01/07/2012 - 08:17

Nhiều ý nghĩa của năm đầu tiên phát động Phong trào "Vệ sinh yêu nước"

Năm 2012 là năm đầu tiên ngành Y tế phát động phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Nam Chính, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương (nơi Bác Hồ đã về nói chuyện với đồng bào, thăm giếng nước, công trình vệ sinh và phát động phong trào vệ sinh). Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định lấy ngày 2-7 hàng năm là “Ngày vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân”. Đây là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, từng gia đình và toàn xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của các hoạt động vệ sinh đối với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người dân, mỗi gia đình đối với sự phát triển bền vững của đất nước, dân tộc Việt Nam.

Khởi nguồn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm về “Vệ sinh yêu nước”

Ngay từ năm 1945, khi bắt đầu thành lập nước đến khi Bác qua đời, Bác đã có nhiều bài nói chuyện, bài viết về công tác y tế, trong đó có nhiều bài viết về vấn đề vệ sinh phòng bệnh. Công tác vệ sinh phòng bệnh luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là một trong những công việc quan trọng nhất trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Bác Hồ đã đưa vấn đề vệ sinh phòng bệnh vào phong trào “Vệ sinh yêu nước” và thường xuyên nhắc nhở toàn dân phải giữ gìn vệ sinh. Bác đã nói: “Mọi người từ già trẻ, trai gái đã là người yêu nước đều phải quan tâm đến vấn đề vệ sinh, giữ gìn sức khỏe”. Trong 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng, Bác cũng đã dành một điều để nhắc nhở các cháu học sinh đó là phải “Giữ gìn vệ sinh thật tốt”. Bác cũng đã đưa ra quan điểm “Phòng bệnh hơn trị bệnh” và đặc biệt quan tâm đến những vấn đề rất nhỏ về vệ sinh môi trường như đảm bảo nước sạch, diệt ruồi, diệt muỗi... Để triển khai tốt các hoạt động về vệ sinh phòng bệnh, ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, Bác cũng đã quán triệt việc phát động phong trào tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng, dựa vào quần chúng để thực hiện. Đặc biệt, ngày 2-7-1958, Bác Hồ đã có bài viết về “Vệ sinh yêu nước” đăng trên báo Nhân dân số 1572 nhằm kêu gọi toàn thể người dân tích cực tham gia các hoạt động về vệ sinh phòng bệnh.

Ngày 15-2-1965, thăm xã Nam Chính, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn nhân dân thực hiện nếp sống mới, đào nhiều giếng để có nước sạch. 

Bộ Y tế cho biết: Triển khai Phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân trong thời điểm hiện nay không chỉ nhằm hưởng ứng lời kêu gọi về “Vệ sinh yêu nước” của Bác mà còn có ý nghĩa sâu sắc đối với việc hưởng ứng Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Chương trình xây dựng nông thôn mới do Bộ Chính trị phát động. Phong trào sẽ được triển khai hàng năm và cần có điểm nhấn. Chính vì vậy, Bộ Y tế đã đề xuất và trình Chính phủ cho phép lấy ngày 2-7 hàng năm là “Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân”

Vệ sinh phòng bệnh gắn với xây dựng nông thôn mới

Trong thời gian qua, trên cơ sở tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ngành y tế đã vận dụng một cách sáng tạo, khoa học, phù hợp với thực tiễn để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là công tác vệ sinh phòng bệnh góp phần làm tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Ngay từ năm 1945, vệ sinh phòng bệnh đã được ngành y tế coi là nhiệm vụ hàng đầu, trong đó trọng tâm là công tác tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh. Bộ Y tế đã thành lập Nha y tế thôn quê để đẩy mạnh việc truyền bá vệ sinh và tân y học; bước đầu hình thành mạng lưới triển khai công tác tuyên truyền cho người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh. Trong 10 năm (1954 - 1963), mạng lưới vệ sinh phòng dịch đã được tổ chức một cách có hệ thống với các Trạm vệ sinh phòng dịch tại các tỉnh, thành trên toàn miền Bắc; hoạt động vệ sinh phòng chống dịch bệnh đã góp phần đổi mới nông thôn và thành thị miền Bắc, tiêu biểu là đã thanh toán được bệnh đậu mùa, dịch tả và bệnh đường ruột giảm gần 50%. Các dịch tiêu chảy, lỵ, thương hàn, mắt hột cũng giảm hẳn. Ngay sau ngày giải phóng miền Nam, Bộ Y tế quyết định thành lập mạng lưới vệ sinh phòng dịch cho các tỉnh phía Nam. Nhờ vậy các đơn vị vệ sinh phòng bệnh đã được hình thành và phát triển mạnh mẽ trên phạm vi cả nước từ Trung ương tới tận thôn, bản, được thay đổi cả về lượng và chất. Trong thời kỳ này, nhất là những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm tới công tác y tế dự phòng nói chung và lĩnh vực vệ sinh nói riêng. Chính phủ đã ban hành Chiến lược Chăm sóc và Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Chiến lược Quốc gia về y tế dự phòng, Chiến lược Quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2020; đồng thời các chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch, phòng chống bệnh nghề nghiệp và nhiều chương trình dự án khác trong đó có những hoạt động liên quan thúc đẩy công tác vệ sinh đã được phê duyệt. Các tiêu chí về vệ sinh cũng được đưa vào các nội dung chỉ đạo của Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và gần đây nhất là Chương trình xây dựng nông thôn mới...

Tuy vậy, trong thời gian tới, công tác vệ sinh phòng bệnh ở nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tại Việt Nam, hiện nay môi trường ở nhiều nơi bị ô nhiễm trầm trọng bởi các chất thải trong sinh hoạt và sản xuất, phát triển kinh tế như: Ô nhiễm môi trường ở khu công nghiệp, làng nghề, bãi rác, chợ, ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật dùng trong nông nghiệp, do chất thải chăn nuôi, chất thải của con người... Tình trạng ô nhiễm này đã tác động không nhỏ đến sức khỏe của mỗi người dân. Tuy nhiên trên thực tế, ý thức vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường của người dân hiện vẫn còn hạn chế. Nhiều hành vi vệ sinh cá nhân có lợi cho sức khỏe chưa được thực hiện thường xuyên. Chính vì vậy, công tác phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam đang phải vừa giải quyết những dịch bệnh mới phát sinh, vừa phải chiến đấu với bệnh cũ đang có xu hướng quay trở lại như bệnh lây theo đường tiêu hóa, hô hấp, bệnh không lây nhiễm gia tăng...

Hưởng ứng Phong trào bằng những việc làm cụ thể, thiết thực

Bộ Y tế sẽ tổ chức lễ phát động Phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” tại tỉnh Hải Dương vào ngày Chủ nhật (1-7); trong đó nội dung yêu nước bao gồm: Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường tự nhiên, vệ sinh môi trường lao động và vệ sinh môi trường sinh hoạt liên quan tới sức khỏe (như rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, vệ sinh thân thể, sử dụng nước sạch, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, xây dựng nhà tắm, vệ sinh an toàn thực phẩm...).

Phong trào nhằm tập trung triển khai các hoạt động tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về các vấn đề như: Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh trong lao động; vận động người dân đặc biệt là khu vực nông thôn xây dựng các công trình vệ sinh như hố xí, nhà tắm, giếng nước, giữ gìn vệ sinh chuồng trại, không vứt rác bừa bãi, thực hiện “ba sạch, ba diệt”, rửa tay với xà phòng... để không chỉ phòng chống dịch bệnh mà còn giúp người dân được sống và làm việc trong môi trường trong lành hơn. Cùng với lễ phát động được tổ chức tại Hải Dương, ngành y tế sẽ phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố Hà Nam, Thừa Thiên - Huế và Cần Thơ, đại diện cho 3 miền, tổ chức lễ phát động hưởng ứng phong trào.

PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết: Trong giai đoạn hiện nay, phong trào cần được lồng ghép các nội dung hoạt động của các phong trào và chương trình khác như: Xây dựng nông thôn mới, Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, Chương trình môi trường quốc gia (nước sạch vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch...)... trong đó có những hoạt động liên quan đến thúc đẩy công tác vệ sinh đã được phê duyệt. Phát động Phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân nhằm huy động các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân tham gia. Điều quan trọng nhất là biến phong trào thành những việc làm cụ thể ở mỗi địa phương, đơn vị, làng xã và gia đình.

THU PHƯƠNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết