22/05/2017 - 22:00

Những thói quen xấu gây suy giãn tĩnh mạch

Bệnh suy giãn tĩnh mạch chân thường gặp ở người lớn tuổi, thừa cân; người làm công việc đứng thường xuyên…, gây nên các triệu chứng đau nhức, mỏi chân, nặng chân, tê chân, cảm giác nóng chân, chuột rút về đêm… Bệnh ảnh hưởng chức năng đi lại và chất lượng cuộc sống, nếu không điều trị sớm, có thể để lại nhiều di chứng nặng nề. Mới đây, trong Chương trình tư vấn bệnh lý suy giãn tĩnh mạch do Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long tổ chức, thạc sĩ - bác sĩ Trần Phước Hòa - Trưởng khoa Ngoại tim mạch - lồng ngực cung cấp nhiều thông tin bổ ích, giúp phòng, tránh và điều trị kịp thời bệnh lý này.

Mang vớ y khoa đúng cách

 Bác sĩ Trần Phước Hòa trả lời cho người bệnh tham gia chương trình tư vấn bệnh suy giãn tĩnh mạch.

Vớ y khoa là một trong những liệu pháp điều trị hỗ trợ cần thiết đối với bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch. Tuy nhiên, nhiều người bệnh sử dụng vớ không đúng cách, khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng. Cô D.Th.Th.Ng. (60 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long) bị suy giãn tĩnh mạch 5 năm qua. Theo lời bác sĩ dặn, cô cần mang vớ y khoa khi vận động, nhưng mang vào, chân bị sưng, cảm giác rất khó chịu. Bác sĩ Trần Phước Hòa giải thích, bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch muốn mang vớ y khoa, phải được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, để chỉ định loại vớ phù hợp kích cỡ chân, tình trạng bệnh. Tuy nhiên, không phải vớ mua một lần rồi mang mãi mãi, người bệnh phải thăm, khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra vớ còn phù hợp.

Bệnh suy giãn tĩnh mạch gây các triệu chứng khó chịu cho người bệnh, nên nhiều người tự ý sử dụng các phương thức dân gian để giảm cảm giác đau rát, tê mỏi. Cô Lê Thị Ân (51 tuổi, ở quận Cái Răng) bị suy tĩnh mạch, lúc đau nhức chân, cô thường xuyên xoa dầu nóng, mong giảm cảm giác khó chịu. Theo bác sĩ Trần Phước Hòa, người bệnh cần bỏ thói quen gây hại này vì việc xoa dầu nóng làm giãn tĩnh mạch máu, bệnh thêm trầm trọng.

Nhiều người không biết rằng, những thói quen trong sinh hoạt, vận động tưởng chừng vô hại nhưng chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh suy giãn tĩnh mạch hoặc khiến bệnh tiến triển. Cụ thể, việc chị em thường mang giày cao gót, khi di chuyển, vô tình tạo những tư thế xấu làm tổn thương tĩnh mạch. Ngoài ra, người làm công việc văn phòng, phải ngồi lâu, cũng gây ứ trệ tuần hoàn máu. Ngồi chồm hổm, ngồi xếp bằng, cũng là những thói quen xấu có thể gây suy tĩnh mạch. Thói quen tắm nước nóng hay phơi nắng sau khi tắm biển cũng khiến tình trạng bệnh suy giãn tĩnh mạch nặng thêm…

Bác sĩ Trần Phước Hòa hướng dẫn những thói quen có lợi đối với sức khỏe mọi người nói chung, người suy giãn tĩnh mạch nói riêng như: mang giày đế thấp để dễ dàng đi lại, bàn chân tiếp xúc mặt đất đầy đủ; mặc quần áo thoải mái để thuận tiện vận động. Khi làm việc văn phòng nên thường xuyên thay đổi tư thế, tranh thủ thời gian giải lao thực hiện các động tác thể dục tại chỗ hoặc tranh thủ đi bộ lên xuống cầu thang. Thường xuyên luyện tập thể dục với các môn thể thao bổ ích, nhất là đối với người bị suy giãn tĩnh mạch như: bơi lội, khiêu vũ, đạp xe, đi bộ; tránh những môn thể thao dùng sức hay có tính chất đối kháng. Mỗi đêm, trước khi ngủ, nên thực hiện tư thế gác chân cao hơn đầu 15cm từ 30 phút trở lên, người bệnh sẽ dễ chịu hơn, giảm cảm giác đau rát, tê mỏi chân. Việc tắm nước nóng khiến tình trạng suy giãn tĩnh mạch chân càng trầm trọng, giải pháp là xịt lại nước lạnh lần cuối. Bên cạnh thói quen vận động, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng cân đối, với nhiều trái cây, rau xanh, uống nhiều nước, tránh táo bón, ho nhiều, giúp cơ thể khỏe mạnh, trong đó, phòng, tránh bệnh suy giãn tĩnh mạch.

"Sống chung" với bệnh

Theo bác sĩ Trần Phước Hòa, dựa trên triệu chứng, biểu hiện, suy giãn tĩnh mạch chia ra nhiều mức độ bệnh khác nhau. Bệnh mới khởi phát với những tĩnh mạch nổi dưới da, dạng lưới, người dân hay gọi là nổi gân xanh, đường kính mạch máu dưới 3mm. Tiếp theo mức độ nặng hơn là những tĩnh mạch dạng búi >3mm, nổi rõ trên da. Cấp độ 3 là bệnh nhân bị phù chân, kèm các dấu hiệu vọp bẻ, dị cảm chân. Hầu hết bệnh nhân đến cơ sở y tế đều ở giai đoạn này. Những trường hợp mắc bệnh mức độ nặng hơn như: chân xuất hiện vết loét đổi màu da, vết thâm nhiễm màu sắc da vùng mắt cá chân hay vết loét tự lành thì ít hơn…

Hiện có nhiều phương pháp điều trị bệnh lý suy giãn tĩnh mạch. Đối với trường hợp bệnh mức độ nhẹ, bác sĩ cho dùng thuốc tái tạo sợi collagen trên thành mạch máu, giảm dòng phụt ngược của máu, giúp bệnh nhân giảm phù chân cũng như cảm giác nóng rát, chuột rút, đi lại nhẹ nhàng hơn. Bên cạnh dùng thuốc, phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch tối ưu hiện nay là dùng băng ép (vớ y khoa), ngăn dòng phụt ngược. Đối với trường hợp bệnh mức độ nặng, điều trị bằng tia laser, RFA nội mạch hay chích thuốc làm xơ hóa mạch máu, khỏi phẫu thuật, giảm nhẹ đau đớn, rút ngắn thời gian nằm viện. Sau điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ lịch tái khám định kỳ. 

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết