12/11/2010 - 08:50

KỲ HỌP THỨ 8, QUỐC HỘI KHÓA XII:

Nhiều ý kiến góp ý vào việc thực hiện công trình Nhà máy lọc dầu Dung Quất

* Tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo

(TTXVN)- Sáng 11-11-2010, Quốc hội làm việc tại tổ, cho ý kiến vào dự thảo Luật Đo lường và việc thực hiện công trình quan trọng quốc gia Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Đa số ý kiến đại biểu đồng tình với sự cần thiết phải ban hành Luật Đo lường trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển đất nước. Các đại biểu Hà Thanh Toàn (Cần Thơ), Nguyễn Văn Phát (Thanh Hóa) và nhiều đại biểu cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách, pháp luật về đo lường, hệ thống đo lường đã bộc lộ một số bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Vì vậy, việc ban hành Luật Đo lường không chỉ tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, bảo đảm công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng mà còn đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

Góp ý vào trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động đo lường, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng cần phát huy cao độ vai trò của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức xã hội nghề nghiệp; đề nghị bổ sung quy định Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm hỗ trợ các tổ chức trên trong công tác này. Về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, một số đại biểu cho rằng, hoạt động đo lường chủ yếu diễn ra ở cấp cơ sở, tại các chợ, cửa hàng nhỏ, lẻ, trong khi đó Luật chỉ nói đến trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đề nghị bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về đo lường của UBND cấp huyện, xã.

Cùng với đóng góp cho dự thảo Luật Đo lường, đa số đại biểu đồng tình với nhận định của Báo cáo thẩm tra việc kết thúc xây dựng và đưa vào vận hành công trình quan trọng quốc gia Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất, cho rằng chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất là đúng đắn, thể hiện tầm nhìn và quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước trong chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế miền Trung nói riêng và góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung. Công trình Nhà máy lọc dầu Dung Quất tại tỉnh Quảng Ngãi đã và đang đem lại tác động tích cực về kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng, đánh dấu sự trưởng thành của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam.

Các đại biểu cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của Dự án, trong đó có việc chậm tiến độ 9 năm so với Nghị quyết số 07/1997/QH10 của Quốc hội khóa X. Dù nhà máy đã đưa vào hoạt động với 100% công suất nhưng vẫn còn một số tồn tại nhỏ về kỹ thuật, công tác di dân, tái định cư, bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn cần được quan tâm tiếp tục xử lý...

Nhiều đại biểu đánh giá: Nhà máy lọc dầu Dung Quất là công trình quan trọng Quốc gia, có ý nghĩa xã hội rất lớn vì đã tạo điều kiện giải quyết việc làm cho khoảng 1.400 lao động trực tiếp trong Nhà máy và hàng vạn lao động trong các ngành công nghiệp và phụ trợ khác; đào tạo được đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư, công nhân vận hành có năng lực, kinh nghiệm... Các đại biểu Nguyễn Văn Thời (Thái Nguyên), Hà Thanh Toàn (Cần Thơ) và một số đại biểu đề nghị cung cấp công khai những số liệu cụ thể để chứng minh được hiệu quả kinh tế lâu dài của công trình và rút kinh nghiệm cho các dự án lớn sau này. Đại biểu Hà Thanh Toàn cho rằng cần rút kinh nghiệm trong công tác dự báo, dự toán cho sát thực tế hơn, bởi theo quyết toán của Nhà máy cho thấy, các dự báo, dự toán của đều không sát thực tế, gấp nhiều lần so với quyết toán sau cùng...

* Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận dự án Luật Tố cáo.

Ý kiến của đa số đại biểu tán thành với chủ trương cần có Luật Tố cáo để thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác giải quyết tố cáo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc xây dựng Luật Tố cáo cần đáp ứng được hai yêu cầu cơ bản là: bảo đảm cho công dân có thể thực hiện quyền tố cáo một cách đơn giản, thuận tiện và cơ chế giải quyết tố cáo phải công khai, minh bạch, hiệu quả.

Thảo luận về chủ thể tố cáo, đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi, Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) và một số ý kiến khác tán thành chủ thể tố cáo là công dân như quy định trong Hiến pháp và Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành, vì tố cáo là hành vi làm phát sinh những hậu quả pháp lý và trách nhiệm gắn với cá nhân (như trách nhiệm hình sự đối với trường hợp vu khống, bịa đặt (điều 122 - Bộ luật Hình sự). Vì vậy, không thể quy định chủ thể tố cáo là tổ chức. Điều này cũng phù hợp với chính sách hình sự của Nhà nước ta đã được quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành là cá thể hóa trách nhiệm hình sự, không quy định tổ chức là chủ thể của tội phạm.

Trao đổi về nội dung đơn thư tố cáo không nêu rõ họ tên, địa chỉ, đại biểu Chu Sơn Hà, Nguyễn Phạm Ý Nhi (Hà Nội) và một số ý kiến khác đồng quan điểm không nên thừa nhận đơn thư nặc danh. Đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi lập luận, tố cáo không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của công dân đối với xã hội và Nhà nước. Quy định người tố cáo phải nêu rõ họ tên, địa chỉ nhằm mục đích nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện quyền tố cáo. Đại biểu Chu Sơn Hà nêu thực tế, số lượng các tố cáo không ghi rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo hay còn gọi là tố cáo “nặc danh” thường tăng vào những thời điểm nhạy cảm như chuẩn bị bầu cử, bổ nhiệm, sắp xếp nhân sự. Bên cạnh những trường hợp mang tính xây dựng, tích cực thì cũng có không ít người lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo sai sự thật, gây mất đoàn kết nội bộ, tốn kém cả thời gian và tiền bạc cho các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong việc xem xét, giải quyết...

Xung quanh nội dung về các hình thức tố cáo (điều 23) dự thảo Luật quy định các hình thức tố cáo bao gồm: tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo hoặc bản ghi lời tố cáo, tố cáo bằng điện thoại, thư điện tử, fax, đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) tán thành với ý kiến của Ủy ban Pháp luật nhận định, bên cạnh các hình thức tố cáo truyền thống như hình thức tố cáo trực tiếp hoặc tố cáo qua đơn, thư thì cần mở rộng đối với các hình thức tố cáo bằng điện thoại, thư điện tử, fax. Việc mở rộng các hình thức tố cáo là phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ thông tin hiện nay và cũng thống nhất với quy định trong Luật phòng, chống tham nhũng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền tố cáo của mình. Đại biểu Quang Hải đề nghị cần quy định rõ, nếu tố cáo bằng điện thoại phải được ghi âm, sau đó phải được chuyển tải thành văn bản và vào sổ cụ thể để làm chứng cứ.

Về bảo vệ người tố cáo (chương V), các đại biểu đều cho rằng đây là những nội dung rất quan trọng nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người tố cáo. Tuy nhiên, các quy định về bảo vệ người tố cáo trong dự thảo Luật vẫn chung chung, còn mang tính nguyên tắc, thiếu cơ chế thực hiện và chưa có các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thời hạn bảo vệ người tố cáo để có thể thực hiện trên thực tiễn. Vì vậy, cần được nghiên cứu để quy định chi tiết hơn, như: cần xác định về cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ; thứ tự ưu tiên bảo vệ. Bên cạnh đó, cũng cần có quy định về bảo vệ các quyền lợi về chính trị, kinh tế, việc làm, bảo vệ uy tín cho người tố cáo. Đồng thời, cần nghiên cứu quy định cơ chế, biện pháp bảo vệ cả những người bị tố cáo, đảm bảo khôi phục danh dự, quyền và lợi ích của họ trong trường hợp bị tố cáo sai.

Chia sẻ bài viết