04/02/2015 - 16:29

Những tập thể làm theo lời Bác

THANH THY

42 tập thể được thành phố tuyên dương qua hơn 3 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đều chọn những việc “làm theo” thiết thực, có thể triển khai, nhân rộng. Có một số tập thể chọn những việc làm theo gương Bác khá gần gũi, quen thuộc, nhưng hiệu quả tác động không hề nhỏ, nhất là điều đó trở thành ý thức tự giác của mỗi cá nhân, xuất phát từ tình cảm sâu sắc dành cho Bác Hồ kính yêu.

Vì sự nghiệp trồng người

Tiếng trống trường vừa dứt, các học sinh của Trường Tiểu học An Thới 1 (phường An Thới, quận Bình Thủy) chạy ùa ra sân, tiếng cười nói vang lên khắp sân trường. Cô Hoàng Thị Nga, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Thới 1, nói trong niềm vui: “Trường chuẩn bị dời về cơ sở tạm để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công xây dựng trường mới đạt tiêu chuẩn quốc gia”. Đó là tin vui mà các giáo viên, phụ huynh, học sinh đều mong đợi.

Giờ học của học sinh Trường Tiểu học An Thới 1. Ảnh: NGỌC QUYÊN

Trong những năm qua, tuy cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn nhưng chi bộ, Ban giám hiệu trường luôn chú trọng lãnh đạo nâng cao chất lượng dạy và học. Trong đó, việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW đã được chi bộ cụ thể hóa bằng những việc làm, hành động cụ thể gắn với nhiệm vụ chuyên môn. Tùy theo chủ đề của từng năm mà mỗi đảng viên, công chức, viên chức đều đăng ký “làm theo” gương Bác bằng những việc làm cụ thể gắn với nhiệm vụ được giao. Chi bộ, công đoàn đã đưa việc “làm theo” gương Bác vào tiêu chuẩn đánh giá thi đua hàng năm. Cô Hà Thị Việt Phương, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A, cho biết: “Tâm đắc lời Bác dạy, tôi cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của một nhà giáo đối với sự nghiệp trồng người. Tôi luôn chuẩn bị giáo án kỹ lưỡng trước khi lên lớp và tìm những phương pháp truyền đạt kiến thức sao cho các em dễ hiểu, dễ nhớ. Trong các bài học, tôi luôn lồng ghép giáo dục các em về nhân cách, dạy các em biết quan tâm, chia sẻ, đối xử tốt với bạn bè, những người xung quanh…”. Với sự nỗ lực của tập thể giáo viên trong học tập và làm theo gương Bác, phong trào thi đua “dạy tốt – học tốt” được đẩy mạnh. Bên cạnh sự tự giác nghiên cứu, học tập để xây dựng tiết dạy tốt của từng giáo viên, thông qua các hoạt động dự giờ, tập thể cũng góp ý, giúp đỡ các giáo viên xây dựng tiết dạy tốt.

Trường Tiểu học An Thới 1 cũng là một trong những điểm sáng của quận Bình Thủy đã thực hiện tốt mô hình xã hội hóa xây dựng thư viện thân thiện, nâng cấp sửa chữa trường lớp. Năm học 2013-2014, trường đã vận động phụ huynh học sinh hỗ trợ gần 50 triệu đồng để xây dựng phòng thiết bị và sửa chữa quạt, làm mái che…Với sự hỗ trợ của tổ chức Room To Read, trường cũng đã xây dựng thành công mô hình thư viện thân thiện. Sự đổi mới trong cách trang trí thư viện gần gũi hơn với học sinh, đổi mới hình thức tuyên truyền về lợi ích của việc đọc sách, đưa tiết đọc thư viện vào thời khóa biểu các lớp…, làm cho giáo viên, học sinh và cả phụ huynh thấy hứng thú khi đến thư viện. Trường còn phát động phong trào “tặng một quyển sách đọc được nhiều sách”, qua đó nhận được hàng trăm quyển sách. Hiện tại, thư viện trường có hơn 5.000 đầu sách các loại. Năm học 2013-2014, góc thư viện nhỏ này đã đón hơn 13 ngàn lượt giáo viên, học sinh đến đọc và mượn sách. Trường cũng luôn chú trọng lồng ghép việc học tập và làm theo gương Bác vào giảng dạy, các hoạt động ngoại khóa. Qua đó, giáo dục cho học sinh về truyền thống yêu nước, tinh thần tương thân tương ái, kính trọng thầy cô, yêu quý bạn bè. Qua các phong trào thi đua, chất lượng giáo dục của trường từng bước nâng lên, số lượng giáo viên giỏi, học sinh giỏi ngày càng nhiều. Trường cũng đạt nhiều giải thưởng qua các hội thi cấp quận, thành phố.

Xứ đạo làm theo lời Bác

Với nhiều người dân ấp C1, xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh, chuyện “làm theo” gương Bác trở nên gần gũi, gắn liền với nếp sinh hoạt hàng ngày. Hàng năm, cùng với việc thi đua thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, ấp văn hóa, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới, nhân dân ấp C1 còn có những việc “làm theo” gương Bác rất thiết thực, có thể nhìn thấy kết quả ngay trước mắt. Kết quả gần đây nhất, theo lời ông Đinh Văn Đỉnh (56 tuổi), người dân ấp C1, là con đường bê tông khang trang rộng 3,5 mét, dài 5.400 mét chạy dọc theo tuyến kênh C1, do nhân dân đóng góp hơn 7 tỉ đồng để xây dựng, thay cho con đường cũ nằm sát mé sông, có nhiều đoạn bị sạt lở. Việc vận động di dời đường vào bên trong hàng cột điện và mở rộng đường thật không đơn giản, bởi hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng, phải phá bỏ hàng rào, đốn nhiều cây ăn trái, nối thêm cống tưới tiêu, thậm chí phải dỡ bỏ nhà. Nhìn từng tốp học sinh ríu rít đạp xe đến trường trên con đường mới, ông Nguyễn Kim Thoa, Trưởng ấp C1, nói: “Điều tiên quyết vẫn là ở lòng dân. Bác đã dạy “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Xã, ấp đưa ra chủ trương làm đường để bà con cùng bàn bạc thấu đáo, đến khi đạt sự nhất trí cao thì việc thực hiện trở nên dễ dàng...”. Khi làm đường, dù phải dời nhà, nhưng ông Trần Thanh Tùng vẫn vui vẻ hưởng ứng. Dẫn tôi đi tham quan căn nhà mới xây cách mặt đường khoảng 5 mét, ông nói: “Vì lợi ích chung, gia đình tôi đồng ý đập bỏ nhà mà không phải bồi hoàn và còn góp thêm 18 triệu đồng để làm đường…”.

Tuyến đường C1 được xây dựng khang trang. Ảnh: NGỌC QUYÊN 

Ấp C1 có 99,96% người dân theo đạo Công giáo. Để công tác vận động đạt sự đồng thuận cao, các cán bộ ấp đã đến gặp các vị linh mục, Hội đồng Mục vụ phối hợp vận động nhân dân. Với một số hộ gặp khó khăn, không thể đóng góp ngay, Trưởng ấp Nguyễn Kim Thoa đã cho 8 hộ mượn gần 50 triệu đồng để đóng góp làm đường. Còn Chủ tịch Hội đồng Mục vụ Hải Hưng ông Phan Việt Ngữ cũng tích cực cùng cán bộ xã, ấp vận động nhân dân giao vật tư đúng hẹn…Ông Phan Việt Ngữ cho biết: “Được bà con tín nhiệm bầu vào Ban Điều hành, tôi thấy mình phải có trách nhiệm hơn. Những việc có lợi cho dân thì mình làm. Mọi việc phải công khai rõ ràng mới tạo được niềm tin của bà con”. Ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc tham gia xây dựng xóm ấp, năm qua, nhân dân ấp C1 còn đóng góp hơn 80 triệu đồng di dời cột điện trên tuyến đường giáp Rạch Giá; đóng góp 18 triệu đồng làm 4 cổng rào an ninh trật tự; nâng cấp hệ thống truyền thanh trong ấp với chi phí 34,5 triệu đồng; tích cực hưởng ứng chủ trương xây dựng cánh đồng lớn với tổng diện tích 500 ha…

