Anh Chín Vui, Giám đốc HTX Tấn Đạt.
|
Chụp lại những chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng hữu cơ EU (Liên minh châu Âu), USDA (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) và JAS (Chứng nhận hữu cơ của Nhật Bản) đưa lên Facebook, Zalo… gạo Tấn Đạt - cung không đủ cầu. Dù hoan hỉ, anh Đoàn Văn Tài (tên thường gọi là Chín Vui), Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tấn Đạt, ở ấp Kinh, xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long hiểu rằng, chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế đã đặt HTX và bản thân trước bước ngoặt cung - cầu hoàn toàn mới, gay gắt hơn nhưng sẽ hạnh phúc hơn.
Chặng đường khai phóng
Nhớ lại hồi anh Chín Vui nộp hồ sơ tham dự bình chọn sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), ai nấy có một sản phẩm đã là mừng, anh có tới 3-4 sản phẩm. Nhưng nếu dừng lại, hài lòng "híp mắt" với sản phẩm OCOP 4 sao thì sẽ không có thời gian vàng đón nhận chứng thực đạt chuẩn hữu cơ quốc tế như hồi tháng 12 năm ngoái.
Mười năm trước, anh Chín Vui tự áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ trên diện tích 1 héc-ta lúa. Hai năm sau mới hoàn thiện quy trình. Suốt 4 năm miệt mài, anh chỉ vận động được 7 nông dân vào Tổ hợp tác sản xuất lúa sạch, quy mô tăng 6 lần, tức 6ha. May mắn đã mỉm cười, hiệu quả cao hơn 1,5-2 lần so với sản xuất lúa thông thường; HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (HTX Tấn Đạt) được thành lập với 15 thành viên tham gia, diện tích 11,5ha. Năm 2019, HTX có 65 thành viên, diện tích 100ha, khép kín sản xuất hoàn toàn bằng quy trình hữu cơ sinh học. Anh Chín bèn vận động thành lập Liên hiệp HTX lúa gạo Vĩnh Long, phân lập từng khu chuyển đổi để sản xuất theo hướng hữu cơ trên diện tích 400ha, hàng vẫn không đủ bán.
Chín Vui không dùng thuốc bảo vệ thực vật, thực hiện nghiêm nhặt quy trình sản xuất hữu cơ dù biết phải rất lâu mới đủ điều kiện chứng nhận. Gạo thảo dược, rồi thì trà thảo dược giúp thanh lọc độc tố, mát gan, yaourt gạo tím, bột dinh dưỡng từ gạo thảo dược… không chỉ hấp dẫn người dùng mà còn cuốn hút nguồn nhân lực trẻ tham gia HTX tạo ra sản phẩm mới. Vốn được đào tạo bổ sung nhân lực cho ngành dược, đã có việc làm ở bệnh viện, nhưng việc gia đình khiến anh Chín phải trở về nhà. Cơ duyên cho anh gặp được dòng lúa tím ở Nghệ An và dược tính - cứ 100gr gạo thảo dược chứa: 56mg Omega 3, 1.204mg Omega 6, 1.270mg Omega 9 và nhiều chất khác như Protein, Lipit, Gluxit, chất xơ - giúp anh định dạng lại chiến lược về đồng lúa của mình.
Trong thời gian đại dịch COVID-19 như "quỷ ám", anh Chín Vui vẫn đi học. Lớp học qua Zoom do TS Nguyễn Văn Kiền tổ chức nối kết nông dân sản xuất hữu cơ Việt - Úc, kéo dài 36 tuần, mỗi tuần học 4 buổi. HTX Tấn Đạt là 1 trong số hơn 10 HTX trên cả nước tham gia lớp học này. Người ta nói, hồi xưa cha ông ta đã từng sản xuất hữu cơ, vậy Chín Vui học gì? Đúng là xưa ông bà đã làm hữu cơ, nhưng nay mọi thứ đã khác, hành trình sản phẩm ra chợ và lòng tin đã khác, anh Chín hiểu như vậy nên hữu cơ "phiên bản mới" chính là con đường đi tới tương lai chỉn chu hơn.
