(CTO) - Các bác sĩ Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Cần Thơ ghi nhận, mặc dù tỷ lệ mắc sốt xuất huyết thăm khám và điều trị tại BV từ đầu năm 2024 đến nay có xu hướng giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn còn nhiều trường hợp diễn biến nặng. Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo, khi nghi ngờ trẻ mắc sốt xuất huyết, người nhà nên đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám để được theo dõi, xử trí kịp thời.
BS CKII Trương Cẩm Trinh, Trưởng khoa Khám BV Nhi đồng TP Cần Thơ, thăm khám cho trẻ. Ảnh: BV.
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết trong đó có một trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết giảm 1,6 lần. Tại BV Nhi đồng TP Cần Thơ, đầu năm đến nay, gần 300 trẻ bệnh sốt xuất huyết nhập viện và hơn 280 trẻ điều trị ngoại trú, đều giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
BS CKII Trương Cẩm Trinh, Trưởng khoa Khám BV Nhi đồng TP Cần Thơ cho biết, trẻ mắc sốt xuất huyết có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, thường gặp nhất là tình trạng bị sốc, nguy cơ cao suy nội tạng dẫn tới tử vong.
Trẻ nhỏ mắc sốt xuất huyết thường khởi phát với triệu chứng sốt cao đột ngột kéo dài từ khoảng 2-7 ngày. Một số biểu hiện kèm theo như xung huyết da, mặt đỏ phừng, cơ đau nhức, đau họng, buồn nôn, nôn, mệt mỏi... Sau đó trẻ bị sốt xuất huyết sẽ xuất hiện dấu hiệu xuất huyết như chấm xuất huyết ở nách, ngực, cẳng tay, cẳng chân. Khi ấn vào, những chấm đỏ này không biến mất. Trẻ còn bị chảy máu mũi, chảy máu răng, trong phân có máu. Sau vài ngày, kích thước của gan có thể sẽ to lên.
Sau khoảng 3-7 ngày mắc bệnh, một số trẻ có thể xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo của sốt xuất huyết Dengue như lừ đừ, mệt mỏi, trẻ nôn mửa, đau bụng, niêm mạc của trẻ bị xuất huyết, gan to... Những dấu hiệu cảnh báo bệnh ở mức độ nặng như tay chân lạnh, không đo được huyết áp, mạch không ổn định... Khi có những dấu hiệu này, trẻ cần được đưa ngay đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.
Vừa qua, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU) BV Nhi Đồng TP Cần Thơ tiếp nhận bé gái T.T.T.T (9 tuổi, ngụ tại huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) trong tình trạng sốt cao liên tục 3 ngày, đã điều trị ở y tế cơ sở nhưng không giảm sốt nên được chuyển đến BV Nhi Đồng TP Cần Thơ.
Qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận trẻ lừ đừ, thở ậm ạch, chi lạnh, huyết áp kẹp. Bệnh nhi nhanh chóng được hỗ trợ hô hấp, chống sốc tích cực, bù dịch theo phác đồ và thực hiện các xét nghiệm theo dõi điều trị. Kết quả xét nghiệm ghi nhận men gan tăng cao, suy chức năng thận, nhiễm trùng,…
Bệnh nhi được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue nặng, tái sốc 2 lần, suy đa cơ quan, suy hô hấp. Sức khỏe của bệnh nhi diễn tiến xấu dần, được đặt nội khí quản thở máy, sử dụng kháng sinh cao cấp, truyền các chế phẩm máu, theo dõi các chỉ số sinh hiệu liên tục nhưng tình trạng suy đa cơ quan không cải thiện. Bác sĩ chỉ định cho bé lọc máu liên tục 3 chu kỳ cùng các biện pháp hồi sức tích cực khác.
Sau hơn 15 ngày điều trị tích cực, chức năng gan thận của bé mới dần hồi phục, ngưng lọc máu, tập cai máy thở. Dưới sự động viên thường xuyên của gia đình và các nhân viên y tế, bệnh nhi cố gắng tập thở. BS Trinh cho biết: “Ngày bệnh nhi cai được máy thở cũng là ngày vui chung của gia đình bé và tất cả nhân viên y tế khoa ICU BV Nhi đồng TP Cần Thơ”.
Một em bé 6 tháng tuổi ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ mắc sốt xuất huyết nặng cũng vừa được các bác sĩ BV Nhi đồng TP Cần Thơ điều trị thành công. Em bé này sốt cao liên tục 3 ngày, nhập viện trong tình trạng lừ đừ, bú ọc, tiêu lỏng. Sau khi nhập viện, tình trạng bé chuyển nặng, tiếp tục sốt cao, suy hô hấp nặng, tràn dịch màng phổi, màng bụng lượng nhiều. Bác sĩ đặt nội khí quản cho bé thở máy, bù dịch chống sốc theo phác đồ, sử dụng kháng sinh cao cấp… Sau 9 ngày tích cực điều trị, tình trạng lâm sàng của bé mới dần cải thiện.
Theo BS CKII Trương Cẩm Trinh, Trưởng khoa Khám BV Nhi đồng TP Cần Thơ, bệnh sốt xuất xuất Dengue có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, từ trẻ nhủ nhi đến trẻ lớn và người lớn. Riêng trẻ sơ sinh, nhũ nhi và trẻ nhỏ mắc sốt xuất huyết đáng lo ngại hơn vì bệnh rất dễ trở nặng. Các bậc phụ huynh cần chú ý bảo vệ và chăm sóc thật thận trọng để phòng tránh dịch sốt xuất huyết.
BS CKII Trương Cẩm Trinh khuyến cáo 5 điều cần làm để phòng bệnh sốt xuất huyết gồm:
+ Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên tháo rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.
+ Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh. Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
+ Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.
+ Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
+ Khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
THU SƯƠNG