10/02/2014 - 21:44

Dự thảo thi và công nhận tốt nghiệp THPT

Nhiều điểm mới, mừng hay lo?

Với mục đích đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém mà đảm bảo đánh giá đúng năng lực học sinh, theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã đưa ra Dự thảo một số phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT rộng rãi để tiếp nhận góp ý (gọi tắt là Dự thảo). Ghi nhận ý kiến trong phụ huynh, học sinh, cán bộ, giáo viên ở TP Cần Thơ cho thấy, sự đổi mới này là bước đột phá nhưng khó tránh khỏi nhiều nỗi lo…

* Giảm tải thi cử

Theo Dự thảo, sẽ tăng diện học sinh được miễn thi tốt nghiệp. Tức là, ngoài các đối tượng được quy định trong Quy chế thi hiện hành, học sinh có kết quả học tập, rèn luyện tốt sẽ được miễn thi dựa vào các tiêu chí về kết quả học tập, rèn luyện trong 3 năm học THPT của học sinh, đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi, hội thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật,… Tỷ lệ miễn thi chung trong kỳ thi đầu tiên cho mỗi Sở GD&ĐT tối đa là 20%. Điểm mới nữa trong thi tốt nghiệp THPT, ngành giáo dục sẽ đưa ra 2 phương án môn thi. Một là, thí sinh thi 4 môn (2 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn: Lý, Hóa, Sinh, Địa và Sử), học sinh có thể đăng ký thi môn Ngoại ngữ để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp; hai là, thí sinh thi 5 môn (3 môn thi bắt buộc: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn trong số các môn: Lý, Hóa, Sinh, Địa và Sử). Trả lời với báo chí về dự thảo mới này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục-Bộ GD&ĐT cho rằng, việc điều chỉnh này giúp học sinh giảm áp lực và xã hội đỡ tốn kém mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh và phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học.

 Học sinh ở TP Cần Thơ dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013.

Thực tế cho thấy, vài năm trở lại đây, tỷ lệ tốt nghiệp THPT cả nước nói chung, TP Cần Thơ nói riêng xấp xỉ 100% nên việc tiến tới bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT là điều phù hợp. Theo chị Nguyễn Thị Kiều (nhà ở quận Ninh Kiều, có con gái đang học lớp 12, Trường THPT Châu Văn Liêm), học lực của con chị thuộc loại Khá- Giỏi nhưng từ đầu năm học lớp 12 đã “chạy nước rút” để ôn luyện bài vở chuẩn bị các môn học. Khi nghe thông tin dự kiến năm nay Bộ GD&ĐT sẽ cho 4-5 môn thi (thay vì 6 môn như mọi năm), chị Kiều rất mừng vì con chị sẽ giảm áp lực học tập. Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ Trần Trọng Khiếm cho rằng: “Chương trình hiện nay quá nặng, bởi các môn học đưa quá nhiều nội dung vào chương trình, hàm lượng kiến thức quá tải. Vì vậy, trước tiên là phải giảm tải chương trình gọn, nhẹ và thiết thực để giảm gánh nặng cho học sinh”.

* Vẫn còn nỗi lo…

TP Cần Thơ hiện có 31 trường THPT (kể cả các trường THCS- THPT và trường có 3 cấp học), với hơn 25.000 học sinh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT ở TP Cần Thơ đạt trên 99%; có 24/28 trường THPT có tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp đạt 100%. Theo đánh giá của lãnh đạo ngành giáo dục TP Cần Thơ, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT ở TP Cần Thơ tăng và duy trì hằng năm nên việc tiến tới bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT là hợp lý. Tuy nhiên, trong kỳ thi đầu tiên, đối tượng học sinh được miễn thi chung cho mỗi sở GD&ĐT tối đa là 20% (dựa trên cơ sở xét duyệt trong dự thảo mới), nhiều người lo có xảy ra tiêu cực? Ông Võ Minh Lợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho rằng, dư luận băn khoăn là điều tất yếu. Tuy nhiên, nếu phương án này được áp dụng, mỗi Sở GD&ĐT phải tổ chức xét như thế nào ở mức độ khách quan, tối đa nhất. Đơn cử như, xem xét toàn bộ quá trình học ở 3 năm học (lớp 10, 11 và 12) và kết quả học tập, rèn luyện tổng thể (học lực, hạnh kiểm, đạt giải học sinh giỏi…) của học sinh; làm sao đủ các thành phần tham gia xét duyệt (cán bộ quản lý, giáo viên…) để đảm bảo khách quan và đồng thuận nhất. Ông Lợi nói: “Yếu tố con người vẫn quan trọng. Xã hội giao trọng trách cho ngành giáo dục thì nên tin tưởng đội ngũ giáo viên. Thực tế, các sở GD&ĐT có thể xét miễn thi cho học sinh dựa trên tiêu chuẩn về học tập và hạnh kiểm tốt 3 năm học… Việc quy định tỷ lệ 20% có thể tăng hoặc giảm tùy vào tình hình thực tế địa phương”.

Một khía cạnh khác trong Dự thảo, theo nhiều cán bộ giáo dục nên giữ môn Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc. Thầy Trần Thiện Nam, giáo viên Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, cho biết, trong phương án 1 là thi 4 môn (2 môn thi bắt buộc và 2 môn tự chọn) nhưng trong số môn thi tự chọn không có môn Ngoại ngữ. Học sinh có thể đăng ký thi môn Ngoại ngữ để cộng điểm khuyến khích nhưng điều này hoàn toàn có thể dẫn đến việc xem nhẹ yêu cầu học ngoại ngữ; không tạo động lực cho học sinh học ngoại ngữ. Theo cô Lê Di Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm, phương án 1 có ưu điểm là giảm áp lực cho học sinh, đảm bảo đánh giá môn Ngoại ngữ thực chất hơn, tạo điều kiện để Bộ GD&ĐT và các trường có thời gian triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học theo yêu cầu của Đề án ngoại ngữ 2020. Tuy nhiên, cần đưa môn Ngoại ngữ vào 1 trong 3 môn thi bắt buộc để tạo động lực cho học sinh học Ngoại ngữ, bởi ngành giáo dục đã và đang đẩy mạnh việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông.

Tất nhiên, sẽ có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT mà Bộ GD&ĐT vừa đề ra. Ghi nhận từ phụ huynh và cán bộ quản lý giáo dục đều nhận ý kiến đồng tình việc đổi mới này. Điều quan trọng là dự thảo mới ban hành cần phù hợp tình hình thực tế và cách làm minh bạch, khoa học của các sở GD&ĐT, trường phổ thông.

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết