20/08/2024 - 11:37

Những “bóng hồng” nhọc nhằn ở “vương quốc gạch, gốm” 

Phóng sự ảnh: ÐĂNG HUỲNH

“Vương quốc gạch, gốm” là cách ví von của nhiều người khi nói về huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, nơi có làng nghề làm gốm, gạch lâu đời ở miền Tây. Bên cạnh cánh mày râu, những phụ nữ làng nghề vẫn lặng thầm gìn giữ nghề truyền thống, dù có không ít nhọc nhằn, vất vả. Những “bóng hồng” đã tô điểm thêm “Di sản đương đại Mang Thít”.

Làng nghề gạch gốm nằm một dãy bên sông Cổ Chiên và hai bên kinh Thầy Cai, thuộc địa bàn các xã: Nhơn Phú, Mỹ Phước, An Phước, Mỹ An, Hòa Tịnh của huyện Mang Thít. Hiện nay, toàn huyện có hơn 90 cơ sở với hơn 100 miệng lò đang hoạt động. Với các giải pháp khôi phục làng nghề của địa phương, nghề làm gạch gốm nơi đây đang dần phục hồi, phát triển.

Những người phụ nữ bên dòng Cổ Chiên bao đời qua vẫn cùng những người đàn ông của làng nghề gìn giữ nghề quê, hồn quê. Các các chị, các cô có thể tham gia vào hầu hết các công đoạn để làm ra viên gạch thành phẩm. Trong ảnh: Một người phụ nữ đang cho đất vào máy để ép.

Gạch sau khi ép sẽ được những người phụ nữ chất lên xe, mang phơi, trước khi vào lò nung.

Sau khi nung thành gạch thành phẩm, những người phụ nữ sẽ vào bên trong lò để chuyền gạch ra ngoài. Trong đây, nhiệt độ nóng, ngột ngạt và bụi bay mịt mù.

Ở bên ngoài miệng lò, những người phụ nữ khác sẽ nhận gạch, chất lên xe và đẩy ra ngoài điểm tập kết.

Những chuyến xe đẩy gạch nặng nhọc.

Một nhóm phụ nữ khác sẽ chất gạch thành từng đống. Từ công đoạn đưa gạch ra khỏi lò đến chất gạch ở điểm tập kết, mỗi lần lấy gạch sẽ bằng 2 tay, mỗi tay 4 viên. Mỗi viên gạch ước nặng khoảng 1,2kg. Như vậy, mỗi lần lấy gạch, mỗi người phụ nữ sẽ phải nhấc khối lượng gần 10kg. Nếu tính cả ngày làm việc, tổng khối lượng họ nhấc, khiên lên đến cả chục tấn. Con số ấy cho thấy sự vất vả nhưng cũng minh chứng sự dẻo dai, khỏe mạnh của phụ nữ làng nghề.

Mỗi ngày làm việc 8 tiếng ở lò gạch, mỗi người phụ nữ có thu nhập trung bình 150.000 đồng. Nhiều người phụ nữ đã làm nghề này mấy chục năm qua, nay tuổi đã ngoài 60 nhưng vẫn gắn bó với nghề. Họ tâm sự rằng, nghề này tuy cực nhưng có “đồng ra đồng vào” và được làm nghề của xứ sở, ngay trên quê mình.

Bởi thế, các cô, các chị luôn lạc quan, yêu đời. Một nụ cười thật tươi sau chuyến xe gạch đầy nặng nhọc. Cứ thế, những “bóng hồng” vẫn đồng hành cùng thăm trầm cùng “vương quốc gạch, gốm”, giữ gìn di sản bên dòng Cổ Chiên.

Chia sẻ bài viết