Kỳ 1: Thực lực vựa lúa
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm sản xuất lương thực cả nước, sản lượng lúa hằng năm toàn vùng chiếm hơn 53% tổng sản lượng lúa và đóng góp 90% sản lượng gạo xuất khẩu cả nước. Tuy nhiên, với xuất phát điểm thấp, ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức khi nông nghiệp đang phát triển thiếu tính bền vững... Gần 2 thập niên qua, diện tích đất trồng lúa của vùng có xu hướng giảm để chuyển đổi sang cây, con khác. Trong điều kiện dân số tăng, biến đổi khí hậu, dịch sâu bệnh, một số địa phương trong vùng đang phấn đấu trở thành tỉnh, thành phố công nghiệp... sẽ tạo áp lực lớn trong việc giữ vững vai trò chiến lược đảm bảo an ninh lương thực (ANLT) cho vùng và quốc gia.
Mở rộng diện tích...
Vào những năm 1930, diện tích lúa mùa toàn vùng ĐBSCL đến 570.000 ha (chiếm 45% diện tích toàn vùng), đến năm 1980, diện tích này giảm xuống còn 300.000 ha và từ năm 1990 trở lại đây, hầu như không còn lúa mùa nữa mà thay vào đó là các giống lúa mới, ngắn ngày, năng suất cao được gieo trồng 2-3 vụ/năm. Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), trong 20 năm qua, ĐBSCL đã gia tăng diện tích vụ đông xuân gấp 8 lần, hè thu tăng gấp 4,3 lần và vụ mùa giảm 3,4 lần. Từ 1 vụ lúa mùa của năm 1976 đã được nâng dần 2 vụ rồi 3 vụ, đây là xu hướng chuyển đổi tích cực trong điều kiện nhằm đảm bảo chiến lược ANLT quốc gia và góp phần vào xuất khẩu.
|
Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân tham quan ruộng lúa sản xuất theo qui trình tiết kiệm phân, thuốc trừ sâu tại Châu Thành, tỉnh An Giang. |
Việc gia tăng diện tích đất lúa của vùng còn xuất phát từ công cuộc khai hoang mở đất. Tứ giác Long Xuyên có diện tích tự nhiên khoảng 489.000 ha, Đồng Tháp Mười rộng khoảng 700.000 ha (gồm 3 tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp) là vùng trũng và ngập sâu nhất ĐBSCL. Từ những năm 1980, các chuyên gia, nhà khoa học Hà Lan đã đến khảo sát Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên của ĐBSCL, họ cùng đưa ra nhận định không nên khai hoang 2 vùng đất này và cây lúa khó tồn tại do nhiễm phèn nặng. Nhưng các nhà khoa học Việt Nam đã không bỏ cuộc, qua những công trình nghiên cứu của các nhà khoa học đã khẳng định cây lúa sẽ sống khỏe trên vùng đất phèn bằng kỹ thuật “ém phèn, né lũ”. Cùng với chính sách di dân của các địa phương, vùng đất hoang hóa, người thưa ngày nào đã đông đúc và phong trào gia tăng sản xuất cũng được thúc đẩy.
PGS.TS Mai Thành Phụng, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư quốc gia- người từng tham gia các công trình nghiên cứu về kỹ thuật sản xuất, giống lúa cho vùng đất phèn, cho biết: “Các nhà khoa học Việt Nam được sự giúp đỡ của các nhà khoa học, tổ chức nước ngoài đã bắt tay vào nghiên cứu vùng Đồng Tháp Mười và đúc kết: đất phèn thay đổi quanh năm chứ không đứng yên. Do vậy, những nghiên cứu cơ bản tổng hợp để chinh phục vùng đất phèn được tiến hành đồng bộ và tổng thể. Trong đó, quản lý đồng bộ các giải pháp, xem thủy lợi là hàng đầu, việc đầu tiên là xây dựng hệ thống kênh, mương xả phèn và dùng biện pháp “ém phèn tầng sâu, rửa phèn tầng mặt”. Kế đến là chọn giống với phương châm “đất nào cây ấy”, rồi dùng biện pháp hóa học, biện pháp canh tác- chọn mùa vụ. Chúng tôi xác định chỉ cần tuân thủ nghiêm ngặt, thực hiện đúng qui trình và chỉ sau 3 năm đất phèn sẽ trở thành đất thuộc”. Theo PGS.TS Mai Thành Phụng, giống lúa IR50404 được đưa vào trồng thử nghiệm tại Đồng Tháp Mười cho năng suất rất cao và tồn tại đến nay.
Sự thành công từ khai hoang Đồng Tháp Mười đã được áp dụng cho vùng Tứ giác Long Xuyên từ năm 1988-1989, cuộc khai phá hơn 10 năm mới hoàn thành. Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nói: “Năm 1975, diện tích lúa mùa ở An Giang trên 200.000 ha, sản lượng 450.000 tấn. Những năm đầu giải phóng, chủ trương khôi phục sản xuất đối với nông nghiệp được tiến hành, tỉnh tổ chức thành lập tập đoàn, hợp tác xã cho người dân tại địa phương tham gia. Lúa mùa được thay thế cho lúa thần nông. Ban đầu, thiết bị không đủ, người thưa, nên sản xuất trì trệ, bỏ hoang. Mãi đến 10 năm sau giải phóng, diện tích lúa thần nông mới tăng khoảng 100.000 ha, sản lượng tăng gấp đôi”. Theo ông Nhị, năm 1986, bắt đầu công cuộc đổi mới, tỉnh An Giang ra Chỉ thị bỏ xâm canh và bắt tay vào khai phá Tứ giác Long Xuyên. Tập trung giải quyết 3 vấn đề: thủy lợi, đất đai (cho người cũ và người mới), kỹ thuật. Lúc này, tỉnh không đủ tiền đào kênh cấp 2, nên nhờ các doanh nghiệp trong tỉnh đứng ra vay tiền đào kênh và ra miền Trung mượn máy móc về cải tạo đất. Năm 1995, cơ bản đào xong kênh cấp 2 và đưa giống IR50404 vào gieo trồng, đánh dấu khởi đầu mới trên vùng đất chua phèn. Hiện nay, An Giang là tỉnh có sản lượng lúa lớn nhất vùng ĐBSCL, với sản lượng khoảng 3,5 triệu tấn lúa hàng hóa/năm và cũng là địa phương đi đầu trong ứng dụng kỹ thuật mới vào canh tác lúa, xây dựng vùng lúa chất lượng cao.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, trong 5 năm gần đây, diện tích gieo trồng lúa cả năm tại ĐBSCL ổn định trong khoảng 3,85 triệu ha, tạo việc làm và thu nhập cho hơn 1,46 triệu hộ trồng lúa (chiếm 73,5% so với tổng số hộ làm nông nghiệp toàn vùng ĐBSCL). Riêng vụ 3 hằng năm, toàn vùng xuống giống khoảng 400.000-450.000 ha; đây là vụ lúa gây nhiều tranh cãi từ giới khoa học đến người làm công tác quản lý, do e ngại dịch bệnh khó khống chế. Nhưng hiện Bộ NN&PTNT đã quyết định đưa lúa vụ 3 vào vụ chính trong năm (vụ thu đông). Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt, cho rằng: “Việt Nam là nước nông nghiệp, nhưng diện tích nông nghiệp bình quân lại thấp, với 86,5 triệu dân và 4,2 triệu ha đất trồng lúa hiện có cả nước, bình quân chỉ 485 m2/người, còn Thái Lan đến 1.500 m2/người (9,6 triệu ha đất trồng lúa). Do vậy, việc thâm canh, tăng vụ là tất yếu để đảm bảo lương thực tiêu dùng và xuất khẩu”. Theo tiến sĩ Dư, Bộ NN&PTNT đã qui định vụ thu đông là vụ chính, bởi đây là vụ sản xuất giống lúa chính cung cấp cho vụ đông xuân; nếu giống tốt, vụ đông xuân sẽ thắng lợi cao hơn.
Đột phá về sản lượng
Từ năm 1989, ĐBSCL đã giải quyết được nội dung quan trọng là thỏa mãn nhu cầu lương thực trong nước và bắt đầu trở lại tham gia thị trường xuất khẩu gạo thế giới. Tính từ năm 1980 đến nay, năng suất lúa vùng ĐBSCL tăng 4,4% và sản lượng tăng trung bình 9,3% mỗi năm. Cùng với việc ứng dụng nhanh thành tựu nghiên cứu giống mới đưa ra sản xuất, phát huy tính sáng tạo và năng động của nông dân đã làm thay đổi đáng kể sản lượng của vựa lúa. Mặt khác, năm 2004 Pháp lệnh về Giống cây trồng vật nuôi ra đời còn tạo bước ngoặt mới trong nghiên cứu giống tại ĐBSCL.
Cùng với sự đầu tư về thủy lợi, sự sáng tạo của người nông dân đã đưa năng suất lúa bình quân từ 3,298 tấn/ha năm 1990 lên 5,38 tấn/ha năm 2009. Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt, cho biết: “Hai mươi năm qua, chúng ta chưa bao giờ bị mất mùa tuy vẫn có sâu bệnh, dịch hại, thiên tai, nhưng ANLT vẫn được giữ vững và liên tục ở vị trí thứ 2 về xuất khẩu gạo trên thế giới”. Theo thống kê của Cục Trồng trọt, năm 2008, diện tích trồng lúa toàn vùng gần 3,86 triệu ha (tăng 175.000 ha so với năm 2007) với sản lượng đạt 20,6 triệu tấn (tăng 2,03 triệu tấn so với năm 2007). Năm 2009, diện tích trồng lúa toàn vùng giảm 24.800 ha còn 3,835 triệu ha, nhưng năng suất bình quân đạt 5,38 tấn/ha và sản lượng hơn 20,63 triệu tấn lúa hàng hóa, tăng 10.000 tấn so năm 2008. Trong đó, sản lượng lúa của vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên hiện chiếm khoảng 40% sản lượng lúa toàn vùng ĐBSCL; chiếm giữ vai trò đảm bảo ANLT rất lớn cho vùng.
Riêng lúa vụ 3 (thu đông) toàn vùng có sản lượng 1,6-2,2 triệu tấn lúa hàng hóa/năm; qua kết quả khảo sát của Viện Lúa ĐBSCL tại An Giang, Long An, Tiền Giang, Hậu Giang... những địa phương nhiều kinh nghiệm trồng lúa vụ 3 cho thấy, phần lớn diện tích đều cho năng suất cao. Theo GS.TS Nguyễn Văn Luật, nguyên Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, không thể phủ nhận việc sản xuất liên tục có thể làm giảm độ màu mỡ của đất, đặc biệt ở những nơi có bờ bao ngăn lũ để tăng vụ. Tuy nhiên, việc sản xuất lúa vụ 3 ở ĐBSCL là cần thiết để tăng sản lượng lúa, góp phần đảm bảo ANLT và tăng lượng gạo xuất khẩu. Vấn đề còn lại là để làm lúa vụ 3 cần chọn nơi phù hợp.
Ông Đàm Văn Lý, nông dân ấp 7B2 xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Sau giải phóng, ở đây chỉ làm được 1 vụ lúa, đến năm 1988 tăng lên 2 vụ và năm 1989 đến nay là 3 vụ/năm. Đây là vùng đất lung, nên vụ 3 năng suất kém chỉ 5 tấn/ha, nhưng việc tăng vòng quay của đất là chủ trương đúng đắn của ngành nông nghiệp và Nhà nước. Trình độ nông dân cũng được nâng lên rõ rệt, do vậy việc sản xuất 3 vụ lúa trong năm không khó khăn gì đối với nhà nông”. Ông Lý có 1,6 ha đất trồng lúa, hằng năm ông thu nhập hơn 100 triệu đồng; năng suất vụ đông xuân đạt 7-8 tấn/ha, hè thu 6-7 tấn/ha, thu đông 5 tấn/ha và nông dân phải hiểu vùng đất của mình mới đạt năng suất này. Ông Lý cho rằng, trước năm 1981, năng suất lúa của vùng đất Hậu Giang không ổn định và không cao do đất phục hóa, nhưng các công trình nghiên cứu khoa học về nông nghiệp được áp dụng rộng rãi đã dần cải thiện năng suất lúa và người dân trồng lúa rất năng động, thích ứng nhanh với kỹ thuật mới.
Đến nay, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, với số lượng bình quân hơn 4 triệu tấn/năm. Có thể nói vai trò của ĐBSCL trong chiến lược ANLT quốc gia không có vùng, miền nào thay thế được. Tuy nhiên, sự quan tâm đầu tư cho vùng ĐBSCL chưa tương xứng với những đóng góp của vùng cho cả nước. Diện tích đất trồng lúa giảm, thách thức của biến đổi khí hậu, áp lực sâu bệnh, quá trình đô thị hóa nhanh... đang tạo áp lực cho vùng trong nhiệm vụ đảm bảo ANLT quốc gia.
Bài, ảnh: THU HÀ
Sản lượng lúa và xuất khẩu của vùng ĐBSCL so cả nước
Kỳ 2:
Những thách thức vùng lúa trọng điểm