25/06/2011 - 10:19

Công tác xây dựng Đảng ở xã, phường, thị trấn

Nhiều chuyển biến

Tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cấp xã) là đơn vị trực tiếp lãnh đạo tổ chức thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động mọi khả năng để phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức xây dựng cuộc sống của cộng đồng dân cư. Thời gian qua, Thành ủy Cần Thơ luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ cấp xã, coi đây là một việc có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ. Trong cuộc làm việc mới đây giữa Thường trực Thành ủy và đại diện cấp ủy của các TCCSĐ cấp xã trên địa bàn về vấn đề này, các đại biểu đã có nhiều ý kiến sâu sắc...

* Chuyển biến mới

Đảng bộ TP Cần Thơ hiện có 703 TCCSĐ, với hơn 31.000 đảng viên, trong đó, có 85 TCCSĐ cấp xã với 1.152 chi bộ trực thuộc và hơn 15.500 đảng viên. Theo nhận xét của lãnh đạo Ban Tổ chức Thành ủy, thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) và Chương trình hành động số 37-CTr/TU của Thành ủy về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, thời gian qua, các cấp ủy cấp xã đã tập trung đổi mới công tác chính trị tư tưởng, lề lối sinh hoạt cấp ủy và sinh hoạt chi bộ, kiện toàn bộ máy cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể; tập trung lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. Các đảng viên trong các TCCSĐ cấp xã cũng đã phát huy tốt vai trò nòng cốt, gương mẫu, tạo tác động tích cực trong công tác vận động quần chúng... Qua đánh giá chất lượng năm 2010, số TCCSĐ cấp xã đạt danh hiệu Trong sạch vững mạnh chiếm đến 91,76%, không có TCCSĐ yếu kém; hơn 95% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm để tạo nên “sức bật” mới trong công tác xây dựng Đảng ở địa phương. Theo đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Đảng ủy phường An Cư, quận Ninh Kiều, việc đổi mới nội dung sinh hoạt chi bộ theo Chỉ thị 10-CT/TW của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Ban Tổ chức Thành ủy đã giúp các chi bộ nâng cao hiệu quả hoạt động. Đồng chí cho biết: Đảng viên của đảng bộ phần đông là cán bộ hưu trí. Trước đây, một số đảng viên có tư tưởng “an phận”, tham gia sinh hoạt lệ nhưng rất ít khi đóng góp ý kiến, chưa tích cực trong các hoạt động ở địa phương. Để khắc phục, Đảng ủy chỉ đạo các chi bộ thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt định kỳ, mỗi buổi sinh hoạt phải dành thời gian hợp lý cho công tác chính trị tư tưởng và đánh giá tình hình thực hiện các mặt công tác Đảng, kết quả thực hiện nhiệm vụ, tinh thần gương mẫu... của đảng viên. Ban đầu, chi ủy phân công đảng viên chủ động chuẩn bị ý kiến phát biểu, đề xuất giải pháp giải quyết những hạn chế; dần dần mỗi buổi sinh hoạt, các đảng viên đều tham gia đóng góp ý kiến sôi nổi, tính chủ động và tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ cũng được nâng lên...

Đảng viên đảng bộ phường Long Hòa, quận Bình Thủy, bỏ phiếu bầu BCH Đảng bộ phường nhiệm kỳ 2010-2015.  

Đối với cấp ủy xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy cấp trên trực tiếp là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động của Đảng bộ xã. Đồng chí Trần Quốc Bền, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung An, chia sẻ: “Lúc được Thành ủy chọn là đơn vị điểm xây dựng xã “nông thôn mới”, Đảng ủy xã rất lo lắng và gặp lúng túng. Tuy nhiên, được sự lãnh đạo sâu sát của Huyện ủy và đồng chí Thành ủy viên được Thành ủy phân công chỉ đạo trực tiếp, xã đã tập trung thực hiện các chỉ tiêu chưa đạt, tạo chuyển biến rõ nét. Thông qua các đợt kiểm tra, giám sát, Huyện ủy đã giúp xã khắc phục nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện công tác cán bộ, thực hiện tốt các nguyên tắc xây dựng Đảng; uốn nắn kịp thời những sai sót, những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị ở xã. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, thời gian qua, đảng ủy xã cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra hoạt động của các chi bộ trực thuộc”.

Để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng cán bộ, đảng viên, nhiều ý kiến khẳng định, việc kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ là một trong những giải pháp trọng tâm. Theo đồng chí Lê Thanh Hài, Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, đi đôi với việc sắp xếp, kiện toàn về bộ máy tổ chức, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ... được các cấp ủy cơ sở rất quan tâm, nhất là công tác quy hoạch tạo nguồn cán bộ kế thừa. Trong 1.112 cấp ủy viên cấp xã nhiệm kỳ 2010-2015 ở thành phố có 18,97% nữ, 36,60% cán bộ trẻ. Mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã cũng được các đại biểu đánh giá cao. Đồng chí Lê Hoàng Dũng, có hơn 3 năm đảm nhiệm vai trò Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, chia sẻ: “Chủ trương này khắc phục được tình trạng thiếu đồng bộ, chưa thống nhất giữa việc đề ra chủ trương và tổ chức thực hiện. Việc triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi, bộ máy tinh gọn”...

