26/01/2022 - 19:18

Nhiều ý kiến hữu ích cho phát triển thành phố trong năm mới 

Bài, ảnh: LỆ THU

Ngày 26-1, tại buổi họp mặt nhà khoa học, trí thức tiêu biểu xuân Nhâm Dần 2022 do Thành ủy, HÐND, UBND TP Cần Thơ tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến, đã có nhiều ý kiến đóng góp hữu ích để phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong năm mới. Lãnh đạo thành phố đã lắng nghe, ghi nhận; đồng thời bày tỏ sự tri ân, trân trọng với sự đóng góp tích cực của các nhà khoa học, trí thức.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, trao Bằng khen tôn vinh 23 nhà khoa học, trí thức tiêu biểu TP Cần Thơ năm 2021.

Buổi họp mặt có chủ đề “Ðẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất lao động”. Ðến dự có lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố cùng hơn 200 đại biểu, trong đó 150 đại biểu đại diện các nhà khoa học, trí thức.

Tại sự kiện, các đại biểu nghe báo cáo tổng hợp hoạt động ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất lao động của thành phố năm 2021; tham quan triển lãm trực tuyến với hơn 15 gian hàng giới thiệu các giải pháp công nghệ, thiết bị, sản phẩm khoa học và công nghệ (KH&CN) tiêu biểu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống dịch qua nền tảng www.khoahoccantho.vn. Lãnh đạo thành phố trao Bằng khen 4 tập thể Ban chủ nhiệm nhiệm vụ KH&CN cấp thành phố được đánh giá xếp loại xuất sắc trong năm 2021; trao Bằng khen tôn vinh 23 nhà khoa học, trí thức tiêu biểu TP Cần Thơ năm 2021. Ðặc biệt, phần đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, trí thức về hoạt động KH&CN; các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt cho phát triển kinh tế - xã hội TP Cần Thơ trong tình hình mới… diễn ra sôi nổi, thiết thực.

GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đánh giá cao sự vào cuộc của ngành KH&CN của TP Cần Thơ từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Thành phố đã đầu tư, nghiên cứu, cho ra đời bộ kit xét nghiệm COVID-19. Lãnh đạo Thành ủy, UBND và Sở KH&CN thường xuyên liên hệ, trao đổi với Viện Pasteur để xử lý kịp thời, hiệu quả với các trường hợp nhiễm bệnh, công tác phòng, chống dịch. Công tác phòng, chống dịch của Cần Thơ phù hợp với diễn biến thực tế của dịch bệnh, vừa tạo động lực phát triển kinh tế, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Theo PGS.TS Trần Ðắc Phu, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế Việt Nam, chính quyền TP Cần Thơ cần tăng cường tiêm vaccine mũi 3 kết hợp 5K; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho ngành Y tế, hạn chế tình trạng quá tải, đáp ứng nhu cầu điều trị F0. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ bản thân, phòng, chống dịch. Khi thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, cần sự đồng bộ trong các hoạt động, các giải pháp phù hợp với tình hình
địa phương.

PGS.TS Nguyễn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ, thông tin về sự phối hợp của nhà trường với thành phố trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế. Thời gian tới, Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ xây dựng định hướng nghiên cứu khoa học giai đoạn 2020-2025, ưu tiên cho các nghiên cứu chuyển giao công nghệ, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào đời sống, phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân; nâng cao ứng dụng công nghệ sinh học và tin học trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Phát triển đồng bộ các hoạt động nghiên cứu khoa học trên tất cả các lĩnh vực y tế; phấn đấu đưa Trường trở thành Trung tâm chuyển giao công nghệ, nghiên cứu y - sinh - dược học vùng ÐBSCL.

Bàn về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Cần Thơ, GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Ðại học Cần Thơ, đánh giá các hoạt động đã lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên, thanh niên và các doanh nghiệp. Ðể đẩy mạnh các hoạt động sâu rộng hơn, TP Cần Thơ cần xây dựng cơ chế rõ ràng và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, viện, trường. Tận dụng cơ chế dành riêng cho TP Cần Thơ vừa được ban hành; xây dựng quỹ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Cần gắn chương trình đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp với các chương trình quốc gia; có đội ngũ quản lý có năng lực, tâm huyết và đội ngũ khởi nghiệp năng động, tích cực, có khát vọng, hoài bão. Mặt khác, thành phố xây dựng thị trường KH&CN để giới thiệu, chuyển giao các sản phẩm, nghiên cứu khoa học đến khách hàng có nhu cầu. Hiện Trường Ðại học Cần Thơ đang phối hợp với Viện lúa ÐBSCL và Viện Cây ăn quả miền Nam cùng 13 tỉnh, thành ÐBSCL xây dựng cơ sở dữ liệu KH&CN để phục vụ thị trường KH&CN, sự phát triển của doanh nghiệp.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, tiếp thu và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, trí thức; đồng thời tin tưởng đội ngũ trí thức, nhà khoa học sẽ không ngừng nghiên cứu, tăng cường trao đổi, phổ biến kiến thức; ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ mục tiêu phát triển cộng đồng, phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng nền KH&CN hiện đại và hội nhập. Qua đó, phát huy tiềm năng, thế mạnh của thành phố về lĩnh vực KH&CN, từng bước tiến tới vai trò trung tâm KH&CN vùng ÐBSCL.

Chia sẻ bài viết