18/01/2010 - 20:56

SAU HƠN 5 NĂM THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH SÁCH GIÁO KHOA MỚI

Những vấn đề đặt ra

Chương trình sách giáo khoa (SGK) hiện nay đã hoàn chỉnh từ lớp 1 đến lớp 12. Theo nhiều cán bộ, giáo viên, chương trình SGK hiện tại có nhiều ưu điểm, giúp học sinh phát triển một cách toàn diện. Thế nhưng trên thực tế, chương trình còn không ít bất cập...

* Hiệu quả chương trình mới...

Thực hiện Nghị quyết 40 của Quốc hội Khóa X về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, bắt đầu từ năm học 2002-2003, Bộ Giáo dục và Đào tạo thay sách giáo khoa lớp 1 và lớp 6. Sang năm học 2003-2004, tiến hành thay sách ở lớp 2 và lớp 7... Đến năm học 2007-2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thành việc thay sách từ lớp 1 đến lớp 12.

Chương trình sách giáo khoa mới khiến học sinh quá tải?

Theo ý kiến nhiều cán bộ, giáo viên thì sách giáo khoa mới đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội nói chung và Việt Nam nói riêng nhất là trong giai đoạn khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, cần thiết để chương trình giáo dục của chúng ta không lạc hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chương trình nhằm phát triển học sinh một cách toàn diện, ngoài các môn học văn hóa, học sinh còn được học thêm các môn về kỹ năng như: giáo dục nghề phổ thông, giáo dục hướng nghiệp, giáo dục ngoài giờ lên lớp, tự chọn, tin học, công nghệ. Ở bậc THPT, ngoài những môn học như THCS, học sinh THPT còn được học thêm môn giáo dục quốc phòng và tin học. Chương trình SGK mới còn thu hút học sinh bởi các hoạt động ngoại khóa từ các tiết học ngoài giờ lên lớp nhằm rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Em Đỗ Thị Nhí, học sinh Trường THCS Đông Thuận, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Không tiết học ngoài giờ lên lớp nào mà em vắng mặt cả vì vừa vui, vừa được trò chuyện với bạn bè rất nhiều”.

Theo nhiều cán bộ, giáo viên, chương trình mới đã khắc phục được những hạn chế của trước đây. Học sinh được phát huy nhiều kỹ năng qua việc mạnh dạn trong giao tiếp, phát biểu ý kiến và tăng cường khả năng tư duy sáng tạo. Cô Trần Thị Minh Châu, giáo viên dạy môn Lịch sử, Trường THPT Trung An, quận Thốt Nốt, nhận xét: “Chương trình sách giáo khoa mới mở rộng hơn giúp học sinh tiếp thu được nhiều kiến thức hơn. Qua thực tiễn dạy học, tôi nhận thấy, từ khi học sinh được học liên tục chương trình sách giáo khoa mới, các em năng động hơn, tích cực hơn”. Ông Đỗ Tiến Nghĩa, Hiệu trưởng Trường THPT Trung An, quận Thốt Nốt, nói thêm: “So với học sinh phổ thông ở thành phố thì học sinh nông thôn rất yếu về kỹ năng sống, nhút nhát và ngại giao tiếp. Với chương trình mới, chúng tôi rất kỳ vọng sẽ khắc phục được nhược điểm này”.

Không thể phủ nhận hiệu quả của chương trình sách giáo khoa mới nhằm đào tạo không chỉ kiến thức mà còn tập trung phát huy kỹ năng sống của học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chương trình cũng bộc lộ hạn chế và bất cập...

* Còn nhiều bất cập

Chương trình mới đòi hỏi các trường phải có đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất để có thể tổ chức các tiết ngoài giờ lên lớp, các môn tự chọn, giáo dục nghề... nhưng phần nhiều trường phổ thông ở TP Cần Thơ chưa thể đáp ứng được các điều kiện. Vì vậy, các môn học chỉ được thực hiện về mặt hình thức, bề nổi, khó đi vào chiều sâu. Các trường cũng không đủ kinh phí để tổ chức cho các em tham gia các hoạt động dã ngoại hoặc thăm viếng các di tích lịch sử...

Không chỉ thế, nội dung mà học sinh phải tiếp nhận nhiều khi lại quá sức đối với các em. Đơn cử như học sinh lớp 10 nhưng đã phải học chương trình giáo dục công dân với các nội dung triết học khá trừu tượng; nhiều môn có nội dung khá dài trong khi thời lượng dành cho môn học lại ít. Nhiều giáo viên cho biết: môn Vật lý ở lớp 6, 7, 8 chỉ có 1 tiết/ tuần không đủ chuyển tải kiến thức theo yêu cầu cho học sinh; lớp 8 có rất nhiều tiết thực hành nhưng thời gian qui định thì rất ít. Học sinh THCS, THPT chỉ ở lứa tuổi từ 12 đến 18 nhưng các em lại phải học đến 17-18 môn học. Nhiều giáo viên cho rằng để tổ chức tốt chương trình này, học sinh cần phải được học 2 buổi/ ngày. Nhưng ngoài Trường THPT Châu Văn Liêm, quận Ninh Kiều, hầu như các trường phổ thông trên địa bàn TP Cần Thơ khó thực hiện mô hình 2 buổi/ ngày vì thiếu cơ sở vật chất.

Đối với các môn hướng nghiệp, giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục nghề... các trường cũng gặp khó vì không có giáo viên bộ môn- bởi chưa có trường sư phạm nào đào tạo giáo viên cho các bộ môn này. Các trường “chữa cháy” bằng cách phân công giáo viên chủ nhiệm, giáo viên còn thiếu tiết theo qui định để dạy thì làm sao đảm bảo chất lượng nội dung môn học? Ông Nguyễn Văn Móm, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trung An, nói: “Do cơ sở vật chất thiếu, thiếu giáo viên chuyên trách nên mặc dù trường chúng tôi rất cố gắng nhưng hiệu quả các môn học ngoài giờ chưa cao”. Không chỉ có trường học bị quá tải, nhiều phụ huynh cũng cảm thấy căng thẳng khi thấy con cái vất vả trong chuyện học tập. Chị Nguyễn Thị Ba, nhà ở phường An Thới, quận Bình Thủy, than: “Con gái tôi mới học lớp 10 nhưng cháu học từ sáng tới tối: học các môn ở trường, học thêm, học nhóm. Sợ học quá cháu bị bệnh nên tôi kêu cháu giảm bớt thời gian học. Nhưng cháu không chịu vì cháu sợ không theo nổi chương trình”.

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là một trong những nội dung cần thiết bên cạnh những kiến thức văn hóa. Tuy nhiên, giáo dục một số kỹ năng sát thực tế như: Lễ phép với ông bà người lớn tuổi, biết quan tâm đến người khác, thực hiện tốt nội qui nhà trường, thực hiện tốt pháp luật... mới là điều cần thiết. Có lẽ sau một thời gian áp dụng vào thực tiễn, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhìn lại, có sự đánh giá nghiêm túc hiệu quả của chương trình phổ thông hiện nay để có những điều chỉnh, cải sửa phù hợp hơn.

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết