17/03/2020 - 07:37

Những điểm cần lưu ý trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14-6-2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020. Luật này quy định biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Cảnh sát giao thông Công an quận Ninh Kiều lập biên bản xử phạt một trường hợp vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Ảnh: K.Xuân

Theo đó, Luật quy định cá nhân, tổ chức được quyền: sống trong môi trường không chịu ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia; được cung cấp thông tin phù hợp, chính xác, khách quan, khoa học, đầy đủ về rượu, bia, nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng và tác hại của rượu, bia; phản ánh, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; tố cáo việc cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Đáng chú ý là Luật cấm các hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; cấm các hành vi bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; cấm sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia; cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Việc khuyến mại, quảng cáo rượu, bia cũng được quy định chặt chẽ hơn, như: cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên; cấm cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe; cấm khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; cấm sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức...

Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định các địa điểm không được uống rượu bia, gồm: bệnh viện; trường học trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc; cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi; nơi làm việc của cơ quan nhà nước... Nghị định số 24/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực thi hành từ ngày 24-2- 2020 cũng đã bổ sung một số địa điểm cấm uống rượu bia như sau: công viên; nhà chờ xe buýt; rạp chiếu phim, nhà hát, cơ sở văn hóa, thể thao trong thời gian tổ chức các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ và công năng sử dụng chính của các địa điểm này, trừ trường hợp tổ chức các lễ hội ẩm thực, văn hóa có sử dụng rượu, bia. Trường hợp nhà hàng trong phạm vi khuôn viên của công viên đã được cấp phép kinh doanh rượu, bia trước ngày 24-2-2020 thì không thuộc trường hợp cấm. Rạp chiếu phim, nhà hát, cơ sở văn hóa, thể thao không trong thời gian tổ chức hoạt động theo chức năng, công năng cũng không thuộc trường hợp là nơi không được uống rượu bia

Ngoài ra, đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Cơ quan, người có thẩm quyền được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Song song đó, luật còn quy định, gia đình có trách nhiệm: giáo dục, giám sát, nhắc nhở thành viên chưa đủ 18 tuổi không uống rượu, bia, các thành viên khác trong gia đình hạn chế uống rượu, bia; động viên, giúp đỡ người nghiện rượu, bia trong gia đình cai nghiện rượu, bia; hướng dẫn các thành viên trong gia đình kỹ năng từ chối uống rượu, bia; kỹ năng nhận biết, ứng xử, xử trí khi gặp người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia và thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia; tham gia với các cơ quan, tổ chức và cộng đồng thực hiện phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Hoàng Yến (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết