27/10/2020 - 08:46

Những điều cần biết về khám sức khỏe định kỳ 

Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh, các bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh những giải pháp dự phòng, điều trị sớm, đem lại hiệu quả cao. Ý thức được tầm quan trọng này, nhiều người dân đã chủ động tìm đến cơ sở y tế để khám sức khỏe định kỳ.  

Nhân viên y tế lấy máu xét nghiệm cho người dân khám sức khỏe định kỳ.

Lợi ích của khám định kỳ

Theo các bác sĩ, nhiều bệnh khi có biểu hiện ra ngoài thì đã muộn. Vì vậy, việc khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện, điều trị bệnh sớm. Việc này cho kết quả tốt hơn, ít tốn kém hơn. Ngoài ra, một số bệnh ở giai đoạn khởi phát chưa cần dùng thuốc, chỉ cần thay đổi lối sống, dinh dưỡng giúp phòng ngừa hoặc giúp trì hoãn đến giai đoạn bệnh thật sự. 

Cô Nguyễn Thị Minh Lý, giáo viên, nhà ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng đến Bệnh viện (BV) Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ (ÐHYDCT) để khám sức khỏe định kỳ. Cô Minh Lý cho biết: “Tôi 51 tuổi, bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, thấy cơ thể không khỏe như trước nên chủ động đi khám để được bác sĩ tư vấn giữ gìn sức khỏe”. Bà Nguyễn Thị Thu Liên bị cao huyết áp, suy tim cũng đến khám định kỳ tại BV Trường ÐHYDCT, chia sẻ: “Hằng tháng, tôi đều đi khám bệnh và nhận thuốc uống. Ngoài ra, 3 tháng/lần, tôi cũng kiểm tra sức khỏe định kỳ. Lớn tuổi, bị tăng huyết áp khoảng 10 năm nay nên kiểm tra thường xuyên xem có biến chứng gì để điều trị sớm”.

Theo TS.BS Trần Kim Sơn, Phó Trưởng Khoa Khám bệnh, BV Trường ÐHYDCT, người bình thường và người có bệnh lý mãn tính đều cần khám sức khỏe định kỳ. Với người mắc bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường... khám định kỳ 3 tháng/lần. Bác sĩ sẽ chỉ định tầm soát tổn thương các cơ quan đích, biến chứng do bệnh lý mãn tính của họ gây ra. Với người bình thường, khám định kỳ từ 6 tháng - 1 năm/lần.

Người khám có độ tuổi khác nhau được chỉ định khác nhau. Từ 18-30 tuổi: Bác sĩ tư vấn khám và tầm soát bệnh truyền nhiễm, bệnh lý tiền hôn nhân, sức khỏe sinh sản... Từ 30-40 tuổi: bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipip máu, tăng axit uric... Từ 40 tuổi trở lên: chức năng gan, thận, mỡ, đường, tim mạch, ung thư... Ngoài ra, bác sĩ tư vấn và chỉ định khám dựa trên các yếu tố như nghề nghiệp, lối sống, tiền sử bệnh, gia đình...

Phát hiện sớm nhiều bệnh

Các gói khám sức khỏe định kỳ cơ bản thường bao gồm: công thức máu (22 thông số), tổng phân tích nước tiểu (10 thông số), đường huyết, chức năng gan, thận, viêm gan siêu vi B, C, axit uric (bệnh gút), điện giải đồ, X-quang ngực (tìm tổn thương ở phổi), siêu âm bụng, điện tim... Ở các BV cũng có thiết kế các gói riêng khám sức khỏe định kỳ cho nam, nữ, gói nâng cao, gói tiền hôn nhân.

