Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), các ngành hữu quan và các địa phương đang nỗ lực tìm giải pháp để du lịch hồi phục thích ứng an toàn, phù hợp với điều kiện bình thường mới. Trong đó, lộ trình mở cửa đón khách nội địa và quốc tế được đặc biệt chú trọng.
Bước chuyển tiếp sau đại dịch
Quảng Nam cũng được chọn thí điểm đón khách quốc tế trong giai đoạn 1. Nơi đây có thị trường chính là khách từ Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản... Trong ảnh: Du khách quốc tế trải nghiệm bơi thuyền thúng ở rừng dừa Bảy Mẫu, Hội An (ảnh chụp trước dịch).
Năm 2019, Việt Nam đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế, chiếm khoảng 20% tổng lượt du khách. Tổng doanh thu từ du lịch quốc tế chiếm hơn 50% doanh thu của ngành du lịch. Sau gần 2 năm chịu tác động của dịch COVID-19, lượng khách quốc tế giảm 80-90% trong năm 2020 và 2021; hàng loạt doanh nghiệp trong ngành dịch vụ du lịch, lữ hành phải đóng cửa, người lao động mất việc làm… Do đó, thị trường du lịch quốc tế có vai trò quyết định lớn đối với việc phục hồi ngành Du lịch.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng và thích ứng với tình hình mới, Bộ VH,TT&DL đã ban hành kế hoạch triển khai các chính sách, biện pháp kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch từ tháng 9-2021. Việc khởi động lại các hoạt động du lịch có ý nghĩa quan trọng, nhất là với doanh nghiệp. Với phương án chính là hộ chiếu vaccine, nhiều địa phương đã hành động để đưa du lịch nội địa hoạt động trở lại. Song song đó, Chính phủ, Bộ VH,TT&DL cũng có những phương án, lộ trình để phục hồi du lịch quốc tế, trong đó yếu tố an toàn vẫn là điều kiện tiên quyết. Lộ trình đón khách quốc tế được đề ra theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ tháng 11-2021) thí điểm đón khách quốc tế theo chương trình trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê bao, chuyến bay thương mại tại Phú Quốc (Kiên Giang), Cam Ranh (Khánh Hòa), Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh. Trong đó, các khu vực và các cơ sở cung ứng dịch vụ được đón khách du lịch quốc tế do các địa phương lựa chọn và công bố công khai. Giai đoạn 2 (từ tháng 1-2022) mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế, kết nối các điểm đến thông qua các chuyến bay thuê bao và quốc tế thường lệ. Giai đoạn 3 (từ quý II- 2022) mở cửa lại hoàn toàn thị trường khách quốc tế với điều kiện đảm bảo các phương án phòng, chống dịch theo quy định.
Phú Quốc là điểm đến đầu tiên trong lộ trình thí điểm đón khách quốc tế và sẽ khởi động từ ngày 20-11 này. Theo đó, tại Kế hoạch số 200/KH-UBND của UBND tỉnh Kiên Giang về thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc sử dụng hộ chiếu vaccine, có quy định rõ về khách du lịch phải được lựa chọn từ những quốc gia, vùng lãnh thổ có độ an toàn cao về phòng, chống dịch... Kiên Giang cũng đã chọn 7 doanh nghiệp ở Phú Quốc, 14 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4-5 sao với 8.000 phòng để phục vụ thí điểm đón khách quốc tế. Hiện tại, cán bộ, nhân viên các doanh nghiệp, khách sạn này đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19. Mặt khác, chương trình truyền thông thí điểm mở cửa đón khách vào Phú Quốc mang tên “Roam Phu Quoc - Khám phá/du ngoạn Phú Quốc” đã được quảng bá, hướng tới các thị trường khách du lịch mục tiêu, như: Đông Bắc Á, châu Âu, châu Mỹ… Song song đó, chiến dịch quảng bá chuẩn bị cho giai đoạn mở cửa hoàn toàn cũng được Bộ VH,TT&DL đưa ra với chủ đề “Live Fully in Vietnam - Sống trọn vẹn tại Việt Nam”, nhằm tiếp tục đẩy mạnh quảng bá thương hiệu du lịch “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” (Vietnam- Timeless Charm) chuẩn bị cho mở cửa đón khách quốc tế.
Định hướng an toàn
Khánh Hòa là một trong 5 địa phương thí điểm đón khách quốc tế trong giai đoạn 1. Trong ảnh: Các hoạt động gần gũi thiên nhiên rất được du khách quốc tế yêu thích khi đến Khánh Hòa (ảnh chụp trước dịch).
Bộ VH,TT&DL đề ra phương châm “an toàn đến đâu mở đến đó, mở cửa phải an toàn” trong lộ trình mở cửa, khôi phục lại hoạt động du lịch. Tuy nhiên, việc mở cửa du lịch hiện nay vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cần phải được nghiên cứu và có những giải pháp, định hướng phù hợp. Tiêu chí hộ chiếu vaccine là bắt buộc trong các chỉ dẫn cho phép hoạt động du lịch trở lại của Bộ VHTT&DL và Tổng cục Du lịch. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn khi trên thực tế, các địa phương vẫn chưa thống nhất chung về các tiêu chí cho phép đưa, đón khách, khoanh vùng xanh, vùng đỏ. Bên cạnh đó, việc đứt gãy trong chuỗi cung ứng dịch vụ, vận hành các sản phẩm, giao thông vận tải... đặt nhiều nghi ngại cho các đơn vị lữ hành, khách hàng. Do đó, cần có sự thống nhất chung giữa các địa phương để tháo gỡ những vấn đề này. Bên cạnh đó, cần lập bản đồ vùng an toàn cho du lịch để các đơn vị thuận tiện trong việc đưa đón khách, xây dựng tour khép kín và có chính sách kiểm soát tour phù hợp với tình hình, diễn biến dịch của các địa phương.
Đối với quy trình đón khách quốc tế, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cũng có đề xuất, khuyến nghị để nâng cao mức độ an toàn, bền vững trong triển khai đón khách quốc tế ở Việt Nam. Theo đó, Việt Nam nên có những tiêu chí cụ thể để lựa chọn thị trường khách du lịch quốc tế như: ưu tiên các nước có lượng khách đến Việt Nam nhiều, mức chi tiêu trung bình cao, không có các biến thể dịch bệnh mới đáng lo ngại, có tiến độ tiêm chủng cao. Trong đó, cần quan tâm đến gói bảo hiểm liên quan COVID-19, đây là điều mà các quốc gia như Thái Lan, Singapore đã quy định, bao gồm chi phí chăm sóc sức khỏe, điều trị COVID-19 trong suốt thời gian ở nước này.
Các yếu tố công nghệ cũng cần được đẩy mạnh trong quá trình đón, phục vụ khách du lịch. Ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” do Tổng cục Du lịch xây dựng có nhiều tính năng tích hợp cần được bảo đảm về tính pháp lý, bảo mật thông tin cá nhân, kết nối, chia sẻ thông tin với các hệ thống dữ liệu y tế, dân cư… Mặt khác, Việt Nam cũng cân nhắc thêm giải pháp “Safe Travels stamp” (Tem Du lịch an toàn), hiện đang được hơn 400 quốc gia sử dụng trong quá trình đón khách trở lại. Tem Du lịch an toàn là sáng kiến của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), gồm các giao thức an toàn trong hoạt động du lịch, theo một tiêu chuẩn chung được xây dựng bởi WTTC. Các giao thức này tạo một tiêu chuẩn chung để đảm bảo an toàn cho lực lượng lao động và du khách, khi ngành Du lịch chuyển sang trạng thái bình thường mới. Quy trình cấp Tem Du lịch an toàn được thiết kế theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) và những kinh nghiệm từ các thành viên của WTTC. Các giao thức này cũng được cập nhật liên tục theo các khuyến cáo của WHO và CDC. Hiện nay, tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan, Indonesia và Philippines đã tham gia chương trình Tem Du lịch an toàn…
Như vậy, để hoạt động du lịch được diễn ra an toàn, nhiều giải pháp và định hướng đã được đưa ra, trong đó ngành Du lịch đang cân nhắc để lựa chọn những phương án phù hợp theo từng giai đoạn thích ứng.
4 điều kiện để khách quốc tế đến Việt Nam
Bộ VH,TT&DL yêu cầu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đáp ứng các điều kiện về xuất nhập cảnh và về y tế như sau:
+ Có chứng nhận tiêm đủ vaccine được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận (không áp dụng đối với trẻ em dưới 12 tuổi đi cùng cha mẹ hoặc người giám hộ). Thời gian tiêm mũi 2 hoặc mũi 1 (đối với loại vaccine 1 mũi) có hiệu lực đủ 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất cảnh. Hoặc có chứng nhận đã khỏi bệnh COVID-19, hoặc các giấy tờ tương đương xác nhận đã khỏi bệnh do cơ quan có thẩm quyền tại nước điều trị cấp và được Việt Nam công nhận. Thời gian từ lúc xuất viện tính đến thời điểm xuất cảnh không quá 6 tháng.
+ Có kết quả âm tính với xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận (tính từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm).
+ Có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 50.000USD.
+ Người tham gia phải theo chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành.
|
Bài, ảnh: ÁI LAM