10/06/2023 - 09:49

Nhiều hoạt động giúp hội viên thoát nghèo 

Bài, ảnh: ÐỒNG TÂM

Hội LHPN xã Thạnh Phú, huyện Cờ Ðỏ, tập trung xây dựng, nâng chất nhiều mô hình giúp hội viên, phụ nữ tăng thu nhập. Bên cạnh đó, Hội vận động xã hội hóa xây dựng 2 Mái ấm tình thương tặng hội viên phụ nữ hoàn cảnh khó khăn về nhà ở… Từ nhiều hoạt động, mô hình thiết thực, năm 2022, Hội LHPN xã giúp 16 chị thoát nghèo; đời sống vật chất, tinh thần của chị em không ngừng cải thiện, nâng cao.

Cán bộ Hội LHPN xã Thạnh Phú thăm hỏi, động viên các học viên lớp nghề đan dây nhựa. 

Những ngày này, từ sáng sớm, lớp dạy nghề đan dây nhựa do Hội LHPN xã Thạnh Phú tổ chức thu hút nhiều chị em tham gia. Chị Hồ Thị Bảo Trân, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Thạnh Phú, nói: “Lớp khai giảng được hơn 1 tháng, hiện có 30 chị theo học. Trung bình, thời gian học nghề kéo dài khoảng 2 tháng thì các học viên mới thành thạo. Riêng lớp này, theo quan sát của chúng tôi, nhiều chị rất khéo léo, dù mới học nghề hơn 30 ngày nhưng đã có thể hoàn thành sản phẩm. Học xong, chị em sẽ được kết nạp vào Tổ hợp tác (THT) Ðan dây nhựa, có thu nhập ổn định ngay”. Chị Trương Hoàng Yến, học viên lớp nghề đan dây nhựa, bộc bạch: “Trong xóm tôi có nhiều chị theo học các lớp trước đó và có thu nhập ổn định khoảng 3 triệu đồng/tháng từ nghề đan dây nhựa. Trước giờ, tôi ở nhà nội trợ và đưa rước con đi học. Ðược chị em giới thiệu, tôi mạnh dạn tham gia lớp nghề. Tôi rất phấn khởi khi biết sau khi học nghề, học viên sẽ được giải quyết việc làm”.

Theo chị Hồ Thị Bảo Trân, mô hình THT Ðan dây nhựa do Hội LHPN xã Thạnh Phú vận động thành lập năm 2021, hiện giải quyết việc làm cho 45 chị em. Ða số thành viên THT trước kia từng tham gia lớp hướng dẫn nghề đan dây nhựa do Hội LHPN xã tổ chức. Hiện tại, thu nhập các thành viên THT từ 3-5 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2022, Hội LHPN xã Thạnh Phú vận động ra mắt THT Trồng màu với 12 thành viên, diện tích canh tác 5ha. Bình quân, mỗi công rau màu mang về lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng/vụ, mỗi năm trồng 3-4 vụ. Chị Nguyễn Thị Nhung, Tổ trưởng THT, kể: “Tham gia THT, các chị em sinh hoạt định kỳ hằng quý, cùng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Hội cũng tổ chức các buổi tập huấn kỹ thuật trồng màu, đặc biệt trồng màu theo hướng sạch, an toàn, hạn chế sử dụng phân bón hóa học. Tôi canh tác 2 công màu, có thu nhập 70-80 triệu đồng/năm”. Còn chị Lê Thị Hằng, thành viên THT, bộc bạch: “Trước kia, tôi canh tác 1 công đất trồng lúa, nhưng không hiệu quả nên 2 năm nay chuyển sang trồng rau màu. Tham gia THT, tôi được Hội Phụ nữ hỗ trợ làm hồ sơ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư sản xuất”.

Bên cạnh xây dựng, duy trì nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, hiện Hội LHPN xã đang quản lý có hiệu quả 17 tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, với 839 thành viên, dư nợ hơn 27 tỉ đồng; có 17 tổ góp vốn xoay vòng với 321 thành viên, hằng tháng góp vốn hơn 67 triệu đồng giúp nhau không tính lãi; xây dựng mới 2 Mái ấm tình thương. Nhân dịp khai giảng năm học mới 2022-2023, Tết Trung thu, các cấp Hội phối hợp thăm hỏi, động viên và gửi tặng con em hội viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn... 80 phần quà, 200 quyển tập và dụng cụ học tập. Trước kia, gia đình chị Trần Thị Dung Thu thuộc diện hộ nghèo. Chồng làm nghề xịt thuốc mướn, chị Thu ở nhà nội trợ và đưa rước 2 con đi học. Chị Dung Thu nói: “Nhờ cán bộ Hội Phụ nữ động viên, gợi ý, tôi mạnh dạn vay vốn để thu mua phế liệu. Nhờ đó, 2 năm gần đây kinh tế gia đình ổn định và đã được xét thoát nghèo”.

Chị Hồ Thị Bảo Trân, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Thạnh Phú, thông tin: “Từ nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực, năm 2022, Hội giúp 16 chị thoát nghèo. Hiện nay, xã còn 1 hội viên phụ nữ nghèo. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, giảm nghèo; đồng thời, vận động các nguồn xã hội hóa chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho chị em”.

Chia sẻ bài viết