Về xét nghiệm, Ths.BS Trần Thị Thu Thảo, Phó Trưởng Khoa Xét nghiệm, BV Trường ÐHYDCT, cho biết: Xét nghiệm máu trong khám sức khỏe định kỳ biết nhóm máu, bệnh về máu... Qua xét nghiệm máu, nếu các chỉ số bất thường, gợi ý để tầm soát thêm các bệnh khác. Xét nghiệm hóa sinh máu chẩn đoán đái tháo đường, viêm gan, mỡ máu, nguy cơ bệnh lý tim mạch, đánh giá chức năng thận, gan... Với xét nghiệm chỉ dấu ung thư, nếu chỉ số bất thường, bác sĩ lâm sàng phối hợp các kỹ thuật khác chẩn đoán sớm bệnh. Trong số các xét nghiệm thường quy, có 2 xét nghiệm cơ bản, cần nhịn ăn là xét nghiệm đường và mỡ máu. Trước khi xét nghiệm, cần nhịn ăn 8 giờ.

Về siêu âm trong khám sức khỏe định kỳ, TS.BS Nguyễn Vũ Ðằng, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, BV  Trường ÐHYDCT, cho biết: Siêu âm là phương pháp phổ biến, ít tốn kém và an toàn. Siêu âm có thể phát hiện bệnh ở vùng bụng: gan, u gan, áp xe gan, xơ gan; sỏi túi mật, sỏi đường mật; bệnh lý tụy, lách, viêm ruột thừa, thận, sỏi thận, thận tắc nghẽn ứ nước, sỏi bàng quang, bệnh lý tiền liệt tuyến; u xơ tử cung, u hoặc nang buồng trứng. Ở vùng ngực, có thể khảo sát bệnh lý tuyến vú; vùng cổ, khảo sát bệnh lý tuyến giáp, nhân giáp, u tuyến giáp. Hệ tim mạch đánh giá chức năng tim, bệnh lý van tim... Siêu âm khảo sát bệnh lý mạch máu: động mạch cảnh, hẹp hoặc tắc động mạch cảnh có thể sẽ gây nhồi máu não, nguy hiểm. Tắc những động mạch khác: động mạch thận, động mạch chi, có thể dẫn tới đoạn chi... Về X - quang, đây là cận lâm sàng thường sử dụng để khảo sát bệnh lý phổi, xương, khớp…

Một số người băn khoăn về việc chụp X - quang gây ảnh hưởng đến sức khỏe. TS.BS Nguyễn Vũ Ðằng cho biết: X - quang sử dụng tia bức xạ ion hóa, có nghĩa là tia X có thể gây ion hóa các nguyên tử trong mô của cơ thể. Việc ion hóa có thể gây ra một số biến đổi sinh học. Tuy nhiên, nguy cơ của những tác động sinh học này rất thấp. Việc chụp X - quang tầm soát bệnh có lợi ích hơn nguy cơ. Người bình thường khám sức khỏe định kỳ có thể chụp X - quang phổi mỗi 6 tháng - 1 năm. Nhũ ảnh cũng là kỹ thuật thuộc về X - quang, có thể phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm. Ung thư vú nếu phát hiện sớm chưa di căn có thể chữa khỏi hoàn toàn.

Chụp X - quang hay siêu âm phát hiện một số tổn thương bệnh lý. Tuy nhiên, đó chỉ là phát hiện ban đầu, không thể đánh giá được toàn diện, chi tiết bản chất tổn thương. Lúc đó phải cần chụp CT Scan. CT Scan có thể chẩn đoán được nhiều bệnh lý trong cơ thể: xuất huyết não, nhồi máu não. Ngực: khảo sát u phổi, lao phổi, bệnh phổi mô kẽ... Ở bụng, CT Scan có thể khảo sát bản chất của các tổn thương các tạng trong ổ bụng... MRI đánh giá bệnh lý của mô mềm tốt hơn, là phương tiện ưu tiên trong khảo sát hầu hết bệnh lý của hệ thần kinh, như: u não, viêm não, nhồi máu não, xuất huyết não, các bệnh lý mạch máu não, các bệnh lý của chất trắng, bệnh lý não do chuyển hóa. MRI còn là phương tiện khảo sát tốt cho cột sống, đĩa đệm và tủy sống, bệnh lý của khớp. Một lợi thế của MRI nữa là không sử dụng bức xạ ion hóa, nên gần như vô hại đối với trẻ em.

Bài, ảnh: ĐOÀN LÝ

Chia sẻ bài viết