24/08/2014 - 08:11

Nhiều giải pháp cải thiện PCI vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Sau khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013 vào ngày 20-3-2014, nhiều tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã liên tiếp tổ chức các hội nghị, hội thảo về cải thiện PCI. Mục tiêu chung của các hội nghị, hội thảo này là nhằm phát huy những điểm mạnh và hạn chế những bất cập, yếu kém của từng tỉnh, thành thông qua những chỉ số thành phần PCI vừa được công bố, qua đó, tìm ra những giải pháp để cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong thời gian tới.

Nỗ lực của các địa phương

Theo kết quả xếp hạng PCI năm 2013, trong số 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 5 tỉnh, thành nằm trong nhóm tốt và rất tốt là: Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ, Trà Vinh. Trong đó, Kiên Giang xếp hạng 3 (tăng 3 hạng so với năm 2012), Đồng Tháp xếp hạng 5 (giảm 4 hạng), Bến Tre xếp hạng 6 (tăng 20 hạng), Cần Thơ xếp hạng 9 (tăng 5 hạng), trở thành 4 địa phương nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành dẫn đầu bảng xếp hạng PCI cả nước. Ngoài ra, nếu xét về các chỉ số thành phần, vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng có nhiều địa phương dẫn dầu cả nước. Cụ thể: tỉnh Kiên Giang dẫn đầu về chỉ số chi phí không chính thức với 8,94 điểm, chỉ số chi phí thời gian: 8,36 điểm, chỉ số cạnh tranh bình đẳng 8,19 điểm. Tỉnh Trà Vinh dẫn đầu về chỉ số gia nhập thị trường: 9,47 điểm, chỉ số tiếp cận đất đai: 8,68 điểm. Tỉnh Hậu Giang dẫn đầu về chỉ số năng động 8,06 điểm. Tỉnh Tiền Giang dẫn đầu về chỉ số thiết chế pháp lý: 7,30 điểm. Về thang điểm PCI, điểm số trung bình của các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn so với bình quân chung cả nước.

Những kết quả trên đã góp phần giúp nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch, tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư, kinh doanh. Đó là kết quả của những nỗ lực không ngừng nhiều năm qua của các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong việc cải thiện công tác quản lý, điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp, từng bước hoàn thiện môi trường kinh doanh - đầu tư, phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương. Trong đó, các giải pháp được nhiều địa phương chú trọng thực hiện là: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kịp thời đến cộng đồng doanh nghiệp các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; tạo chuyển biến mạnh trong đội ngũ cán bộ, công chức về trách nhiệm, tác phong thực hiện công vụ, chuyển nhận thức và hành động hàng ngày từ "quản lý doanh nghiệp" sang "phục vụ doanh nghiệp"; tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực chuyên môn của các cán bộ, công chức trong quan hệ, làm việc với nhân dân và doanh nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước; thường xuyên kiểm tra, giám sát "bộ phận một cửa", "bộ phận một cửa liên thông" để phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời những cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm khi giải quyết công việc hoặc có hành vi sách nhiễu doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động của các Trung tâm xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch; đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước cấp thành phố, quận, huyện trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…

Thành phố Cần Thơ đổi mới hình thức quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp theo hướng từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", việc cấp đăng ký doanh nghiệp được thực hiện theo quy trình ISO trên Hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể đăng ký kinh doanh qua mạng trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia. Từ đầu năm 2013, việc giải quyết các thủ tục đầu tư (từ giai đoạn chuẩn bị đến khi bắt đầu triển khai thực hiện) đối với các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất chỉ còn thông qua một đầu mối duy nhất là Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch thành phố Cần Thơ.

Doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn

Theo nhận định của VCCI, từ năm 2006 - 2013, mặc dù nhiều chỉ số thành phần trong PCI của các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (như chỉ số gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, thiết chế pháp lý, chi phí không chính thức...) đã được cải thiện đáng kể, nhưng cũng có một số chỉ số đang suy giảm hoặc chững lại so với năm 2012 và một vài năm trước. Đó là các chỉ số: cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tính năng động của chính quyền địa phương, chi phí thời gian, đào tạo lao động. Riêng thành phố Cần Thơ, giữ vai trò thành phố trung tâm động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đang có dấu hiệu giảm hoặc chững lại đối với một số chỉ số thành phần quan trọng như: tính năng động, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý, tiếp cận đất đai, chi phí gia nhập thị trường… Kết quả khảo sát gần đây nhất của VCCI còn cho thấy, những khó khăn lớn mà nhiều doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long là: Điều kiện tiếp cận vốn, môi trường kinh doanh chậm được cải thiện, cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, hệ thống kết cấu hạ tầng còn nhiều yếu kém.

Riêng trong lĩnh vực tiếp cận vốn, khó khăn mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải là: không thể vay vốn khi không có tài sản thế chấp (77% doanh nghiệp được khảo sát cho biết), lãi suất và điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp tư nhân luôn khó khăn hơn đối với doanh nghiệp nhà nước (49%), thủ tục vay vốn phiền hà (39%), nhiều ngân hàng thương mại áp dụng điều kiện tín dụng bất lợi cho doanh nghiệp (31%), phải "bồi dưỡng" cán bộ ngân hàng khi vay vốn (31%). Về mức độ năng động trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long, cũng theo kết quả khảo sát năm 2013 của VCCI, có 35,59% số ngân hàng thương mại không giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ và mới của doanh nghiệp; 44,64% số ngân hàng thương mại chưa nới lỏng các điều kiện cho vay theo đề nghị của Ủy ban nhân dân và các sở, ngành tỉnh.

Mặc dù có 5 tỉnh, thành nằm trong nhóm tốt và rất tốt trong bảng xếp hạng PCI trong năm 2013, nhưng tăng trưởng GDP bình quân toàn vùng năm 2013 chỉ đạt 9,1%, thấp nhất trong vòng 10 năm gần đây; nông nghiệp tăng trưởng dưới mức 5% và đang trong xu thế tiếp tục giảm vì xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực ngày càng gặp khó khăn. Trong 4 tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long (thành phố Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Cà Mau - chiếm 43% GDP toàn vùng), ngoại trừ thành phố Cần Thơ và Kiên Giang có bước cải thiện trong bảng xếp hạng PCI thì năm 2013, An Giang, Cà Mau đều sụt hạng (An Giang xếp hạng 23, sụt 21 hạng; Cà Mau xếp hạng 56, sụt 7 hạng). Nhìn chung, các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long chưa mang tính dẫn dắt trong phát triển kinh tế toàn vùng.

Cải thiện PCI cần đi vào chiều sâu

Tại Hội thảo "Phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013 vùng đồng bằng sông Cửu Long" do VCCI và Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang phối hợp tổ chức ngày 16-4-2014, nhiều địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long cùng thống nhất mục tiêu cải thiện PCI trong những năm tới là: Phải xây dựng môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, thân thiện, công khai, minh bạch; tạo nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư, kinh doanh. Qua đó, cải thiện và nâng cao vị trí trên bảng xếp hạng về PCI hằng năm của các tỉnh, thành; thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, của vùng đồng bằng sông Cửu Long và góp phần vào năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, một địa phương muốn đạt chỉ số PCI cao cần quan tâm đến 10 yếu tố sau: Chi phí gia nhập thị trường thấp; tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin liên quan đến kinh doanh được công khai; chi phí không chính thức thấp; chi phí thời gian cho thanh tra, kiểm tra và thực hiện các thủ tục hành chính thấp; môi trường kinh doanh bình đẳng; lãnh đạo tỉnh, thành phố năng động, sáng tạo; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; chính sách và dịch vụ đào tạo lao động tốt; giải quyết tranh chấp cho doanh nghiệp công bằng, hiệu quả.

Nêu quan điểm trong việc cải thiện PCI của các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới, TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, nhấn mạnh: PCI là thước đo mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với chính quyền địa phương, thể hiện những nỗ lực cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Kết quả PCI của các tỉnh, thành cuối cùng được đo lường bởi: chỉ số phát triển kinh tế, số lượng và chất lượng doanh nghiệp, mức độ thu hút đầu tư. Đó là thước đo, là phương tiện hỗ trợ cho cải cách, quản lý và điều hành ở địa phương. Vì thế, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh không phải là những hoạt động hình thức, nhất thời mà phải đi vào chiều sâu, là công việc của chính những cán bộ, công chức, viên chức trong guồng máy hành chính, quản lý nhà nước của các địa phương. Đó phải là quá trình liên tục, kiên trì, cần bảo đảm tính ổn định trong thời gian dài.

Nhiều tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long cùng thống nhất mục tiêu trong năm 2014 và những năm tiếp theo là phải phấn đấu giữ vững và từng bước cải thiện thứ hạng, vị trí trong bảng xếp hạng PCI hằng năm. Trong đó, số tỉnh ở top 5 ít nhất 2 tỉnh; số tỉnh ở top 10 ít nhất 4 tỉnh; số tỉnh ở top 20 ít nhất 8 tỉnh; không có tỉnh ở nhóm thấp và tương đối thấp, không có tỉnh ở nhóm dưới 40.

HUY VŨ (Tạp chí Cộng sản)

Chia sẻ bài viết