTM; thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn; tập trung phát triển xã hội số trong xây dựng NTM; triển khai thí điểm mô hình CĐS trong xây dựng NTM; huy động nguồn lực triển khai chương trình.

Chia sẻ bài viết