Buổi học online của HTX Tấn Đạt. Ảnh: Khang Nguyễn
Không mơ hồ
Cái hay của Chín Vui là cấy ước mơ của mình trên cánh đồng chưa đủ lớn nên cứ lan tỏa từ thị trường nội địa. Đến khi đạt chứng nhận thì chọn lựa cơ hội thị trường chuẩn chất chứ không chạy theo thị trường tỷ dân. Do đó, khi Bộ Nông nghiệp Nông thôn, Ủy ban Y tế Quốc gia và Tổng cục Quản lý giám sát thị trường Trung Quốc ban hành Tiêu chuẩn mới GB 2763-2021, quy định 10.092 mức giới hạn dư lượng tối đa, với 564 loại thuốc bảo vệ thực vật, trong danh mục 376 thực phẩm. So với tiêu chuẩn GB2763-2019, số lượng loại thuốc bảo vệ thực vật trong tiêu chuẩn mới tăng 81 loại, tăng 16,7%; giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tăng 2.985 loại, tăng 42%... cách canh tác của Chín Vui đã ra khỏi vũng lầy rồi.
Năm 2022, việc sản xuất, canh tác hữu cơ tăng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Hai năm trước, Việt Nam công bố 240.000ha canh tác hữu cơ thay vì 50.000ha như năm 2016. Theo bà Nguyễn Vân Hương, Trưởng phòng Thị trường trong nước, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, hiện nay có 46/63 tỉnh, thành đang thực hành sản xuất hữu cơ, 17.168 nông dân tham gia sản xuất hữu cơ, 97 doanh nghiệp sản xuất hữu cơ, 60 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu với kim ngạch 335 triệu USD/năm.
Trong 68 đơn vị, tổ chức sản xuất kinh doanh nông sản hữu cơ được cấp chứng nhận, phục vụ nhu cầu trong nước 51 cơ sở (75%) chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt (97%), khu vực phía Bắc gồm 40 đơn vị, tập trung nhiều ở Hà Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh; khu vực phía Nam, miền Trung và Tây Nguyên gồm 11 đơn vị tại Kiên Giang, Tây Ninh, Đắk Nông, Gia Lai, Quảng Bình, Ninh Thuận. ĐBSCL là nơi có rất ít đơn vị được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ; 10 đơn vị chuyên làm hàng xuất khẩu; 7 đơn vị vừa phục vụ nội địa vừa xuất khẩu. Trong 24 tổ chức chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ trong nước và quốc tế, đăng ký trong lĩnh vực trồng trọt có 9 đơn vị, đăng ký trong lĩnh vực chăn nuôi 1 đơn vị… HTX Tấn Đạt là tấm gương "khổ luyện", là cách chứng minh đáng tự hào về ý chí bền bỉ, nghị lực phi thường và tầm nhìn không gian rộng mở… thay cho cách nghĩ thông thường: "Khó lắm! Làm không được đâu! Không hỗ trợ - sao làm được?!".
Câu hỏi vẫn còn đó!
Liệu canh tác hữu cơ có thể trở thành tín hiệu chuyển đổi đầu tiên để khẳng định Việt Nam muốn trở thành quốc gia chất lượng?
TS Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nói rằng, sản phẩm hữu cơ phải được chuẩn hóa hoàn toàn từ khâu giống, nguyên liệu đầu vào, kỹ thuật chăm sóc, cho đến khâu đóng gói, bao bì. Trước khi nhắc đến giá trị tăng thêm, sản phẩm hữu cơ phải đảm bảo vệ sinh, an toàn. Đã nói đến sản phẩm hữu cơ là sẽ không có bất cứ vấn đề gì liên quan tới dư lượng hay hóa chất sử dụng.
Ông Trần Minh Châu, Công ty TNHH Giám định Vinacontrol TP Hồ Chí Minh, nhận xét: Hiện nay, thói quen sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp còn khá phổ biến, khó khăn trong ghi chép, lưu trữ hồ sơ, thiếu chuyên gia tư vấn có chuyên môn, kinh nghiệm và tâm huyết trong lĩnh vực này. Trong khi đó, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ tại nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Người tiêu dùng chưa đánh giá đúng vị trí của sản phẩm hữu cơ và giá trị sản xuất hữu cơ mang lại… cho con người và môi trường.
Vẫn còn nhiều cách hiểu về nông nghiệp hữu cơ không giống nhau, vẫn còn những nhầm lẫn từ người sản xuất đến người tiêu dùng, vẫn còn cách làm xuất khẩu là hàng tốt, "quèn quèn" thì tiêu dùng trong nước.
Tất cả người tiêu dùng - sang hèn - đều là con người nên mọi người cần được đối xử công bằng về chuẩn chất hàng hóa. Anh Chín Vui thấu cảm giá trị này và mạnh dạn bước ra khỏi vùng lầy canh tác nông nghiệp "nghiện hóa chất" để minh chứng một lối sống an lành.
CHÂU LAN