06/05/2010 - 20:33

VỐN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG

Nhu cầu lớn

Thi công đường Mậu Thân - Sân bay Trà Nóc. Ảnh: ANH KHOA

Năm 2009, TP Cần Thơ được công nhận là đô thị loại I trực thuộc trung ương. Năm 2010, cầu Cần Thơ chính thức được đưa vào sử dụng; cảng hàng không Cần Thơ mở các đường bay quốc tế... Các sự kiện vừa nêu mở ra cho TP Cần Thơ nhiều vận hội phát triển để xứng tầm là thành phố động lực của vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, theo nhận định của ngành chức năng, sự yếu kém về kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông đang là một thách thức không nhỏ đối với TP Cần Thơ trong quá trình phát triển.

Giải ngân xây dựng cơ bản: khả quan

Theo nhận định của ngành chức năng, từ năm 2009 đến nay, công tác giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản (XDCB) trên địa bàn TP Cần Thơ kết quả đạt được khá khả quan. Cụ thể: Năm 2009, tỷ lệ giải ngân trong công tác XDCB của thành phố đạt gần 90% so với năm 2008 chỉ đạt khoảng 72,2%. Đến cuối tháng tháng 4-2010, TP Cần Thơ đã thực hiện thanh toán và tạm ứng vốn XDCB được khoảng 705,9 tỉ đồng, đạt 34,18% kế hoạch phân bổ.

Ông Võ Thành Sang, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP Cần Thơ, nhận định: Có sự chỉ đạo và hướng dẫn kịp thời của các bộ, ngành trung ương. Cụ thể là Công văn số 7152/VPCP-KT của Văn phòng Chính phủ cho phép các địa phương thực hiện điều hòa vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ giữa các dự án trong nội bộ ngành. Công văn 7753/BKH-TH của Bộ KH&ĐT về việc điều chuyển vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ năm 2009 và triển khai ứng trước ngân sách nhà nước nên các nguồn vốn kế hoạch giao thực hiện đạt tỷ lệ giải ngân khá cao. Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư XDCB quy định: Chủ đầu tư được quyết định từ khâu lập hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu đã rút ngắn được thời gian đấu thầu, tạo điều kiện cho các gói thầu được giải ngân sớm hơn.

Đặc biệt, thời gian qua, công tác XDCB luôn được sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND TP Cần Thơ bằng việc tổ chức các cuộc họp sơ kết công tác XDCB hằng tháng và giao Sở KH&ĐT, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước Cần Thơ kiểm tra, đặc biệt là theo dõi tiến độ giải ngân các công trình, dự án. Trên cơ sở đó, các đơn vị vừa nêu báo cáo kịp thời để UBND thành phố chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và có biện pháp hỗ trợ chủ đầu tư trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, thủ tục đấu thầu...

Theo Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Thanh Mẫn: TP Cần Thơ sẽ tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án và giải ngân nguồn vốn trong công tác xây dựng cơ bản để đến cuối tháng 6 đầu tháng 7 - 2010 phải đạt từ 70% trở lên. Để thực hiện mục tiêu vừa nêu, thành phố tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành: kế hoạch và đầu tư, tài chính, kho bạc, xây dựng, tài nguyên và môi trường... phối hợp chặt chẽ, thực hiện thường xuyên công tác giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND thành phố để nắm bắt tình hình triển khai của từng công trình, xử lý kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư và linh hoạt điều chuyển các nguồn vốn. Trong năm 2010, thành phố phát động các sở, ngành, địa phương trên địa bàn đăng ký thực hiện và hoàn thành nhiều công trình trọng điểm thiết thực chào mừng Đại hội Đảng các cấp và tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Ngoài ra, thời gian tới, thành phố sẽ ban hành chính sách kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu tái định cư; ban hành quyết định phân cấp mạnh hơn cho các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Ngân sách địa phương: không đáp ứng được nhu cầu

Khoảng 2.767,6 tỉ đồng là tổng vốn kế hoạch đầu tư phát triển trên địa bàn TP Cần Thơ trong năm 2010. Trong tổng vốn kế hoạch này, sau khi trừ vốn chuẩn bị kế hoạch đầu tư, trừ các khoản nợ... còn khoảng 2.066,724 tỉ đồng thực hiện đầu tư cho 322 công trình dự án (79 công trình dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2010, 145 dự án chuyển tiếp và 98 dự án được khởi công xây dựng mới). Đến cuối tháng 4- 2010, ước khối lượng thực hiện XDCB trên địa bàn TP Cần Thơ khoảng 802 tỉ đồng, đạt gần 40% kế hoạch phân bổ.

Dù kết quả chung được đánh giá là khá khả quan, nhưng theo Sở KH&ĐT TP Cần Thơ vẫn còn nhiều khó khăn trong từng công việc cụ thể. Điển hình như: Trong nguồn vốn trái phiếu chính phủ, các công trình, dự án giao thông, y tế tỷ lệ giải ngân đạt trên 50% nhưng dự án thủy lợi còn vướng khâu bồi hoàn và tái định cư nên chưa thể triển khai thực hiện. Đối với nguồn vốn đầu tư phát triển do trung ương phân bổ, theo Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng ĐBSCL giai đoạn 2008 - 2010: Định mức hỗ trợ để mua đất cho hộ chưa có đất ở là 10 triệu đồng/hộ (ngân sách nhà nước hỗ trợ 8 triệu đồng, ngân sách địa phương hỗ trợ 2 triệu đồng), tương đương 40m2 nhưng giá thị trường khoảng 1 triệu đồng/m2 đất nền thổ cư. Còn đối với đất sản xuất, mức hỗ trợ là không quá 20 triệu đồng/hộ (ngân sách trung ương cấp 10 triệu đồng và được vay tín dụng với mức không quá 10 triệu đồng/hộ) nhưng giá đất nông nghiệp là 98.000 đồng/m2 (tương đương khoảng 147 triệu đồng/1.500m2, định mức tối thiểu đối với đất trồng lúa). Chính vì thế, các quận, huyện trên địa bàn thành phố được giao vốn kế hoạch không triển khai được.

Ngoài ra, cũng trong nguồn vốn đầu tư phát triển do trung ương phân bổ, theo Quyết định số 2880/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2010 cho TP Cần Thơ là 1.012,6 tỉ đồng. Trong đó, có 2,74 tỉ đồng vốn hỗ trợ doanh nghiệp cổ phần hóa, còn lại 1.009,86 tỉ đồng cho XDCB. Nguồn vốn XDCB này, Bộ Tài chính phân bổ cho các công trình, dự án ở lĩnh vực giáo dục, đào tạo dạy nghề; khoa học và công nghệ; lập quỹ phát triển đất khoảng 308,5 tỉ đồng. Ông Võ Thành Sang, Giám đốc Sở KH&ĐT TP Cần Thơ, cho rằng: Nếu trừ đi nguồn vốn phân bổ vừa nêu, thì nguồn ngân sách cân đối địa phương chỉ còn 701,36 tỉ đồng. Nguồn vốn này, không đủ để thành phố trả các khoản nợ vay (khoảng 644,249 tỉ đồng) và bố trí vốn kế hoạch chuẩn bị đầu tư (khoảng 60 tỉ đồng)...

Kiến nghị nguồn vốn cho đầu tư phát triển

Trên cơ sở nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển, vừa qua, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ KH&ĐT, UBND TP Cần Thơ đã mạnh dạn đề xuất nhiều kiến nghị ứng vốn kế hoạch năm 2011 để bố trí cho một số công trình bức bách, dự kiến hoàn thành trong năm 2010 - 2011 nhưng còn thiếu vốn.

Đối với nguồn vốn trái phiếu chính phủ, theo Sở KH&ĐT TP Cần Thơ, năm 2010, TP Cần Thơ được thông báo là 737,794 tỉ đồng. Hiện nay, việc giải ngân các công trình giao thông, công trình giáo dục, y tế sử dụng vốn trái phiếu chính phủ đã đạt từ 30-50% kế hoạch phân bổ. Các công trình này đang được triển khai thi công rất nhanh nên nhu cầu vốn cần tập trung rất lớn. Theo tính toán của Sở KH&ĐT TP Cần Thơ, tổng nhu cầu vốn trái phiếu chính phủ cho lĩnh vực giao thông (đường Mậu Thân - Sân bay Trà Nóc, đường nối thị xã Vị Thanh (Hậu Giang) với TP Cần Thơ, tuyến Bốn Tổng - Một Ngàn) và y tế (xây dựng bệnh viện cấp thành phố, bệnh viện lao và bệnh phổi, bệnh viện tâm thần, các bệnh viện đa khoa cấp quận, huyện...) khoảng 1.179 tỉ đồng. Đối với các công trình ứng vốn hỗ trợ có mục tiêu, TP Cần Thơ đề nghị khoảng 1.650 tỉ đồng đầu tư cho: 5 dự án giao thông (đường Nguyễn Văn Cừ nối dài giai đoạn II, mở rộng đường Quang Trung - Cái Cui, tuyến Trà Nóc - Thới An Đông - lộ Bức (tỉnh lộ 917), mở rộng quốc lộ 91 từ ngã tư Bến xe - Trà Nóc, tuyến nhánh quốc lộ 91 nối quận Ô môn (TP Cần Thơ) với huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang); 3 công trình thủy lợi- thủy sản (kè chống sạt lở sông Trà Niền, nạo vét kinh Thốt Nốt, Trung tâm Giống thủy sản cấp I); 2 công trình văn hóa - thể thao và dự án Trường bắn Bộ chỉ huy Quân sự TP Cần Thơ...

Tại buổi làm việc với UBND TP Cần Thơ về tình hình đầu tư và sử dụng vốn đầu tư năm 2009 và năm 2010, ông Nguyễn Minh Sang, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và Vùng lãnh thổ Bộ KH&ĐT, nhấn mạnh: Đầu tư cho TP Cần Thơ, đô thị loại I trực thuộc trung ương, là đầu tư phát triển vùng ĐBSCL. Đây sẽ là ưu tiên hàng đầu để các bộ, ngành hữu quan xem xét, giải quyết các kiến nghị về nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của UBND TP Cần Thơ. Tuy nhiên, TP Cần Thơ cũng phải lưu ý việc đầu tư, xây dựng các công trình, dự án cần phải tập trung, hoàn thành dứt điểm để nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh tình trạng đầu tư dàn trải.

HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết