09/03/2013 - 18:15

Nhìn lại chặng đường phổ cập mầm non

Bài 1:  Chuyển biến toàn diện

Quyết định số 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 đã vực dậy bậc học này để xứng đáng với vai trò là bậc học nền tảng. Với ĐBSCL- nơi luôn bị đánh giá là vùng trũng giáo dục cả nước thì Quyết định 239/QĐ-TTg sẽ là nền tảng để nâng cao chất lượng giáo dục toàn vùng. Nhìn lại gần một nửa chặng đường phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi đã qua để tăng tốc trong thời gian tới đang là điều cần thiết...

* Trường lớp khang trang hơn

và trẻ trong giờ học ngoài trời tại Trường Mẫu giáo Thới Đông, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ - Trường đạt chuẩn quốc gia.

Tại huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, Trường Mầm non Phong Điền đã được xây dựng mới để thay thế ngôi trường cũ kỹ, ọp ẹp, ẩm thấp rộng chưa đến 300m2. Ông Nguyễn Văn Tân, người dân ở thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, đang chờ rước cháu nội học tại đây, nói: “Ngày trước, ba cháu có được đi học mẫu giáo như vầy đâu vì tôi sợ trường cũ sập. Bây giờ, cháu nội tôi được học trong ngôi trường lớn, đẹp như thế này thì ai mà không phấn khởi”. Huyện Phong Điền còn có hàng loạt trường mầm non (MN), mẫu giáo khác được xây dựng mới đẹp, khang trang, như: Trường MN Mỹ Khánh, Trường MN Trường Long, Trường MN Giai Xuân, Trường MN Thị trấn Phong Điền… Với tiến độ như hiện nay, dự kiến năm 2013, huyện Phong Điền sẽ cùng quận Ninh Kiều là 2 đơn vị đầu tiên hoàn thành phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi đầu tiên ở TP Cần Thơ. Huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ cũng được quan tâm đầu tư xây trường MN. Nếu như trước đây, người dân Thới Đông, huyện Cờ Đỏ mong ước có một trường MN đàng hoàng cho con em mình học tập, thì nay trên địa bàn xã Thới Đông có đến 2 trường MN đạt chuẩn quốc gia. Ông Trần Ngọc Nghị, Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Toàn huyện Cờ Đỏ hiện có 6 trường MN đạt chuẩn quốc gia. Đây là điều kiện thuận lợi để thu hút trẻ tới trường”.

Nhờ triển khai thực hiện phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi mà nhiều xã vùng sâu có được trường MN mới. Chị Lê Hồng Thắm, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, nói: “Con tôi học ở điểm trường ấp Trường Thắng, rất khang trang. Nhưng nếu vợ chồng tôi mua được xe máy, tôi sẽ chở con ra học bán trú ở Trường MN Trường Long A đạt chuẩn quốc gia ở ngoài xã. Trường này đẹp và rộng nên chắc học sẽ tốt hơn”. Trường lớn, đạt chuẩn sẽ có nhiều đồ chơi và sạch sẽ, thoáng mát, thu hút nhiều trẻ tới trường. Anh Thạch Sơn, Chủ tịch UBND xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long chia sẻ: “Loan Mỹ là một trong những xã nghèo của tỉnh, nhưng chúng tôi nghĩ MN là bậc học nền tảng để phát triển giáo dục của học sinh nên Loan Mỹ có trường MN đạt chuẩn quốc gia sớm hơn các bậc học khác”.

Sau hơn 2 năm triển khai phổ cập MN, mỗi tỉnh, thành ở ĐBSCL đã có hàng chục trường MN được xây dựng mới, hàng ngàn phòng học xây mới, nâng cấp được đưa vào sử dụng. Không chỉ vậy, các tỉnh, thành trong vùng cũng quan tâm xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, TP Cần Thơ có 25 trường đạt chuẩn quốc gia, tỉnh Vĩnh Long có 15 trường đạt chuẩn quốc gia…

* Chất lượng giáo viên được nâng lên

Cùng với những đổi thay về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên mầm non không ngừng được nâng cao về chất lượng, phát triển về số lượng. Sau một thời gian công tác tại Trường Mầm non thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, cô Kiên Thị Vân Anh được học đại học mầm non. Cô Vân Anh cho biết: “Tôi đã tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non nhưng bản thân thấy cần nâng cao trình độ bản thân để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới nên xin trường cho đi học. Mình càng nâng cao trình độ thì chăm sóc giáo dục trẻ sẽ tốt hơn”. Trường hợp giáo viên vừa công tác, vừa học tập nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu cao của chương trình giáo dục mầm non như cô Vân Anh hiện rất nhiều tại TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung. Theo bà Thiều Thị Kim Chi, Trưởng Phòng MN, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, song song với việc mở các lớp đào tạo mới, ngành giáo dục thành phố cũng đang phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều lớp chuẩn hóa, nâng chuẩn để giáo viên MN có điều kiện học tập nâng cao trình độ. Bà Trương Thị Triều, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai, quận Ô Môn, TP Cần Thơ nhớ lại: “Hơn 20 năm trước, số lượng giáo viên của trường đạt chuẩn rất ít. Trước yêu cầu nâng cao trình độ của giáo viên và yêu cầu của ngành giáo dục, trường đã tạo mọi điều kiện, choàng gánh công việc lẫn nhau để giáo viên an tâm học tập. Đến nay, tất cả giáo viên của trường đều đạt và đặc biệt trong năm học này, trên 50% giáo viên của trường vượt chuẩn”. TP Cần Thơ hiện có 93% giáo viên MN đạt và vượt chuẩn. Còn tại tỉnh Hậu Giang, 99,68% giáo viên đạt chuẩn, trong đó, có 72,71% giáo viên MN vượt chuẩn. Ở Trà Vinh, giáo viên MN đạt và vượt chuẩn khoảng 90%. Tại tỉnh Vĩnh Long, con số này là trên 99%...

Không riêng TP Cần Thơ mà hầu hết các tỉnh, thành ở ĐBSCL đều có chuyển biến lớn về đội ngũ giáo viên MN. Một cán bộ quản lý giáo dục chia sẻ với chúng tôi rằng, trước đây, muốn tìm một giáo viên MN có trình độ đại học để bổ nhiệm làm hiệu trưởng là điều không dễ dàng. Bây giờ, nhiều giáo viên đạt yêu cầu về chuyên môn nên các phòng giáo dục có thể chọn người có đức, tài và phù hợp với địa phương. Bà Đào Thị Hồng Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Hơn 30 năm công tác, tôi mới thấy bậc học MN có sự thay đổi lớn về nhân lực như thế. Giáo viên hăng hái học tập nâng cao trình độ, tạo nên sự chuyển biến về chất lượng trong đội ngũ cán bộ, giáo viên của bậc học này”. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số tỉnh, thành ở ĐBSCL có tỷ lệ giáo viên MN vượt chuẩn cao trên dưới 50%, như: tỉnh Bạc Liêu: 60%, tỉnh Đồng Tháp: trên 55%...

Rõ ràng, bậc học nền tảng đã được chứng nhận vai trò quan trọng của mình trong tiến trình phát triển giáo dục chung. Mừng là vậy nhưng nhìn vào tiến độ phổ cập và thực tế ở một số địa phương hiện nay thì vẫn còn nỗi lo canh cánh.

Bài, ảnh: HÀ THANH

Bài 2: Vẫn còn nhiều bất cập

Chia sẻ bài viết