02/03/2013 - 18:42

Góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Nhiều ý kiến tâm huyết, cụ thể

* Trường Đại học Cần Thơ: Lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

(TTXVN-CT)- Ngày 1-3, Hội nghị góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tiếp tục diễn ra tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Nhiều ý kiến tâm huyết xung quanh các vấn đề cần sửa đổi đã được tập hợp, góp phần hoàn thiện dự thảo Hiến pháp (sửa đổi).

* Đề xuất thành lập Ủy ban hành chính

Hội thảo đóng góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức tập trung vào nội dung chuyên đề "chính quyền địa phương" với sự tham dự của các sở, ban, ngành và các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Đại biểu các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Phúc Thọ… đều chung ý kiến cho rằng tên gọi UBND chưa thể hiện chính xác và đầy đủ tính chất, đặc điểm của cơ quan hành chính địa phương, vì vậy đề nghị dự thảo nên đổi UBND thành Ủy ban hành chính và hoạt động theo chế độ thủ trưởng.

Liên quan tới khoản 2 điều 116, nhiều ý kiến cho rằng các quy định về UBND tại dự thảo Hiến pháp đã được rút gọn quá ngắn, không làm rõ chức năng, nhiệm vụ, vai trò của UBND các cấp trong khi đó điều 124 của Hiến pháp năm 1992 đã quy định rất rõ, không nên thay đổi. Cũng có ý kiến cho rằng, quy định "HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương" trong dự thảo là chưa phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của HĐND hiện nay. Trên thực tế, HĐND hiện nay đang thiếu "cây gậy" cho hoạt động của mình, không có thực quyền, nếu để HĐND đại diện cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương thì cần sửa đổi luật HĐND và sớm tăng thêm quyền cho cơ quan này...Các ý kiến đóng góp đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tại cuộc hội thảo này sẽ được Sở Tư pháp Hà Nội tổng hợp cùng với những góp ý khác của các sở, ban, ngành và ý kiến của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố. * Khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam, chủ quyền Quốc gia, quyền lực tối cao của Nhân dân

Tại nhiều Hội nghị diễn ra ở các tỉnh như Tây Ninh, Nghệ An, Đắk Lắk, Đồng Nai, An Giang ... nhiều ý kiến cụ thể tiếp tục khẳng định vai trò to lớn, lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định chủ quyền quốc gia, khẳng định quyền lực tối cao của nhân dân.

Ông Nguyễn Tuấn Phương - Trưởng phòng Tư pháp huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) đề nghị ở chương Chế độ Chính trị nên thống nhất điều 1 và điều 11 của Dự thảo, vì nội dung hai điều này đều khẳng định độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Về Quyền cơ bản của công dân nên qui định rõ ràng hơn ở Điều 21 Mọi người đều có quyền sống, đề nghị bổ sung tiếp theo "Quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc" như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói.

Khẳng định quyền con người là tối cao bởi mục tiêu của cách mạng cũng là vì con người "Mọi người đều có quyền sống, phát triển toàn diện và quyền mưu cầu hạnh phúc". Các đại biểu cho rằng, bổ sung điều 21 "Mọi người có quyền sống" là đúng và cần thiết nhưng cần cụ thể hơn, rõ hơn, nếu không sẽ gây khó cho Bộ luật hình sự. Theo đó, Bộ luật hình sự khi ban hành sau này sẽ không thể đưa ra án tử hình, đồng thời tránh bị xuyên tạc. Đồng thời, cần bổ sung thêm quyền bảo vệ nhân phẩm của cá nhân vào điều 23. Bà Lê Thị Cẩm Hân - Chuyên viên pháp lý của Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho rằng trong điều 21 của bản dự thảo ghi "mọi người đều có quyền sống" là còn chung chung mà cần làm rõ ở đây mọi người có quyền sống như thế nào, vì đây là điều mới so với Hiến pháp năm 1992.

Nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã có nhiều điểm cơ bản, đi vào thực tế cuộc sống xã hội. Đặc biệt, nhiều đại biểu khá tâm đắc đối với việc sắp xếp thứ tự các chương, trong đó chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được coi trọng hơn trước.

Luật sư Chu Đức Lưu - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk cho rằng nên sửa phần 1 của Điều 2. Ông đề nghị lấy toàn bộ Điều 6 của Dự thảo chuyển sang lắp vào điều này và viết lại thành: "Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước". * Khẳng định vị trí của MTTQ, các đoàn thể trong cơ cấu quyền lực của Hệ thống chính trị.

Nhiều ý kiến cho rằng nên khẳng định Nhà nước "Có trách nhiệm" thay vì "tạo điều kiện" cho các thành viên và các đoàn thể khác hoạt động như Hiến pháp đã qui định tại Điều 9. Liên quan trực tiếp đến phạm vi, lĩnh vực hoạt động của MTTQ Việt Nam, phần lớn các ý kiến tập trung vào Điều 9 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp liên quan đến vị trí của Mặt trận trong hệ thống chính trị. Một số ý kiến cho rằng nên tách thành điều khoản riêng về nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận. Đặc biệt, tại Khoản 3 Điều 9, các đại biểu đề nghị thay cụm từ "nhà nước tạo điều kiện" bằng cụm từ " nhà nước có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu" để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động. Bên cạnh đó, quyền lực Nhà nước còn là "nền tảng" liên minh công - nông nhưng nền tảng trong qui định này còn thiếu sót, đề nghị bổ sung 2 Điều về "Nông dân và đội ngũ tri thức".

Ông Nguyễn Minh Khuyên - Nguyên Trưởng ban dân Vận Tỉnh ủy An Giang góp ý: Tại Điều 6 về dân chủ trực tiếp, Hiến pháp không qui định vai trò của Mặt trận là thiếu sót; các đoàn thể là cơ quan đại diện trực tiếp cho nhân dân, là cơ sở của chính quyền công - nông và tất cả xã hội đều liên quan đến Mặt trận và các đoàn thể nên cần phải khẳng định vị trí của Mặt trận, các đoàn thể trong cơ cấu quyền lực của hệ thống chính trị, khẳng định Nhà nước "Có trách nhiệm" thay vì "tạo điều kiện" cho các thành viên và các đoàn thể khác hoạt động như Hiến pháp đã qui định tại Điều 9.

Cũng về nội dung góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp sửa đổi, ông Nguyễn Hữu Khánh - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang cho rằng, điều mong muốn hiện nay của nhân dân là Đảng, Nhà nước phải đổi mới, bộ máy quản lý hiện cồng kềnh, còn chồng chéo giữa Đảng và Nhà nước, đồng thời nâng cao quyền cho Chính phủ và các Bộ phải có quyền "triệu tập", có "quyền cách chức, bổ nhiệm" cấp dưới chứ không bảo thủ "kiến nghị" hay " phê chuẩn" như Hiến pháp đã qui định và không phân biệt dân tộc "thiểu số, đa số", "ưu tiên tạo điều kiện" cho phụ nữ, nam giới... mà phải bình đẳng các thành phần trong xã hội.

* Ngày 2-3-2013, Ban giám hiệu và Ban Thường vụ Đảng ủy Trường Đại học Cần Thơ triển khai tổ chức Lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho các cán bộ chủ chốt của trường.

Tại hội nghị, các chuyên gia đã thuyết trình về DTSĐHP năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực về DTSĐHP năm 1992 như: cần giải thích rõ những thuật ngữ trong nội dung Dự thảo Hiến pháp để mọi người đều có một cách hiểu thống nhất; tại khoản 2 Điều 39 nên sửa lại là Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của cha, mẹ và trẻ em thì mới đầy đủ và tương ứng với quy định tại khoản 1; nên xem lại quy định tại Điều 42 về quyền và nghĩa vụ học tập của công dân cần quy định thêm ở bậc học nào thì không phải trả học phí như quy định của các bản Hiến pháp trước đây; tại Điều 13 nên quy định rõ kích cỡ của ngôi sao để tương ứng với chiều rộng và chiều dài của quốc kỳ; Điều 50 nên quy định cụ thể hơn rằng mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật để làm rõ đối tượng nộp thuế và số thuế phải nộp; tại khoản 3 Điều 66 nên thêm là "Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho mọi người học tập để phát triển tài năng" để làm rõ hơn đối tượng được Nhà nước tạo điều kiện học tập và phát triển; nên thay cụm từ "ứng phó" bằng cụm từ "thích ứng" tại khoản 2 Điều 68 sẽ thích hợp hơn; tại Điều 120 cần quy định cụ thể hơn quyền hạn của Hội đồng Hiến pháp…

Cũng tại hội nghị, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) như: về vấn đề thu hồi đất, nhưng khi thực hiện công tác thu hồi thiệt hại xảy ra không chỉ liên quan đến đất mà còn liên quan đến công trình xây dựng gắn liền với đất, cây trồng, vật nuôi nên đối tượng điều chỉnh và phạm vi điều chỉnh đã vượt qua phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai. Do đó, nên xây dựng một đạo luật riêng liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Nên quy định cụ thể thế nào là "đất hoang hóa" và ai là người có thẩm quyền xác định đất đó là đất hoang hóa và tiêu chí như thế nào để tránh tình trạng hiểu sai lệch về vấn đề này…

Nhóm PV-P.N

Chia sẻ bài viết