Bài, ảnh: SONG NGUYÊN
Nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại và có nguy cơ rơi vào suy thoái. Chính sách thắt chặt tiền tệ của các quốc gia phát triển đang và sẽ tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, nên ảnh hưởng của lạm phát, thắt chặt tài chính của Mỹ, EU… sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Vì vậy, chính sách tiền tệ, tài chính cần được tính toán cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và mục tiêu tăng trưởng để không rơi vào vòng xoáy tăng trưởng ngược trong năm mới.
Những con số ấn tượng

Hỗ trợ tài chính có mục tiêu trở nên cần thiết để giúp DN vượt qua suy giảm thị trường xuất khẩu.
Năm 2022, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến khoảng 8%. Đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Mới đây, tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 5, các báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương đã đưa ra các nhận định về sự phục hồi, tăng trưởng của nền kinh tế nước ta. Năm 2022 nền kinh tế Việt Nam đã có bước phục hồi mạnh mẽ, đạt kết quả tích cực và tương đối toàn diện; các cân đối lớn luôn được đảm bảo. Năm 2022, Chính phủ đã thực hiện hàng loạt chính sách hỗ trợ, củng cố năng lực phục hồi cho doanh nghiệp (DN), trong đó có các chính sách miễn giảm thuế, phí... Tuy nhiên, tổng thu ngân sách đến hết tháng 11-2022 đã vượt 16,1% dự toán và tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2021; lạm phát được kiểm soát tốt, với CPI bình quân dự báo tăng khoảng 3,3%. Những chỉ số này cho thấy tiêu dùng đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, khu vực DN đã phản ứng hiệu quả trước các cơ hội mở ra sau đại dịch và nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh cho thấy niềm tin vững chắc của nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng kinh tế Việt Nam trong những năm tới.
Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu trong 11 tháng năm 2022 đã tăng hơn 13,4%, cán cân hàng hóa xuất siêu 10,6 tỉ USD, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân tăng 15,1% (ước đạt 7,7 tỉ USD) so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,6%; tiêu dùng trong nước tăng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng tới 17,5%. Trong 11 tháng, cả nước có 137.800 DN thành lập mới, với tổng số lao động đăng ký là 909.000 lao động, tăng 30,4% về số DN và 15,9% về số lao động so với cùng kỳ năm trước; số DN quay trở lại hoạt động tăng 40,5%... Với những con số nổi bật này, các tổ chức quốc tế nhận định nền kinh tế Việt Nam vượt qua đại dịch COVID-19 và phục hồi ngoạn mục.
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 5, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam - ông Andrew Jeffries, nhận định: Với mức tăng trưởng 8,8% trong 3 quý đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, giải ngân vốn FDI tăng cao… với những diễn biến tích cực này, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022, ADB điều chỉnh lên mức 7,5% (cao hơn so với mức dự báo 6,5% ở kỳ dự báo tháng 9-2022). Tuy nhiên, những cơn gió ngược đang mạnh lên trong quý IV-2022; các chỉ số kinh tế chính cho thấy nhu cầu toàn cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đang yếu đi. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm xuống mức 47,4 điểm trong tháng 11-2022, việc làm cũng giảm do các hoạt động kinh tế suy giảm. Việc thắt chặt tiền tệ gần đây, cùng những bất ổn trên thị trường trái phiếu DN và giải ngân vốn đầu tư công chậm đã thắt chặt thanh khoản để phục hồi kinh tế… Vì vậy, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ được điều chỉnh giảm từ 6,7% xuống còn 6,3%. Trong bối cảnh hiện nay, các phản ứng chính sách của Việt Nam cần hướng đến sự cân bằng giữa kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo sự ổn định của khu vực tài chính.
Đương đầu với cơn sóng ngược
Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 5, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Hiện nay, sự suy yếu nhanh chóng của tổng cầu thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp lên các đơn hàng sản xuất trong nước; chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm dưới ngưỡng trung bình 50 điểm sau 13 tháng liên tiếp ở mức cao, hệ lụy là ở một số lĩnh vực người lao động đã bị mất việc làm. So với cùng kỳ 2021, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp khai khoáng tháng 11-2022 giảm 10%, ngành sản xuất giường tủ bàn ghế giảm 6,2%... Cán cân thương mại dịch vụ vẫn đang bị mất cân đối. Tỷ giá và lãi suất trong mấy tháng gần đây có những bước tăng đột biến phản ánh mức độ căng thẳng thanh khoản trên thị trường tài chính ngân hàng. Giải ngân đầu tư công thấp, 11 tháng ước chỉ đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng giao, điều này tạo nên nghịch lý nền kinh tế thì thiếu vốn trong khi nguồn lực khá lớn của Nhà nước lại không thể đưa vào lưu thông trong nền kinh tế. Cùng với đó, bối cảnh tình hình thế giới và khu vực năm 2023 cũng được dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Câu hỏi đặt ra là Việt Nam cần phải làm gì để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế để hạn chế tối đa các rủi ro và bất ổn cho nền kinh tế.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với độ mở của nền kinh tế lớn khoảng 200% GDP, những tác động từ bên ngoài và tồn tại tích tụ lâu nay của nền kinh tế đã tác động mạnh đến dư địa điều hành chính sách, thị trường vốn, thị trường bất động sản từ nửa đầu quý IV-2022. Bên cạnh đó, là quốc gia đang chuyển đổi và hội nhập nên nền kinh tế Việt Nam vẫn còn những hạn chế, yếu kém, khó khăn, thách thức và tiềm ẩn nhiều rủi ro như năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; các đột phá chiến lược chưa có sự bứt phá, chưa đáp ứng yêu cầu; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực phát triển; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, quản lý phát triển xã hội chưa theo kịp yêu cầu phát triển.
Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cho rằng, năm 2023, Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong việc thực hiện thành công mục tiêu phát triển. Để vượt qua được một thế giới đầy biến động, đòi hỏi không chỉ riêng sự chung sức đồng lòng, sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, người dân và DN trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra mà còn phải có sự hỗ trợ, giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế, các chính phủ, tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước...
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để đạt các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2023, đòi hỏi chính sách tiền tệ và tài chính phải có sự phối hợp chặt chẽ. Duy trì sự ổn định giá cả phải là trọng tâm chính sách tiền tệ; đồng thời, hỗ trợ tài chính có mục tiêu trở nên cần thiết để hỗ trợ các DN và người lao động trong cơn suy thoái toàn cầu. Song song đó, thúc đẩy đầu tư công; lành mạnh hóa thị trường trái phiếu DN, đảm bảo tính minh bạch, thanh khoản, giảm tối thiểu các rủi ro… để có thể đương đầu với những cơn sóng ngược của năm 2023.