Địa chỉ tin cậy của dân

Ở phường An Cư, quận Ninh Kiều, có 113 hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) nỗ lực “làm theo” gương Bác bằng những việc làm hữu ích. Ông Nguyễn Hồng Lạc, Phó Chủ tịch Hội CCB phường An Cư, cho biết: Với lòng kính trọng sâu sắc dành cho Bác Hồ kính yêu, Hội CCB phường đã vận động hội viên, nhân dân thực hiện mô hình “Rước ảnh Bác Hồ về treo nơi trang trọng trong nhà”. Đến nay, hầu hết các hộ trong phường đều thực hiện. Ông Phan Văn Tuấn, hội viên Hội CCB, bày tỏ: “Việc treo ảnh Bác ở nơi trang trọng cũng ngầm nhắc nhở, giáo dục các thành viên trong gia đình noi gương Bác, tự rèn luyện bản thân để trở thành công dân hữu ích cho xã hội. Riêng tôi, hình ảnh của Bác luôn là động lực để tôi phấn đấu, xứng danh là người lính Cụ Hồ”.

Một trong những việc làm theo gương Bác rất cụ thể, thiết thực của Hội CCB phường An Cư trong những năm qua là vận động thực hiện thành công mô hình “Dân vận khéo” về an toàn phòng cháy chữa cháy. Các chi hội đã vận động 80% hội viên mua bình chữa cháy để trong nhà. Hội CCB phường còn đề ra mô hình “Chi hội CCB địa chỉ tin cậy”, vừa góp phần tham gia giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh trong khu dân cư, vừa tham gia cảm hóa giáo dục, giúp các đối tượng phạm pháp tiến bộ, hòa nhập cộng đồng. Ông Trần Ngọc Thân, Trưởng khu vực 5, CCB thuộc Chi hội khu vực 5, cho biết: “Muốn giáo dục thành công đối tượng thì mình phải thường xuyên gần gũi, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, cuộc sống, tính tình, nguyện vọng… hoặc động viên, hỗ trợ kịp thời khi đối tượng, gia đình đối tượng gặp khó khăn”. Chúng tôi gặp em N.M.T., một trong hai đối tượng mà được Hội CCB phường An Cư cảm hóa giáo dục thành công trong năm 2014. M.T. từng là đối tượng cướp giật với mức án 3 năm tù giam. Mãn hạn tù trở về địa phương, M.T. đi làm phụ hồ, bán vé số kiếm sống. M.T. kể: “Chú Thân thường xuyên thăm hỏi, động viên tôi làm ăn lương thiện, làm người có ích. Chú Thân còn đề xuất với các cô chú trong phường mua cho tôi chiếc xe đạp để tiện cho việc đi làm phụ hồ, bán vé số. Giờ đây, mỗi ngày tôi kiếm được khoảng 130 ngàn đồng phụ giúp mẹ. Tôi sẽ cố gắng lo làm ăn, trở thành một công dân tốt để không phụ lòng tin, sự giúp đỡ của các cán bộ phường, khu vực…”.

***

Với tấm lòng kính trọng, biết ơn sâu sắc dành cho Bác Hồ kính yêu, nhiều tập thể trong thành phố đã và đang tiếp tục phát huy, nhân rộng các mô hình, điển hình để mỗi độ xuân về dâng lên Bác ngàn hoa tươi thắm…

Chia sẻ bài viết