08/10/2017 - 09:40

Những dấu hiệu đặc trưng cảnh báo cơ thể thiếu kẽm 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 31% dân số hiện thiếu kẽm và kết quả khảo sát mới tại 14 quốc gia cũng cho thấy hơn 20% phụ nữ độ tuổi sinh đẻ có nồng độ kẽm trong cơ thể thấp. Trong khi đó, khoáng chất này rất cần thiết cho hoạt động của hơn 300 enzyme liên quan đến các phản ứng sinh hóa quan trọng để tổng hợp prôtêin, sản xuất hoóc-môn…

Vì kẽm đóng vai trò thiết yếu để cơ thể mạnh khỏe và hoạt động trơn tru, cũng như bảo đảm chức năng miễn dịch, thậm chí phòng ngừa ung thư, các chuyên gia khuyến nghị mọi người nên chú ý những dấu hiệu thiếu kẽm đặc trưng để có biện pháp bổ sung kịp thời.

Rụng tóc

Ngoài tình trạng dễ tái phát bệnh lây nhiễm, rụng tóc là một trong những triệu chứng quan trọng “tố cáo” cơ thể đang thiếu kẽm. Nguyên do là dưỡng chất này đóng vai trò thiết yếu trong việc tái tạo tế bào và hấp thụ prôtêin cần thiết nuôi dưỡng tóc dày và bóng khỏe.

Một nghiên cứu từng công bố trên Tạp chí Annals of Dermatology cho thấy 312 người bị rụng tóc được phát hiện đều có nồng độ kẽm trong máu thấp hơn so với nhóm đối chứng. Còn trong nghiên cứu khác (cũng đăng trên tạp chí này), các chuyên gia nhận thấy việc uống bổ sung kẽm hằng ngày trong 3 tháng giúp 66% người tham gia giảm rõ rệt tình trạng rụng tóc.

Móng tay nổi đốm trắng, dễ gãy

Sự xuất hiện của những đốm trắng trên móng tay (dân gian gọi là “hạt gạo”) là một trong những “manh mối” quan trọng chỉ ra rằng cơ thể thiếu kẽm. Ngoài ra, móng của người thiếu kẽm còn lâu ra dài, giòn và dễ gãy.

Được biết, nồng độ kẽm ổn định là yếu tố cần thiết cho sự phát triển của các mô và tế bào trong móng tay. Nên một khi thiếu kẽm, các vấn đề về móng phổ biến nói trên có thể xảy ra, trong đó, dấu hiệu nghiêm trọng nhất là các đốm trắng.

Răng xỉn màu

Kẽm là dưỡng chất cần thiết giúp răng khỏe, nên nếu cơ thể thiếu hụt chất này thì răng không thể trắng sáng, đồng thời dễ nứt và yếu. Thông thường, kẽm có trong khoang miệng và hiện diện tự nhiên trong các mảng bám, nước bọt và men răng. Do vậy, một người thiếu kẽm dễ bị hôi miệng, khẩu vị thay đổi, có mảng bám trắng trên lưỡi, thậm chí là viêm nướu. 

Loét miệng

Theo nghiên cứu công bố trên Tạp chí Laryngology & Otology, thiếu kẽm dễ dẫn đến loét miệng và tình trạng này thường tái đi tái lại ở những bệnh nhân có nồng độ kẽm trong máu thấp. Một số nghiên cứu cho thấy việc bổ sung  kẽm trong chế độ ăn có thể làm giảm viêm do các vết loét trong miệng.

Móng tay yếu và loét miệng là những dấu hiệu thường gặp ở người thiếu kẽm.

Các vấn đề về da

Tạp chí của Viện da liễu Thổ Nhĩ Kỳ dẫn một nghiên cứu cho thấy 54% những người bị nổi mụn có nồng độ kẽm trong cơ thể thấp. Ngoài ra, vết thương do mụn hoặc tác nhân nào khác ở những người này cũng khó lành và dễ biến thành ghẻ lở, bởi kẽm là dưỡng chất cần thiết để chữa lành vết thương.

Xương yếu

Đa số mọi người biết rằng canxi quan trọng đối với sức khỏe xương, song kẽm cũng là khoáng chất cần thiết cho quá trình hình thành và phát triển xương. Lý do là kẽm đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển của tế bào, cũng như tạo ra lượng collagen cần thiết để xương khỏe mạnh. Vì lẽ đó, con của những người ăn chay trường thường thiếu hụt kẽm và dễ gặp các vấn đề về phát triển xương trong giai đoạn nhi đồng và thiếu niên.

* * *

Theo các chuyên gia sức khỏe, người ăn chay trường và uống nhiều bia rượu dễ bị thiếu kẽm, trong khi những người tránh ăn thịt đỏ hoàn toàn có nguy cơ thiếu kẽm cao nhất. Và vì cơ thể con người không dự trữ được kẽm nên biện pháp duy trì giúp duy trì nồng độ kẽm lành mạnh là phải bổ sung từ thực phẩm. Ngoài các loại thịt đỏ cung cấp lượng kẽm nhiều nhất như thịt bò, thịt cừu, thịt heo và thịt bê, chúng ta cũng có thể bổ sung các nguồn kẽm khác từ ức gà, trứng gà, cá hồi, cá mòi, hạt hạnh nhân, tàu hủ, gạo lứt…

AN NHIÊN (Theo Daily Mail) 

Chia sẻ bài viết