Bài, ảnh: KIẾN QUỐC
Những năm qua, các cấp Hội LHPN trên địa bàn TP Cần Thơ đã tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp giải quyết việc làm, tăng thu nhập bền vững cho hội viên nói riêng và lao động nữ nói chung. Trong đó, các cấp Hội chú trọng công tác đào tạo nghề, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất nhằm giúp chị em vươn lên làm giàu chính đáng, nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội.

Hội viên, phụ nữ học nghề tóc tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp phụ nữ TP Cần Thơ.
Chị Lê Thị Ngọc Hên, ngụ phường An Bình, quận Ninh Kiều, đến với nghề làm tóc như một cơ duyên. Trước đây, tuy thích nghề tóc nhưng không có điều kiện theo đuổi ước mơ nên chị Hên chỉ quanh quẩn làm nội trợ trong gia đình. Năm 2016, được Hội LHPN phường giới thiệu lớp nghề tóc miễn phí, chị Hên nhanh chóng đăng ký. Hoàn thành lớp nghề căn bản, chị tham gia học các lớp nâng cao, trang điểm để vững tay nghề. Qua quá trình tích lũy kinh nghiệm, chị mạnh dạn khởi nghiệp, mở tiệm tóc vào năm 2017. Chị Hên bộc bạch: “Lớp dạy nghề thật sự hữu ích. Tôi được các giảng viên hướng dẫn, truyền nghề tận tình. Với kiến thức, kỹ năng được đúc kết qua nhiều khóa học đã giúp cho tôi tự tin làm nghề. Hiện nay, tiệm tóc của tôi có nguồn khách hàng khá ổn định, mỗi tháng thu nhập bình quân 17-18 triệu đồng”.
Chị Ngọc Hên là một trong số nhiều hội viên, lao động nữ trên địa bàn TP Cần Thơ được tham gia khóa đào tạo nghề làm tóc theo Dự án “Làm đẹp để sống - sống để làm đẹp”, do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp phụ nữ TP Cần Thơ phối hợp Công ty TNHH L’Oreal thực hiện. Chị Lê Thị Dung, giáo viên của Công ty TNHH L’Oreal Việt Nam, cho biết: “TP Cần Thơ là một trong những địa phương được chọn để thực hiện Dự án “Làm đẹp để sống - sống để làm đẹp” từ năm 2016, nhằm giúp hội viên phụ nữ và các đối tượng lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn được học các nghề làm đẹp”. Theo chị Dung, trước đây, các lớp nghề có thời gian đào tạo 6 tháng, nay rút ngắn lại còn 3 tháng nhằm tạo điều kiện cho các học viên ở xa. Các lớp nghề được giảng dạy theo giờ hành chính, từ thứ 2 đến thứ 7 tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp phụ nữ TP Cần Thơ. Sau 7 năm triển khai, chương trình này đã đào tạo được 16 khóa học với các lớp nghề làm tóc, trang điểm, nail… từ cơ bản đến nâng cao. Mỗi lớp có khoảng 9-10 học viên. Chi phí đào tạo 35 triệu đồng/học viên, được tập đoàn L’Oreal tài trợ. Tỷ lệ học viên sau tốt nghiệp tìm được việc làm từ 80-90%; một số học viên tự mở tiệm làm chủ, có thu nhập ổn định.
Cùng với hoạt động đào tạo nghề tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp phụ nữ TP Cần Thơ, Hội LHPN thành phố tăng cường phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho hội viên, phụ nữ. Năm 2022, Hội LHPN TP Cần Thơ phối hợp với các trung tâm dịch vụ việc làm tư vấn, giới thiệu việc làm cho 5.634 lao động nữ (nhất là đối tượng lao động nữ trở về từ các tỉnh, thành khi dịch bệnh xảy ra) làm việc tại các công ty, xí nghiệp.
Hằng năm, Hội LHPN thành phố chỉ đạo các cấp Hội trực thuộc chú trọng thành lập các mô hình tổ hợp tác (THT), hợp tác xã, tổ phụ nữ liên kết sản xuất nhằm tạo cơ hội học nghề, việc làm cho hội viên, phụ nữ. Cụ thể, tại huyện Cờ Đỏ, với đặc thù là địa bàn thuần nông, có đông đồng bào Khmer sinh sống; đồng thời còn một bộ phận phụ nữ trong độ tuổi lao động gặp khó khăn khi thiếu tư liệu sản xuất, việc làm không ổn định, nên các cấp Hội LHPN trên địa bàn huyện triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực. Theo bà Nguyễn Thị Thúy, Chủ tịch Hội LHPN huyện, thời gian qua, Hội đã thành lập nhiều mô hình kinh tế tập thể như các THT may gia công, quết cốm dẹp; mô hình đan ráp lú, đan dây nhựa… Thông qua các mô hình này đã góp phần tạo việc làm tại chỗ cho hội viên, phụ nữ vừa phát huy giá trị nghề truyền thống.
Trong năm 2022, các cấp Hội LHPN thành phố đã ra mắt 26 mô hình phát triển kinh tế, như tổ liên kết “đan dây nhựa”, “đan ghế nhựa”; THT “quết cốm dẹp”, tổ “may lưới gia công”; hợp tác xã làm bánh dân gian… Hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể từng bước phát huy tính tự chủ, kết nối sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động nữ. Cùng với đó, các cấp Hội cũng duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của 672 tổ hùn vốn, 690 nhóm phụ nữ tiết kiệm với 19.358 thành viên tham gia, huy động trên 2 tỉ đồng hỗ trợ các thành viên vay xoay vòng, đầu tư phát triển kinh tế; phối hợp thực hiện và quản lý tốt ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, tổng dư nợ trên 1.500 tỉ đồng…
Từ các hoạt động hỗ trợ thiết thực, các cấp Hội LHPN thành phố đã trao “cần câu”, giúp nhiều hội viên, phụ nữ thay đổi nhận thức, phát triển kinh tế bằng kiến thức, tay nghề vững vàng, từng bước ổn định cuộc sống.