19/08/2021 - 13:38

Những thước phim tư liệu quý 

Kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2021) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945-2/9/2021), Ðài Truyền hình Việt Nam và Ðài Truyền hình TP Hồ Chí Minh chiếu lại những bộ phim tài liệu về mùa thu lịch sử. Xem phim, khán giả sẽ càng thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của Tổ quốc và cũng là niềm tin để cả nước đoàn kết vượt qua dịch COVID-19.

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Ảnh: tapchimattran.vn

Phim tài liệu “Quốc kỳ Việt Nam”

Phim tài liệu gồm 3 tập, phát sóng lúc 8 giờ hằng ngày trên kênh HTV9, bắt đầu từ ngày 19-8. Phim do Hãng Phim Truyền hình TP Hồ Chí Minh (TFS) sản xuất năm 2010, của đạo diễn Phạm Tô Hoàng, quay phim Ðoàn Minh Quý. Phim tái hiện câu chuyện về sự ra đời lá cờ đỏ sao vàng và lần xuất hiện đầu tiên trong sự kiện Nam kỳ khởi nghĩa ngày 23-11-1940. Tác giả của lá cờ và những sự kiện lịch sử gắn liền quá trình ra đời Quốc kỳ Việt Nam sẽ được giải đáp trong bộ phim này.

Với mỗi người dân Việt Nam, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay tại Quảng trường Ba Ðình lịch sử, trong lời Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở nên thiêng liêng, bất hủ. Lá Quốc kỳ luôn đồng hành cùng dân tộc Việt Nam qua nhiều giai đoạn lịch sử, hôm nay và mãi mãi...

Phim tài liệu “Quốc kỳ Việt Nam” sẽ mang đến cho khán giả những kiến thức lịch sử cùng niềm tự hào thiêng liêng ấy.

Phim tài liệu “Lính thợ Ðông Dương”

Phim  là hành trình tìm kiếm lính thợ Ðông Dương trên đất Pháp.

Ðể chuẩn bị cho chiến tranh thế giới thứ II, từ tháng 10-1939 đến tháng 6-1940, thực dân Pháp đã bắt 20.000 thanh niên Việt Nam sang Pháp, làm việc trong các nhà máy sản xuất bom đạn, vũ khí. Ðến khoảng những năm 1950 sau khi chiến tranh kết thúc, chính quyền thực dân đã buộc nhiều người trong số lính thợ trở về Việt Nam. Cũng nhiều người trong số họ được ở lại do tìm được các công việc làm khác, hoặc lấy vợ Pháp.

Phim có sự đồng hành của hai người trong cuộc là lính thợ năm xưa: ông Lê Vạn Chung (97 tuổi) và ông Trần Văn Thân (100 tuổi). Những lát cắt về cuộc đời của họ và những người lính thợ Ðông Dương sẽ được hé lộ qua những thước phim. Ðặc biệt, thế hệ con cháu của những người lính thợ hiện đang sống ở Pháp và các quốc gia trên thế giới, đã tìm cách để kết nối với nhau và cùng hướng về quê hương Việt Nam - nơi quê cha đất tổ.

Phim phát sóng lúc 15 giờ 30 phút, ngày 19-8, trên kênh HTV9.

Phim tài liệu “Nhớ mùa thu năm ấy”

Phim mở đầu bằng ký ức của ông Nguyễn Văn Khá, cựu Thanh niên Tiền phong Sài Gòn -  Gia Ðịnh, bồi hồi nhớ lại khí thế của mùa thu cách đây 76 năm ở Sài Gòn. Phim có những thước phim tư liệu lịch sử quý, lời bình sâu sắc về sự kiện Cách mạng Tháng Tám của cả nước nói chung, Sài Gòn - Gia Ðịnh nói riêng. Qua lời kể của những người Sài Gòn từng trải qua, chứng kiến thời khắc lịch sử ấy, phim giúp người xem hiểu hơn về lịch sử, trân quý giá trị của hòa bình.

Ðặc biệt, phim cũng dành nhiều thời lượng để khắc họa sự phát triển của mảnh đất Sài Gòn - Gia Ðịnh, sau vinh dự được mang tên Bác Hồ kính yêu - TP Hồ Chí Minh. Ðó là hành trình đồng sức, đồng lòng của cả thành phố để xây dựng một TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Phim phát sóng trên kênh VTV4 lúc 11 giờ 30 phút, ngày 19-8.

DUY LỮ

Chia sẻ bài viết