* Cần có sự đột phá trong công tác cán bộ

Bên cạnh việc chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng Đảng ở cấp xã, đặc biệt là trong công tác cán bộ. Nhiều ý kiến nhận định, mặc dù có chuyển biến, nhưng đội ngũ cán bộ cơ sở còn thiếu và yếu về trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; một số đồng chí cấp ủy viên năng lực còn hạn chế. Hơn 35% cán bộ cấp ủy cấp xã chưa qua đào tạo, 29,94% chỉ có trình độ chính trị sơ cấp; hơn 27% bí thư chi bộ, đảng bộ cấp xã chưa qua đào tạo chuyên môn và hơn 8% có trình độ sơ cấp chính trị. Phân tích nguyên nhân của thực trạng này, nhiều đại biểu cho rằng, một số cấp ủy chưa quan tâm tạo điều kiện thuận lợi và động viên đội ngũ cán bộ đảng viên học tập. Bên cạnh đó, nhiều đảng viên cũng chưa tự giác, nỗ lực học tập nâng cao trình độ.

Chế độ chính sách đối với cán bộ cấp xã, nhất là cán bộ làm công tác Đảng, chưa tương xứng cũng là nguyên nhân chưa thu hút được cán bộ giỏi. Các đại biểu phân tích: Các chức danh phụ trách tổ chức, tuyên giáo, kiểm tra của cấp ủy cơ sở thường là những người có kinh nghiệm trong công tác đảng, có uy tín và được đảng viên tín nhiệm bầu qua đại hội, nhưng lại không có biên chế, làm việc chỉ hưởng phụ cấp, cũng không có chế độ bảo hiểm xã hội nên các cán bộ này không an tâm công tác. Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Đảng ủy phường An Cư, nêu ví dụ cụ thể: Theo quy định, một cán bộ lãnh đạo chính quyền ở phường đến hạn phải điều chuyển công tác, nhưng nếu chuyển sang phụ trách công tác tuyên giáo – chức danh mà đảng ủy phường còn khuyết - thì sẽ thiệt thòi rất nhiều về quyền lợi kinh tế, nên hiện nay chức danh tuyên giáo vẫn do Bí thư đảng ủy kiêm nhiệm.

Không phủ nhận những hiệu quả tích cực của mô hình Bí thư kiêm chủ tịch UBND cấp xã, nhưng theo nhiều đại biểu, mô hình này chỉ có thể phát huy hiệu quả như mong muốn khi bộ phận tham mưu có đủ năng lực. Tuy nhiên, do công tác đào tạo cán bộ chưa theo kịp yêu cầu nên quá trình thực hiện mô hình đã bộc lộ nhiều bất cập. Đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Thới Lai, nêu: “Ở xã Thới Thạnh, có thời điểm cả 3 đồng chí trong Thường trực Đảng ủy, UBND xã đi học, đồng chí Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã cùng lúc phải vừa dự hội họp cấp trên, vừa xử lý công việc của Đảng ủy, UBND, tiếp dân, giải quyết hành chính... ảnh hưởng không nhỏ đến công tác điều hành”...

Các đại biểu cũng chỉ ra một số vướng mắc, hạn chế khác trong công tác xây dựng Đảng ở TCCSĐ cấp xã, như: Công tác kết nạp đảng viên từng lúc từng nơi chưa được thường xuyên; hệ thống chính trị ở một số địa phương chưa chuyển kịp với sự phát triển của kinh tế - xã hội. Mặt khác, một số cấp ủy cấp xã chưa nhận thức một cách đầy đủ về công tác xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương nên lãnh đạo, chỉ đạo chưa đúng mức; có tâm lý nặng về lãnh đạo phát triển kinh tế xã hội hơn công tác xây dựng Đảng, đoàn thể...

Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, cho biết Thường trực Thành ủy sẽ nghiên cứu, sớm giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của thành phố và kiến nghị trung ương điều chỉnh những điều chưa hợp lý, nhằm tạo điều kiện cho các TCCSĐ cấp xã tháo gỡ vướng mắc, nâng cao hiệu quả hoạt động. Đồng chí cũng đề nghị cấp ủy cấp xã và mỗi đảng viên năng động, chủ động tự nâng cao năng lực lãnh đạo theo đúng quyền hạn chức trách, để thực hiện có hiệu quả hơn nữa đường lối, chính sách của Đảng; xây dựng thành phố ngày càng phát triển.

Bài, ảnh: HOÀNG THANH

Chia sẻ bài viết