11/05/2021 - 10:25

Nhiều ngành học mới được mở 

Tuyển sinh năm 2021, các trường đại học (ÐH), cao đẳng (CÐ) tại TP Cần Thơ đã mở thêm nhiều ngành học mới, tạo thêm cơ hội học tập cho thí sinh. Các ngành này không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, mà còn cho thấy sự năng động đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Một buổi học thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ. 

Ðến thời điểm này, đề án tuyển sinh năm 2021 của các trường ÐH, CÐ đã hoàn tất. Nét nổi bật năm nay ở các trường ÐH, CÐ trên địa bàn TP Cần Thơ là mở thêm ngành học mới, đáp ứng xu thế phát triển của công nghệ, kinh tế, xã hội. Ðơn cử như Trường ÐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ sẽ tuyển 1.330 sinh viên, với 20 ngành đào tạo trình độ ÐH; trong đó có 5 ngành học mới là Công nghệ kỹ thuật năng lượng, Công nghệ kỹ thuật hóa học, Quản trị kinh doanh, Kế toán và Ngôn ngữ Anh. Các ngành này được mở xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và định hướng phát triển trường thành cơ sở giáo dục đại học ứng dụng liên ngành kỹ thuật công nghệ. Tiêu biểu như ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học nhằm đào tạo đội ngũ phục vụ ngành công nghiệp chế tạo vật liệu mới. Hay ngành Công nghệ kỹ thuật năng lượng đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng xử lý tích hợp nhiều dạng năng lượng, đặc biệt là năng lượng mặt trời đang phát triển mạnh tại ÐBSCL, phù hợp Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bên cạnh đó, sự phát triển và hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam đang đòi hỏi nguồn nhân lực khối ngành quản lý kinh tế, ngôn ngữ cũng tăng lên. Các nhóm ngành gắn liền hoạt động quốc tế về giao thương, đầu tư và chuyển đổi số cũng đang phát triển. Ðó là lý do Trường ÐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ mở mới một số ngành lĩnh vực kinh tế; với chương trình đào tạo theo hướng tích hợp, liên ngành, tập trung ưu tiên vào một số lĩnh vực nền tảng và công nghệ lõi. Nội dung đào tạo cũng được thiết kế lại theo hướng chú trọng kiến thức cơ bản, sâu, rộng và tích hợp nhiều môn học nhằm nâng cao hiệu quả sáng tạo và khả năng thích ứng của người học.

Trong khi đó, Trường ÐH Y Dược Cần Thơ có tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm nay là 1.920 sinh viên (trong đó có 320 chỉ tiêu của hệ liên thông chính quy) cho 10 ngành đào tạo trình độ ÐH. Trong đó, có 2 ngành mới là Hộ sinh và Kỹ thuật hình ảnh y học. Theo PGS.TS Trần Viết An, Trưởng phòng Ðào tạo đại học của trường, việc mở ngành mới nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực ngành Y tế; đồng thời trường vẫn duy trì theo 2 hình thức trúng tuyển là đại trà và nhu cầu xã hội (đào tạo đặt hàng), đặc biệt lĩnh vực Y khoa phục vụ chuyên ngành hiếm.

Không chỉ có khối ÐH, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp năm nay cũng mở thêm ngành mới theo nhu cầu thị trường lao động. Ðơn cử như Trường CÐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ có thêm 3 ngành nghề mới bậc CÐ: Tiếng Anh Thương mại, Chăn nuôi - Thú y, Công nghệ kỹ thuật tài nguyên nước; 2 ngành mới bậc trung cấp là Tiếng Anh Thương mại, Công nghệ kỹ thuật tài nguyên nước.

Năm nay, Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ (tọa lạc tại quận Ô Môn) tuyển 960 học sinh, sinh viên cho các nghề trình độ CÐ, trung cấp. Bên cạnh 15 nghề bậc CÐ, trường dự kiến mở thêm 6 nghề mới là: Nghiệp vụ bán hàng, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Thương mại điện tử, Cơ điện lạnh, Nông nghiệp công nghệ cao, Cơ điện tử. Ths Lương Văn Ðài, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường chọn mở mới các nghề này nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, được “đặt hàng” từ các đơn vị sử dụng lao động. Một số nghề đồng thời phục vụ yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như cơ điện lạnh, cơ điện tử…”. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt đầu tư dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất của trường. Dự kiến quy mô đầu tư xây dựng mới 3 xưởng thực hành; cải tạo, sửa chữa và nâng cấp 2 tòa nhà, 1 khu giáo dục thể chất; đầu tư thiết bị đào tạo và hạ tầng kỹ thuật khác... Việc đầu tư này nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ quản lý, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nghiên cứu của nhà trường giai đoạn đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

*

*   *

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực quốc gia nói chung, TP Cần Thơ nói riêng đang trong giai đoạn chuyển đổi để phù hợp với quá trình kinh tế hội nhập và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của TP Cần Thơ hiện nay là 73,5% (trong đó qua đào tạo nghề 58%); dự kiến đến năm 2025 đạt trên 85% và hơn 90% vào năm 2030. Ðịnh hướng phát triển kinh tế và thị trường lao động của TP Cần Thơ là tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp xây dựng, dịch vụ, thương mại, thủy sản và nông nghiệp. Cụ thể phát triển các ngành Công nghệ nông - lâm; Chế biến nông sản - thủy hải sản xuất khẩu, Công nghệ cơ khí - điện - điện tử; Công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, Công nghệ sinh học, Công nghệ hóa, Tài chính, Thương mại, Kinh tế - marketing - logistics - quản trị tài chính, Luật, Ngân hàng ...

Ông Trần Anh Tuấn nhận định: Nguồn nhân lực nói chung, đặc biệt nguồn nhân lực của TP Cần Thơ đang trong quá trình phát triển cùng quốc gia, kết nối mạnh với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trọng điểm phía Nam. Những ngành nghề Cần Thơ đang cần lực lượng lao động lớn thuộc nhóm ngành Công nghệ - kỹ thuật. Nét nổi bật khác là Cần Thơ còn phát triển mạnh ở lĩnh vực Du lịch, Nhà hàng - khách sạn, trong đó việc phát triển du lịch cộng đồng, gắn liền với  vườn cây, sinh thái… đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng ở lĩnh vực này nhằm phục vụ cho sự phát triển chung của thành phố.

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết