18/05/2009 - 20:47

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ĐBSCL

Nhiều tín hiệu lạc quan

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tuy nổi tiếng là vựa lúa của cả nước nhưng lại là “vùng trũng” nhiều mặt. Để vực dậy ĐBSCL, có nhiều việc phải làm, trong đó, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cần được quan tâm đặc biệt. Đề án “Đào tạo 1.000 cán bộ khoa học kỹ thuật sau đại học ở nước ngoài cho 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL” (gọi tắt là Chương trình Mekong 1.000), do Trường Đại học Cần Thơ chủ trì, thực hiện từ năm 2005 đến năm 2015, nhằm hướng đến mục tiêu này. Chương trình khởi động khá khó khăn nhưng sau 3 năm triển khai, đã có nhiều tín hiệu lạc quan…

Những bước tiến đáng kể...

Theo đánh giá Ban Chỉ đạo Chương trình Mekong 1.000, trong 3 năm qua chương trình có những bước tiến đáng kể, góp phần tạo được tiếng nói chung trong cộng đồng giáo dục ĐBSCL. 13 tỉnh, thành ĐBSCL đều hưởng ứng tích cực chương trình này. Trong quá trình thực hiện, một số địa phương có khả năng hoàn thành chỉ tiêu trước thời hạn.

Trong các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ là đơn vị tiên phong và có số lượng ứng viên tham gia đông nhất. Đề án Cần Thơ-150 được triển khai từ cuối năm 2005, là một trong những đề án có tiến độ thực hiện nhanh nhất. Tính đến nay, đề án đã tuyển chọn được 186 ứng viên thuộc các lĩnh vực: kinh tế, khoa học, năng lượng, điện tử, tự động hóa, giao thông, thủy lợi, nông- thủy sản... Trong đó, có 66 ứng viên đang học tập tại những nước có trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến như: Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Hà Lan... Sau 3 năm triển khai, đã có 8 ứng viên tốt nghiệp thạc sĩ trở về và được phân công công tác phù hợp với chuyên môn đào tạo tại các sở ngành, đơn vị sự nghiệp; 1 ứng viên học tiếp chương trình tiến sĩ do Trường Đại học Delf (Hà Lan) cấp học bổng. Năm 2009, dự kiến TP Cần Thơ sẽ có 48 ứng viên tốt nghiệp thạc sĩ ở nước ngoài trở về; trong đó, có 2- 5 trường hợp nhận được học bổng học tiếp lên tiến sĩ. Với tiến độ này, Cần Thơ có khả năng hoàn thành chỉ tiêu của Đề án Cần Thơ- 150 vào năm 2010, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch. Ông Tô Minh Giới, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Trưởng Ban Điều hành thực hiện đề án Cần Thơ-150, cho biết: “Đề án tiến triển nhanh là nhờ sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên và cụ thể của Thành ủy, UBND thành phố về mọi mặt; sự phối hợp tạo điều kiện thuận lợi của các cơ quan ban ngành; đặc biệt là sự hỗ trợ tích cực, nhiệt tình của Trường Đại học Cần Thơ”.

 Lễ tiễn ứng viên đi học nước ngoài theo Đề án Cần Thơ - 150. Ảnh: L.G

Theo đánh giá của Trường Đại học Cần Thơ, Đề án đào tạo cán bộ sau đại học giai đoạn 2006- 2015 của tỉnh Sóc Trăng (còn gọi là Đề án Sóc Trăng-150) có tiến độ thực hiện nhanh, chất lượng khá. Tỉnh Sóc Trăng đã xét duyệt được 128 hồ sơ; Chủ tịch UBND tỉnh quyết định cử đi học 86 trường hợp, trong đó có 66 người được đào tạo trong nước và 20 người được đào tạo ngoài nước. Sóc Trăng cũng đã có 1 ứng viên tốt nghiệp thạc sĩ ở nước ngoài trở về và được phân công công tác phù hợp. Ông Lê Văn Cần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Tỉnh đang soạn thảo qui chế “sử dụng” các ứng viên tốt nghiệp trở về để có sự phân công phù hợp, tạo điều kiện cho ứng viên cống hiến sau khi học tập”.

Mặc dù mang tên là Chương trình Mekong 1.000, nhưng ước tính khi kết thúc chương trình sẽ có 1.085 thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài. Xu hướng của các đơn vị là tập trung đào tạo thạc sĩ (877 ứng viên, chiếm 80,9% tổng nguồn đào tạo), đào tạo tiến sĩ ở mức thấp hơn (208 ứng viên, chiếm 19,1% tổng nguồn đào tạo). 3 năm qua, đã có 365 ứng viên chính thức được các địa phương tuyển chọn, chiếm 33% tổng số ứng viên dự kiến; đã đưa đi đào tạo 155 ứng viên. Tiến sĩ Lê Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, nhận xét: “Các ứng viên học thạc sĩ do được chọn lọc kỹ về trình độ chuyên môn và ngoại ngữ nên có nhiều khả năng sẽ được các trường đại học nước ngoài cấp học bổng nghiên cứu sinh. Như vậy, sẽ tiết kiệm một phần đáng kể ngân sách Nhà nước và có thể số lượng tiến sĩ tăng so với dự kiến”. Thuận lợi lớn của Chương trình Mekong 1.000 là Trường Đại học Cần Thơ có mối quan hệ, gắn bó lâu đời với các trường đại học trên thế giới, các tổ chức quốc tế nên tranh thủ được nhiều ưu đãi cho chương trình. Sau khi thảo luận và đàm phán, một số trường đại học cam kết ưu tiên chi phí ăn ở và sinh hoạt, tạo điều kiện nghiên cứu, hỗ trợ học bổng 10 tuần tiếng Anh, giảm từ 10- 50% học phí hoặc miễn học phí... cho các ứng viên của chương trình. Mặc dù vậy, trong quá trình thực hiện Chương trình Mekong 1.000 vẫn còn tồn tại không ít trở ngại.

Còn nhiều trăn trở...

Khó khăn lớn nhất của Chương trình Mekong 1.000 là các địa phương thực hiện chưa đồng đều. Một số địa phương còn mang tâm lý chờ đợi, chưa thể hiện sự dứt khoát và tính khẩn trương trong quá trình thực hiện. Khó khăn nữa là trình độ ngoại ngữ của các ứng viên còn hạn chế nên quá trình bồi dưỡng, học tập Anh văn kéo dài, gây tốn kém. Nguồn ứng viên không đồng đều; các lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn, Y tế và sức khỏe cộng đồng, Quản lý Hành chính công... có ít hoặc không có ứng viên. Ông Bùi Văn Bình, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Nguồn cán bộ, công chức ở các sở, ngành đăng ký tham gia Đề án Trà Vinh- 100 quá ít; các huyện không có ứng viên tham gia. Nguyên nhân là do trình độ ngoại ngữ chưa đạt”.

Do tình hình ngân sách địa phương, một số tỉnh như Tiền Giang, Kiên Giang, Bến Tre vẫn chưa có ứng viên đi học ở nước ngoài. Ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết: “Đề án đào tạo 50 cán bộ khoa học kỹ thuật ở nước ngoài có trình độ sau đại học của tỉnh (40 thạc sĩ và 10 tiến sĩ) giai đoạn 2006- 2011 vẫn chưa khởi động được. Nguyên nhân chính là tỉnh gặp khó khăn về ngân sách, chưa cân đối được kinh phí để thực hiện đề án”. Để khắc phục, UBND tỉnh Bến Tre kêu gọi sự đóng góp từ phía người tham gia đào tạo theo tỷ lệ: ngân sách địa phương chi 50%, người học đóng góp 50%. Tuy nhiên, giải pháp này không khả thi vì đa số ứng viên là cán bộ, công chức thu nhập chính từ lương nhà nước hoặc là con em của gia đình cán bộ, công chức, gia đình diện chính sách, mức đóng góp 50% kinh phí (khoảng 20.000 USD) vượt quá khả năng của ứng viên cũng như gia đình họ. Vả lại, sau khi học xong, trở về phục vụ tại các cơ quan nhà nước, với mức lương như hiện nay sẽ khó hoàn trả lại kinh phí đã đóng góp.

Ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, đề xuất: “Ngoài việc đưa đi đào tạo ở nước ngoài theo Chương trình Mekong 1.000 do Trường Đại học Cần Thơ chủ trì, cần quan tâm hướng đào tạo 2 giai đoạn của Viện Công nghệ Á Châu (giai đoạn 1 học ở Việt Nam, giai đoạn 2 tại Thái Lan); hoặc đào tạo theo hình thức liên kết của các trường Đại học quốc tế có cơ sở tại Việt Nam để giảm chi phí. Đồng thời, kết hợp đào tạo tại các trường đại học uy tín trong nước, như: Đại học Bách Khoa, Đại học Y Dược, Đại học Kinh tế, Đại học Kiến trúc...”. Còn theo bà Bùi Hồng Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chú trọng hơn về việc đào tạo nguồn nhân lực cho ĐBSCL để có chính sách hỗ trợ kinh phí cho các chương trình đào tạo nhân lực của vùng. Bà Phương nhấn mạnh: “Bộ Giáo dục và Đào tạo nên quan tâm xây dựng một trung tâm hỗ trợ đào tạo tiến sĩ cũng như một trung tâm ngoại ngữ cấp vùng. Các trung tâm này là nơi chuẩn bị dự nguồn cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của ĐBSCL”.

****

Chương trình Mekong 1.000 tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế- xã hội của ĐBSCL trong những năm tới. Thành công của chương trình sẽ đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn vùng. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng với sự đồng tâm hiệp lực của các địa phương, chắc chắn sẽ tạo nên thành công cho Chương trình Mekong 1.000 nói riêng và cho công cuộc đào tạo nguồn nhân lực của ĐBSCL nói chung.

DUYÊN KHÁNH

Chia sẻ bài viết