27/09/2024 - 08:42

Thốt Nốt

Nhiều giải pháp hỗ trợ liên kết sản xuất, phát triển nông nghiệp chất lượng 

Là quận đầu nguồn của TP Cần Thơ, Thốt Nốt không những tập trung phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ… mà còn tập trung nhân lực, huy động sức dân cho công tác xây dựng, đầu tư phát triển nông nghiệp chất lượng cao, nông nghiệp đô thị đảm bảo an toàn và hiệu quả. Nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh tế tập thể, cánh đồng lớn liên kết sản xuất được hình thành và từng bước mang lại hiệu quả cao...

Lãnh đạo quận Thốt Nốt tham quan sản phẩm cây ăn trái của quận được trưng bày tại điểm bán hàng OCOP Thốt Nốt.

Ông Trương Tiến Lực, Trưởng Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, nhận định: 9 tháng qua, tình hình sản xuất nông nghiệp của quận phát triển ổn định, mô hình cánh đồng lớn được duy trì mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao và sản xuất lúa giống. Quận Thốt Nốt đã thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện của từng địa phương; triển khai thực hiện tốt các chương trình trợ giá cây con giống cho người dân; tổ chức tập huấn các biện pháp kỹ thuật theo tiêu chuẩn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân... Nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp 9 tháng năm 2024 của toàn quận được 2.170,2 tỉ đồng, đạt 78,9% kế hoạch năm, tăng 4,24% so với cùng kỳ năm 2023, thu nhập của nông dân từng bước được nâng cao.

Hiện nay quận Thốt Nốt có 9 phường. Các phường vùng ven của quận, phần lớn người dân còn tập trung sản xuất nông nghiệp và là một trong những địa phương cung cấp sản phẩm nông nghiệp an toàn chất lượng của TP Cần Thơ. Theo Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, 9 tháng năm 2024, UBND quận chỉ đạo ngành Nông nghiệp tập trung xây dựng, củng cố vùng sản xuất rau màu chuyên canh theo hướng an toàn với tổng diện tích 128,98ha, tương đương so với cùng kỳ 2023. Trong đó, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân trồng các loại rau chuyên dùng, cung cấp cho thị trường, siêu thị đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… Hiện nay, các phường vùng ven quận Thốt Nốt đã thành lập được 2 hợp tác xã và 4 tổ hợp tác sản xuất rau an toàn, với 21,97ha được cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm như sản phẩm hẹ, cải các loại, dưa leo, ớt, bí đao, khổ qua; duy trì hoạt động 1 tổ hợp tác trồng bông tại phường Thốt Nốt với tổng diện tích 5ha, có 28 hộ tham gia, chủ yếu trồng hoa các loại cung cấp cho thị trường trong những ngày 15 và 30 âm lịch hằng tháng. Bên cạnh đó, quận Thốt Nốt đã hỗ trợ cấp logo sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn cho 3 hợp tác xã sản xuất rau với tên gọi đậu nành rau Thy Tám (Hợp tác xã nông nghiệp Thân Thiện), rau sạch Trung Hậu (Hợp tác xã nông sản Trung Nhứt), mận ngọt Chín Phường (Hợp tác xã Phú Hưng); giấy chứng nhận nhãn hiệu cho Hợp tác xã rau an toàn Phúc Thạnh và các hộ trồng rau an toàn; giấy chứng nhận VietGAP cho các sản phẩm như nấm bào ngư xám, cải xanh, cải ngọt, rau mồng tơi, rau muống, húng cây, hẹ, rau các loại (Tổ hợp tác sản xuất trồng rau an toàn khu vực Tràng Thọ 1, phường Thốt Nốt), dưa leo và giấy chứng nhận nông nghiệp hữu cơ cho Hợp tác xã nông sản Trung Nhứt… Bên cạnh đó, quận Thốt Nốt còn có 8 cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao, với tổng diện tích là 978,1ha, có 1.090 hộ tham gia sản xuất; vận động nông dân cải tạo vườn tạp và trồng các loại cây có giá trị kinh tế, như nhãn, mận, sầu riêng, na Thái, xoài với tổng diện tích 2.670,53ha, đạt 100% kế hoạch, cao hơn 11,48ha so với cùng kỳ năm 2023. Ước sản lượng đạt 18.690 tấn... Nhiều vườn cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch sinh thái tăng thêm nguồn thu nhập cho nông dân.

Bên cạnh những thuận lợi, phát triển nông nghiệp chất lượng cao tại quận Thốt Nốt cũng còn gặp môt số khó khăn. Điển hình trình độ nông dân không đồng đều nên việc tiếp thu, tuân thủ quy trình canh tác và ghi chép chi phí sản xuất có phần hạn chế; việc kêu gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết bao tiêu nông sản đối với các vùng sản xuất tập trung còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các cánh đồng lớn; tình hình thời tiết diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến năng suất của cây trồng... Từ những khó khăn trên, quận Thốt Nốt chỉ đạo ngành Nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với UBND các phường, doanh nghiệp theo dõi sản lượng nông sản thu hoạch để có các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân. Tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ UBND các phường xây dựng và phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm có lợi thế của quận ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, nhằm tạo ra các sản phẩm năng suất, chất lượng góp phần nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm.

Ông Trương Tiến Lực cho biết thêm, những tháng cuối năm 2024, ngành Nông nghiệp quận Thốt Nốt tập trung theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xuống giống và chăm sóc tốt vụ lúa đông xuân 2024-2025, hoa màu, cây ăn trái và thủy sản; kiểm soát chặt chẽ tình hình sâu bệnh, dịch bệnh để dự báo, hướng dẫn nông dân phòng trị kịp thời, đảm bảo năng suất, chất lượng. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND các phường tạo điều kiện thuận lợi nhất để lưu thông hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ cho sản xuất như con giống, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi và vật tư, thiết bị phục vụ duy trì sản xuất; tiếp tục duy trì cung cấp thông tin hằng ngày cho Tổ công tác hỗ trợ sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ; kết nối hệ thống các siêu thị, các đơn vị bán lẻ, bán hàng qua các kênh tiêu thụ điện tử, giao hàng tận nơi... liên kết tiêu thụ nông sản trong dân, bên cạnh đó, Phòng Kinh tế cũng chỉ đạo các trạm chuyên môn tổ chức rà soát, đánh giá tình hình sản xuất các loại nông sản chính tại địa phương bao gồm: chủng loại, sản lượng đang thu hoạch, dự kiến thu hoạch theo từng tháng, kế hoạch đến cuối năm 2024 để chủ động các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ, tránh tình trạng ùn tắc và tiêu thụ không được; tiếp tục triển khai tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nông thôn, trong đó chú trọng các chính sách hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; triển khai thực hiện tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn; đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể để xây dựng vùng sản xuất tập trung, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật...

Bài, ảnh: HÀ VĂN

 

Chia sẻ bài viết