02/12/2021 - 09:20

Nhiều giải pháp hạn chế sụt lún, sạt lở đất tại vùng ĐBSCL 

Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng, ĐBSCL là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích và khoảng 19% dân số của Việt Nam. Nhiều chuyên gia nhận định, từ hàng nghìn năm nay, vùng đất ĐBSCL đang nén lại và chìm dần. Quá trình này được bù đắp bởi bồi lắng phù sa trong suốt mùa lũ và bề mặt đất nằm trên mực nước biển. Trong một vài thập kỷ qua, ngập lụt và bồi lắng phù sa đã giảm đi đáng kể nhưng quá trình nén nền đất tiếp tục gây ra sụt lún, sạt lở đất... Hiện tượng sụt lún, sạt lở đất tự nhiên càng gia tăng do khai thác tài nguyên cát, nước ngầm và trọng lượng của các công trình như: đường xá, cầu, nhà cửa… Trong đó, hiện tượng khai thác cát, nước thiếu phù sa do các đập thượng nguồn sông Mekong chắn dòng là đặc biệt quan trọng, làm giảm độ màu mỡ, bồi đắp khắc phục sụt lún, sạt lở của đồng bằng…

Tác động từ khai thác tài nguyên

Bờ kè sông Ô Môn, công trình phòng chống sạt lở của TP Cần Thơ được đưa vào sử dụng gần đây.

Bờ kè sông Ô Môn, công trình phòng chống sạt lở của TP Cần Thơ được đưa vào sử dụng gần đây.

PGS.TS. Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, nhận định: “Trên con đường đi đến sự thịnh vượng và bền vững trong tương lai, ĐBSCL đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức bởi đây là vùng đất rất mẫn cảm với những thay đổi của tự nhiên. Bên cạnh tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng thì tình trạng sụt lún, sạt lở đất đang xuất hiện ở nhiều nơi trong khu vực và sẽ mang đến nhiều hệ lụy bất lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội, dân sinh... thời gian tới”.

Những năm qua, vấn đề sụt lún, sạt lở đất ở ĐBSCL được rất nhiều tổ chức, các nhà khoa học quốc tế và trong nước quan tâm, như Viện Địa kỹ thuật Na Uy, Đại học Stanford Hoa Kỳ, Đại học Utrecht Hà Lan và các đo đạc, đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo số liệu thu thập của Liên minh châu Âu trong 5 năm gần đây cho thấy tốc độ sụt lún ở ĐBSCL không hề giảm. Ở các khu vực đô thị như Cần Thơ, nền đất sụt lún ở hầu hết mọi khu vực từ nông thôn đến đô thị. Mức độ sụt lún dao động từ 2 đến 4cm/năm và điều này sẽ không ngừng lại. Ở các khu vực nông thôn ĐBSCL, vệ tinh phát hiện sụt lún ở mức 1cm/năm và dự báo hiện tượng sụt lún tiếp diễn với tốc độ tương tự như những năm qua. Như vậy, sụt lún ở đô thị hay nông thôn đều có xu hướng tiếp tục với cùng cấp độ không giảm so với thời gian trước. 

Tình hình sạt lở cũng được đánh giá là nghiêm trọng. Điển hình tại TP Cần Thơ trong hơn 10 tháng năm 2021, trên địa bàn thành phố xảy ra 3 loại thiên tai (lốc xoáy, sạt lở, mưa giông) gây thiệt hại gần 9 tỉ đồng. Trong đó sạt lở bờ sông là hiện tượng thiên tai xuất hiện có cường độ lớn nhất trong 10 tháng qua, với 23 điểm sạt lở bờ sông, làm sạt hoàn toàn và ảnh hưởng 41 căn nhà, tổng chiều dài sạt lở gần 700m gây thiệt hại tài sản trên 7,1 tỉ đồng.

Nguyên nhân sạt lở sông, rạch được xác định từ BĐKH, khai thác tài nguyên khoáng sản cát, nước… quá mức. Để hạn chế tình trạng sụt lún, sạt lở xảy ra, thời gian qua TP Cần Thơ đã tăng cường công tác quản lý khai thác cát trên sông Hậu. Cụ thể năm 2020, TP Cần Thơ tăng cường kiểm tra và phát hiện 3 vụ khai thác cát trái phép trên địa bàn (nơi tiếp giáp ranh giới trên sông với tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Hậu Giang), xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 375 triệu đồng và xử phạt bổ sung buộc nộp số tiền 789 triệu đồng tương đương giá trị phương tiện vi phạm hành chính, tịch thu toàn bộ tang vật 97m3 cát, tịch thu 1 sà lan đặt cẩu. Năm 2019, thành phố kiểm tra, phát hiện 1 vụ khai thác cát trái phép trên địa bàn, nơi tiếp giáp ranh giới trên sông với tỉnh Vĩnh Long. Qua đó xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 150 triệu đồng và xử phạt bổ sung buộc nộp số tiền 964,818 triệu đồng tương đương giá trị phương tiện vi phạm hành chính, tịch thu toàn bộ tang vật 120m3 cát...

Tăng cường quản lý

Các nhà khoa học cho rằng việc khai thác tài nguyên cát, nước ngầm là một yếu tố quan trọng góp phần gây sụt lún, sạt lở đất, song cho dù có ngừng khai thác cát, nước ngầm hoàn toàn thì cũng không thể ngăn chặn được hiện tượng này. Tuy nhiên, tốc độ sụt lún, sạt lở có thể nhờ đó mà được giảm thiểu.

Với giải pháp giảm sụt lún đồng bằng, PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, Viện trưởng Viện nghiên cứu BĐKH, nhận định: Để góp phần hạn chế tốc độ sụt lún, các địa phương vùng ĐBSCL cần ứng dụng các giải pháp cơ sở hạ tầng xanh nhằm làm mới lại các khu vực công cộng trong trung tâm đô thị để tăng không gian cho tích trữ nước, thẩm thấu nước mưa tại các khu vực phát triển đô thị và các công trình cơ sở hạ tầng công cộng mới, nhằm giải phóng áp lực cho hệ thống nước ngầm. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng xanh sẽ bồi đắp lại lượng nước ngầm thiếu hụt, góp phần hạn chế sụt lún đất trong tương lai… Riêng, tại TP Cần Thơ - Trung tâm đô thị vùng ĐBSCL tiếp tục lập quy hoạch và triển khai thực hiện cơ sở hạ tầng xanh cho tất cả các quận trung tâm (Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng…) để thực hiện giải pháp toàn diện cơ sở hạ tầng xanh tăng cường khả năng chống chịu cho các quận nêu trên…

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng cho biết các yếu tố góp phần gây sụt lún, sạt lở đất như khai thác nước ngầm tại Cà Mau, khai thác cát từ sông… cần được cơ quan chức năng, những người có thẩm quyền ra quyết định hạn chế hoặc ngưng thực hiện để giảm thiểu sụt lún, sạt lở đất; xác định các giải pháp thích ứng và sống chung với sụt lún đất, hạn chế sạt lở bờ sông. Trong bối cảnh này, những quy định về hạn chế, ngưng bơm nước ngầm, khai thác cát cần nghiêm khắc hơn và thực hiện hiệu quả hơn…

Ông Đỗ Thanh Thảo, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Cần Thơ, khẳng định: Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản cát trên sông Hậu, hạn chế tác động xấu do khai thác gây ra, thời gian tới, Sở TN&MT tiếp tục phối hợp với cơ quan chuyên môn thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm về khai thác tài nguyên khoáng sản theo Quyết định số 1744/QĐ-UBND của UBND TP Cần Thơ; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo tính răn đe tránh tái vi phạm, trong trường hợp cần thiết tiến hành tham mưu UBND thành phố thu hồi giấy phép khai thác cát theo quy định; tiếp tục nhắc nhở các địa phương có mỏ cát thực hiện tốt công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác … Các hoạt động trên được thực hiện nghiêm túc, góp phần giảm sụt lún, sạt lở xảy ra trên địa bàn thời gian tới.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết