03/05/2021 - 07:19

Niềm vui trong lao động 

Chăm chút, tỉ mỉ từng công đoạn, các trẻ có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB) được nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) TP Cần Thơ, hoàn tất sản phẩm khung hình với niềm vui được học nghề phù hợp, tạo ra sản phẩm và thấu hiểu giá trị của lao động. Qua đó, giúp các em củng cố niềm tin hòa nhập cộng đồng sau này.

Trẻ có HCĐB tập trung thực hành nghề làm khung hình. Ảnh: CTV

Trẻ có HCĐB tập trung thực hành nghề làm khung hình. Ảnh: CTV

Thực hiện mô hình hỗ trợ tâm lý và giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp cho trẻ, năm 2020, Trung tâm CTXH thành phố tổ chức dạy nghề làm khung hình cho 13 trẻ có HCĐB tại trung tâm đủ điều kiện (độ tuổi, sức khỏe, nhận thức…) học nghề. Tùy tình hình sức khỏe, chương trình học bổ túc văn hóa của các em, trung tâm bố trí không gian, thời gian học nghề phù hợp (mỗi buổi từ 1-2 giờ), không ảnh hưởng nền nếp, sinh hoạt chung. Trung tâm vận động nhà hảo tâm hỗ trợ chi phí thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu làm khung hình. Ông Lý Trọng Nhân, Trưởng Phòng Y tế, cho biết, nhân viên của trung tâm được chủ cơ sở tư nhân hướng dẫn kỹ thuật làm khung hình để dạy lại các em. Mỗi trẻ có HCĐB với tính cách, tâm lý khác nhau nên nhân viên trung tâm chịu khó “cầm tay chỉ việc” từng em đến khi thạo nghề. Sau 3 tháng học nghề, trung tâm sắp xếp các em vào những công đoạn sản xuất phù hợp tay nghề, khả năng, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Em Kim Hoài Hận nói: “Lúc mới học nghề, em thấy rất khó, phải tháo ra, lắp vào các thanh khung hoài, cứ nghĩ không học được nghề. Nhờ các chú tận tình chỉ dạy, giờ em làm được tất cả công đoạn làm khung hình hoàn chỉnh”. Hoài Hận đang phụ trách công đoạn ke góc, gắn móc treo khung và đôn đốc các bạn đảm bảo thời gian hoàn thành số lượng sản phẩm. 

Ông Hồ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm CTXH thành phố, nói: “Các năm qua, trung tâm phối hợp tổ chức nhiều hình thức hoạt động thiết thực như: đờn ca tài tử, bơi lội, trồng rau sạch, thành lập thư viện, sinh hoạt chuyên đề kỹ năng sống… cho nhóm trẻ thiếu nhi”. Đối với nghề làm khung hình, ông Hồ Thanh Hải chia sẻ, trên cả mục đích dạy nghề, tạo việc làm, trung tâm rèn các em tinh thần hăng say lao động, chấp hành kỷ luật lao động cũng như quý trọng giá trị vật chất do bản thân làm ra. Trung tâm còn hướng đến giáo dục kỹ năng sống; lao động trị liệu tâm lý cho trẻ có HCĐB. Bước đầu giúp trẻ hình thành ý thức lựa chọn và biết được tầm quan trọng của nghề nghiệp. Khi có cơ hội trở về với gia đình, hay hòa nhập cộng đồng, các em rành một nghề để nuôi sống bản thân, trở thành người có ích cho xã hội. Em Lương Lộc Quốc Huy bộc bạch: “Hiện em và em trai đều thạo các công đoạn làm khung hình, được các chú khen khéo tay, cẩn thận. Chúng em cùng làm việc rất vui vẻ, thân thiện, còn có tiền bỏ ống heo đất nữa”. Ông Lý Trọng Nhân cho biết, từ năm 2020 đến nay, nhờ lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm CTXH quan tâm kết nối giới thiệu, quảng bá sản phẩm và đã cung cấp khoảng 3.200 khung hình cho các ban, ngành, đoàn thể, trường học, đơn vị trực thuộc Sở. Số tiền này được trích trả tiền công theo sản phẩm cho trẻ tham gia sản xuất; phần còn lại dành mua nguyên liệu sản xuất khung hình.

Theo ông Hồ Thanh Hải, điều tâm đắc nhất của lãnh đạo Trung tâm CTXH thành phố là qua thành công bước đầu của mô hình làm khung hình, giúp trẻ có HCĐB tại trung tâm vơi bớt mặc cảm tự ti, thiệt thòi, càng mạnh dạn, tự tin khi làm việc có ích và thắt chặt tình đoàn kết. Đồng thời, giáo dục mỗi em ý thức tiết kiệm, tích lũy cho tương lai với hình thức bỏ ống heo đất được quản lý tập trung tại Phòng Y tế. Thời gian tới, cùng với tiếp tục kết nối, vận động các sở, ngành, đoàn thể sử dụng sản phẩm khung hình, trung tâm xây dựng kế hoạch phối hợp tư vấn hướng nghiệp các em 16 tuổi trở lên; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng về học nghề, việc làm tương lai để hỗ trợ phù hợp.

ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết