07/06/2017 - 15:05

Nhiều quan chức ngoại giao Mỹ phản ứng tổng thống

Mâu thuẫn giữa các nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ với Tổng thống Donald Trump đang có dấu hiệu leo thang, mà mới nhất là việc Quyền đại sứ Mỹ tại Trung Quốc vừa từ chức và nguyên nhân được cho là nhằm phản đối quyết định của ông chủ Nhà Trắng rút Washington khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.

Phát ngôn viên Vụ Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Anna Richey-Allen xác nhận thông tin Quyền đại sứ David Rank (ảnh) rời bộ này. "Đó là quyết định cá nhân. Chúng tôi cảm kích những năm tháng ông ấy tận tụy cống hiến cho Bộ Ngoại giao" – bà Richey-Allen nói thêm. Dự kiến, Thống đốc bang Iowa Terry Branstad sẽ chính thức nhậm chức đại sứ Mỹ tại Trung Quốc vào cuối tháng 6.

Ảnh: Interaksyon

Với thời gian công tác 27 năm, ông Rank từng được bổ nhiệm vào nhiều vị trí quan trọng bao gồm chức vụ Giám đốc văn phòng đặc trách các vấn đề Afghanistan và cố vấn cấp cao đại diện ở Afghanistan và Pakistan. Đến đầu năm 2016, ông Rank được bổ nhiệm làm Phó đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh và đảm trách vai trò Quyền đại sứ trong thời gian chờ người mới được bổ nhiệm.

Trong thông điệp trên Twitter, chuyên gia về Trung Quốc John Pomfret dẫn các nguồn giấu tên tiết lộ ông Rank từ chức vì "không thể ủng hộ" quyết định rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris của Tổng thống Trump. Vị này còn cho biết ông Rank đã triệu tập một cuộc họp tại đại sứ quán để thông báo và giải thích với nhân viên rằng "lương tâm không cho phép" ông thông báo chính thức với Trung Quốc về quyết định của Mỹ.

Tuy bà Richey-Allen nói không thể xác minh các thông tin đăng trên Twitter, nhưng giới quan sát cho rằng quyết định từ chức của ông Rank thể hiện sự phản đối đối với động thái gây tranh cãi của Tổng thống Trump. Bởi dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, biến đổi khí hậu được lồng ghép vào hoạt động ngoại giao hàng ngày ở mọi cấp độ và ông Rank được biết đến với những quan tâm cá nhân về môi trường. Theo nguyên tắc, người đứng đầu Đại sứ quán Mỹ có trách nhiệm trao công hàm ngoại giao tới Bắc Kinh để thông báo chính thức và trình bày lý do về ý định của Mỹ rút khỏi thỏa thuận khí hậu. Trong trường hợp này, nhiều nguồn tin tiết lộ ông Rank không thể hoàn thành vai trò bảo vệ chính sách của Tổng thống Trump.

Đây không phải lần đầu tiên giới chức ngoại giao Mỹ trở thành "tâm điểm" trong các vụ phản đối sách lược của Nhà Trắng dưới thời ông Trump, điển hình là vụ gần 1.000 nhân viên ngoại giao Mỹ cùng ký vào một tài liệu để chính thức phản đối lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump hồi tháng Giêng. Nhưng các diễn biến gần đây cho thấy căng thẳng giữa Nhà Trắng và giới ngoại giao đang bùng nổ công khai và ở cấp cao hơn.

Cụ thể, trước vụ từ chức của ông Rank một ngày, Quyền đại sứ Mỹ tại Anh Lewis Lukens đã đăng thông điệp công khai ủng hộ Sadiq Khan chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Trump chỉ trích thị trưởng Hồi giáo đầu tiên của Luân Đôn xung quanh vụ tấn công khủng bố liên hoàn khiến 7 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương vào cuối tuần qua. Hồi tháng trước, Đại sứ Mỹ tại Qatar Dana Shell Smith còn phản ứng công khai với lời than phiền trên Twitter xung quanh quyết định của ông Trump sa thải Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) James Comey.

Thứ trưởng Ngoại giao Nicholas Burns phụ trách các vấn đề chính trị dưới thời chính quyền Tổng thống George Bush cho rằng đây là điều hết sức bất thường đối với Bộ Ngoại giao Mỹ. Theo ông, các viên chức ngành ngoại giao là người đại diện cho quốc gia và luôn đặt quan điểm chính trị sang một bên dù tổng thống thuộc đảng Cộng hòa hay Dân chủ.

MAI QUYÊN (Theo New York Times)

Chia sẻ bài viết