22/02/2010 - 20:36

TP CẦN THƠ

Nỗ lực cải thiện mạnh mẽ điểm số PCI

Chất lượng nguồn nhân lực là thách thức lớn cho lãnh đạo thành phố và các ngành chức năng (Trong ảnh: Sinh viên tra cứu thông tin học tập tại Trung tâm Học liệu Đại học Cần Thơ).

Theo kết quả công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2009 của Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) điều tra, TP Cần Thơ xếp thứ 21 cả nước với 62,17 điểm; tăng 1 bậc so với năm 2008 (năm 2008, đứng thứ 22 với 56,32 điểm) và nằm trong nhóm tốt trên bảng xếp hạng. Còn so với tốp 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương, PCI Cần Thơ xếp thứ 3, sau Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. So các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Cần Thơ đứng thứ 10. Như vậy, sau 3 năm tụt hạng liên tục, năm 2009, TP Cần Thơ đã có bước cải thiện thứ hạng của mình, nhưng chất lượng cải thiện chưa như mong đợi. Thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh… vẫn là những vấn đề còn nhiều yếu kém, hạn chế cần nhanh chóng khắc phục…

Mới cải thiện về chỉ số...

PCI là chỉ số đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền địa phương qua cảm nhận của doanh nghiệp (DN), nhằm góp phần giúp địa phương có những cải cách, chính sách thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển trong năm tiếp theo. Kết quả PCI năm 2009, các chỉ số thành phần như: tính minh bạch và trách nhiệm, chi phí về thời gian và việc thực hiện các qui định của nhà nước, thiết chế pháp lý tăng điểm so với năm 2008. Đây là 3 chỉ số thành phần chiếm 40% trong bảng trọng số đã giúp PCI Cần Thơ tăng điểm và tăng hạng so với năm 2008. Cụ thể, tính minh bạch và trách nhiệm chiếm 20% trong bảng trọng số, Cần Thơ đạt 6,79 điểm (tăng 0,38 điểm so với năm 2008), chi phí về thời gian chiếm 15% trọng số PCI đạt 8,17 điểm (tăng 2,45 điểm so 2008)...

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Tuấn Anh cho biết: “Suy thoái kinh tế, việc giữ được tăng trưởng là sự nỗ lực rất lớn. PCI 2009 của thành phố khả quan so với 2008, tăng 1 bậc và có chuyển biến đồng bộ trên các chỉ tiêu quan trọng, bước đầu phản ánh mức độ hài lòng của DN về chất lượng điều hành kinh tế của địa phương. Năm qua, thành phố thực hiện Chỉ thị 10 của Chủ tịch UBND thành phố đề ra nhiệm vụ và yêu cầu tất cả bộ máy hành chính thành phố tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, môi trường kinh doanh”. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Trần Tuấn Anh cho rằng, công tác cải cách thủ tục hành chính không đơn giản cho cả bộ máy hành chính lẫn lãnh đạo địa phương. Do vậy, cần có cái nhìn khách quan về chỉ số PCI để tiếp tục cải thiện hình ảnh của thành phố trong mắt DN và nhà đầu tư. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính sẽ giảm phiền hà cho DN, tăng cạnh tranh và thu hút đầu tư.

Các chuyên gia VCCI cho rằng, phải khách quan thừa nhận, ở các thành phố lớn, trình độ DN cao hơn, nên việc đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế có phần khắt khe, nhất là những địa phương nhiều khu công nghiệp. Trong đó, Cần Thơ được xem là trung tâm đào tạo nhân lực cho vùng, nhưng chỉ số về đào tạo lao động lại đứng thứ 5 của khu vực với 4,99 điểm (PCI 2009), sau cả Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Cà Mau. Ngoài chỉ số về đào tạo lao động, PCI năm 2009 của TP Cần Thơ, các chỉ số thành phần như: chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính năng động và tiên phong của lãnh đạo, chi phí không chính thức đều giảm điểm so với năm 2008. Trong khi những chỉ số này có trọng số cao trong bảng tính điểm PCI năm nay. Do vậy, dù PCI 2009 của Cần Thơ tăng đến 5,85 điểm so với năm 2008, nhưng chỉ cải thiện được 1 bậc trên bảng xếp hạng chung cả nước. Thêm vào đó, môi trường kinh doanh của Cần Thơ còn nhiều hạn chế, nên tính cạnh tranh của DN cũng kém hấp dẫn. Xét về tính năng động và tiên phong của lãnh đạo, TP Cần Thơ chỉ đạt 3,99 điểm (giảm 0,57 điểm so với năm 2008) và đứng áp chót trong khu vực ĐBSCL (chỉ xếp trên tỉnh Bạc Liêu). Trong khi ở một số địa phương điều kiện phát triển hạ tầng nhiều hạn chế đã năng động trong thu hút đầu tư. Như ở Hậu Giang, DN mất hơn 1 tháng để khởi sự kinh doanh năm 2009 chỉ còn 1,18% (năm 2008 là 8,82%), đến 87,14% DN đồng ý với giải quyết những trở ngại đối với cộng đồng DN của lãnh đạo địa phương...

Tất cả những yếu kém trên nếu không giải quyết thỏa đáng sẽ trở thành lực cản trong sự phát triển của thành phố.

Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh

Ông Nguyễn Văn Hào, Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Cần Thơ, Chủ tịch Hiệp hội DN TP Cần Thơ (CBA), bức xúc: “Kinh tế năm 2009 nhiều thách thức, nhưng sự nỗ lực của Trung ương và lãnh đạo địa phương đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Gói kích cầu của Chính phủ thực sự giúp DN vượt qua khó khăn. Hạ tầng giao thông của thành phố có nhiều chuyển động đáng kể, xứng đáng với vai trò trung tâm vùng. Song, lợi thế cạnh tranh của DN thành phố còn nhiều yếu kém. Các DN phải mất nhiều chi phí cho việc vận chuyển hàng hóa xuất khẩu lên TP Hồ Chí Minh, do luồng Định An chưa thông, hạ tầng vẫn hạn chế. Việc giải quyết thủ tục về đất đai, thuế cho DN của các sở, ngành thành phố, có khi DN phải mất 3 tháng mới xong!”. Theo ông Hào, DN không có nhiều thời gian cho các thủ tục hành chính quá rườm rà, việc giữ ổn định sản xuất và tìm thị trường đã quá khó khăn, do công tác dự báo thông tin và xúc tiến thương mại của thành phố chưa đáp ứng hết nhu cầu của DN. Cho nên, CBA mong muốn làm cầu nối cho DN và lãnh đạo thành phố để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, giải quyết những bức xúc của DN, đồng thời hỗ trợ các sở, ngành thành phố tốt hơn trong cải cách thủ tục hành chính. Sự phối hợp thực hiện một cách bài bản sẽ giúp DN phát huy lợi thế cạnh tranh của mình trên thị trường.

Bà Phạm Thị Việt Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Dược Hậu Giang, nói: “Nguồn nhân lực là nhân tố quyết định sự thành công của DN. Có đội ngũ quản trị giỏi về năng lực chuyên môn sẽ giúp DN đưa ra nhiều kế hoạch sản xuất, kinh doanh theo từng thời điểm và phân khúc thị trường một cách hợp lý, chính xác. Nhưng nguồn nhân lực là vấn đề đau đầu nhiều năm qua của đơn vị, chúng tôi trả lương cao cho các vị trí tương xứng với năng lực, nhưng cũng mất người trước đối thủ cạnh tranh cùng ngành hàng. Vấn đề đào tạo nhân lực cần bàn bạc tính phương án cụ thể giữa DN và địa phương để có đầu ra. Hiện tại, chất lượng đào tạo hiện chưa đáp ứng nhu cầu và DN khó khăn trong việc tìm đội ngũ quản trị giỏi”. Bà Phạm Thị Việt Nga nêu ví dụ cụ thể, năm 2009, Dược Hậu Giang nhận đến 1.200 hồ sơ xin việc, nhưng chỉ có 20 hồ sơ trình độ đại học trở lên. Năm 2009, Dược Hậu Giang cũng mất 20 cán bộ quản lý bậc cao, bởi các DN đối thủ trả cho họ mức lương khá hấp dẫn- trên 60 triệu đồng/tháng...

Trong lần họp mặt DN cuối năm, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Thanh Mẫn nói: “Sự đóng góp của DN góp phần rất lớn để thành phố đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế và giữ vững tăng trưởng. Năm 2009, lãnh đạo thành phố đã chủ trì 4 cuộc gặp gỡ, đối thoại với DN, nhưng cũng chưa đáp ứng hết mong đợi, nguyện vọng của DN. Đây là vấn đề mà thành phố rất quan tâm để cải thiện trong năm 2010, đồng thời tăng cường đối thoại hơn nữa, giúp thành phố có những chính sách kịp thời, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xứng đáng vai trò trung tâm kinh tế động lực vùng ĐBSCL”. Năm 2009, dù thu hút đầu tư vào thành phố còn nhiều khó khăn, nhưng toàn thành phố có 1.386 DN đăng ký mới, tăng 200 DN so với năm 2008. Hiện nay TP Cần Thơ có trên 9.000 DN các loại hình, trong đó 127 DN có vốn đầu tư nước ngoài. Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Thanh Mẫn cho rằng, gạo và thủy sản là 2 mặt hàng chủ lực trong kim ngạch xuất khẩu của thành phố, nhưng thực sự nhìn nhận thì Cần Thơ hiện chưa có ngành kinh tế mũi nhọn, mang đặc thù của một thành phố trung tâm, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Do vậy, việc tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, giúp DN nâng cao cạnh tranh trên thị trường, tạo điều kiện tối đa cho DN, góp phần cùng thành phố thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế năm 2010.

Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ Võ Hùng Dũng nhấn mạnh: “Các chỉ số như đào tạo lao động, thiết chế pháp lý, tính minh bạch... rất khó lấy điểm trong PCI. Trong đó, thiết chế pháp lý vẫn là chỉ số đạt điểm rất thấp trong 3 năm qua, do sự thiếu quan tâm của chính quyền địa phương. Trong khi đó, hiện ở ĐBSCL việc tranh chấp hợp đồng thương mại đang gia tăng do thiếu tính pháp lý trong soạn thảo, ký kết hợp đồng. Rồi tình trạng DN lớn chèn ép DN nhỏ cũng diễn biến phức tạp. Các địa phương cần quan tâm khắc phục những yếu kém này để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, vừa giúp địa phương cải thiện hình ảnh trong mắt DN, nhà đầu tư vừa là giải pháp tốt trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt”. Theo ông Dũng, lãnh đạo địa phương cần quan tâm việc trao đổi thông tin, khen thưởng kịp thời DN nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập DN, ngày doanh nhân... đặc biệt là các DN nhỏ và vừa rất cần sự quan tâm này, để tạo động lực mới trong phát triển, hội nhập.

Bài, ảnh: Gia Bảo

Chất lượng nguồn nhân lực là thách thức lớn cho lãnh đạo thành phố và các ngành chức năng (Trong ảnh: Sinh viên tra cứu

Chia sẻ bài viết