26/08/2008 - 08:27

Phát triển y tế, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm ở TP Cần Thơ

Nhiều bất cập chưa được tháo gỡ

Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND thành phố vừa tiến hành giám sát tình hình xây dựng cơ sở vật chất y tế, giáo dục, đào tạo, giải quyết việc làm… ở quận Bình Thủy và các huyện Phong Điền, Thốt Nốt. Qua giám sát cho thấy, việc triển khai thực hiện các vấn đề trên ở các quận, huyện này vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Chuẩn hóa trường học, trạm y tế: Khó khăn!

Hiện nay, huyện Thốt Nốt có 10 trường mầm non, 25 trường tiểu học, 7 trường trung học cơ sở (THCS), 3 trường trung học phổ thông (THPT), 1 trung tâm giáo dục thường xuyên, 1 trung tâm dạy nghề và 8 trung tâm học tập cộng đồng. Tuy nhiên, trong số này mới có 1 trường mầm non, 2 trường tiểu học và 1 trường THCS được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Phần lớn cơ sở vật chất trường học trên địa bàn huyện đã được xây dựng lâu năm, bán kiên cố, đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Đáng chú ý là huyện vẫn còn có 29 phòng học xây dựng tạm bằng cây. Ông Nguyễn Minh Toại, Phó Chủ tịch UBND huyện Thốt Nốt, cho biết thêm: “Do thiếu phòng học, nên hiện nay trên địa bàn huyện mới có 31,25% lớp học 2 buổi/ngày; nhiều trường mầm non có từ 35 - 40 cháu/lớp. Chưa đủ số lượng phòng học, nên nhiều trường cũng chưa có thư viện, phòng thiết bị, phòng thí nghiệm, phòng bộ môn...”. Trên địa bàn huyện chỉ có 3 trường THPT, chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh. Hằng năm, vẫn còn số lượng lớn học sinh sau khi học hết chương trình THCS phải nghỉ học. Đây là áp lực lớn cho huyện trong việc thực hiện các chỉ tiêu về giáo dục, dạy nghề, giải quyết việc làm,...

Huyện Phong Điền hiện có 23 trường tiểu học, 7 trường mầm non, 6 trường THCS và 1 trường THPT, nhưng chỉ có 1 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia; toàn huyện vẫn còn 23/508 phòng học tạm bợ. Đặc biệt, trong năm học 2008-2009, huyện Phong Điền có tới gần 240 học sinh đã học xong THCS nhưng không có trường THPT để học tiếp. Trong khi đó, các cơ sở giáo dục thuờng xuyên, dạy nghề lại không đảm bảo được việc dạy văn hóa, dạy nghề cho các em học sinh này.

 Bệnh viện Đa khoa Phong Điền xây dựng đã lâu nhưng hiện chỉ mới hoàn thành bảng hiệu, tường rào!

Ông Hồ Văn Ngộ, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện tại, Sở không có kinh phí để đầu tư xây dựng trường THPT. Do vậy, việc giải quyết “chỗ học” cho học sinh THCS “dôi dư”, thì UBND các huyện phải phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức dạy bổ túc kết hợp với dạy nghề cho các em theo đúng quy định về phân luồng học sinh”.

Trong 3 quận, huyện được Ban Văn hóa – Xã hội HĐND thành phố giám sát, thì quận Bình Thủy được đánh giá là có cơ sở vật chất của ngành y tế gặp nhiều khó khăn nhất. Đã chia tách địa giới hành chính hơn 4 năm, nhưng đến nay Bệnh viện Đa khoa quận Bình Thủy vẫn chưa được quy hoạch đất để xây dựng. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa quận Bình Thủy vẫn hoạt động “nhờ” cơ sở vật chất của Phòng khám Đa khoa khu vực Bình Thủy, với 20 giường bệnh. Quận Bình Thủy có 8 trạm y tế phường, nhưng có tới 3 trạm chưa có cơ sở vật chất và trang thiết bị, phải hoạt động chung với các trạm y tế khác (Trạm y tế phường Bình Thủy hoạt động chung với Bệnh viện đa khoa quận, Trạm y tế phường Bùi Hữu Nghĩa hoạt động chung với Trạm y tế phường An Thới và Trạm y tế phường Trà An hoạt động chung với Trạm y tế phường Trà Nóc). Nhiều trạm y tế còn lại cũng đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, nhưng chưa được xây dựng mới như Trạm y tế phường Long Hòa, Trạm y tế phường An Thới, Trạm y tế phường Long Tuyền.

Huyện Phong Điền còn 1/7 xã, thị trấn chưa có trạm y tế; 2/7 trạm y tế chưa đạt chuẩn. Trong khi đó, Bệnh viện Đa khoa huyện Phong Điền (quy mô 120 giường), đến nay mới chỉ xây dựng được khuôn viên hàng rào và bảng hiệu. Ông Lê Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: “Bệnh viện đa khoa huyện đang trong quá trình hoàn chỉnh thủ tục để tiếp tục xây dựng. Riêng Trung tâm Y tế dự phòng huyện, do được phê duyệt xây dựng trong khu đất quy hoạch cho Bệnh viện Đa khoa Phong Điền, nên khi nào bệnh viện này xây dựng hoàn chỉnh, sẽ tổ chức thi công”. Cơ sở y tế không đảm bảo, nhưng theo báo cáo của UBND huyện Phong Điền, lượng bệnh nhân mỗi ngày Bệnh viện Phong Điền phải khám, điều trị lên đến từ 300 – 400 lượt.

Cơ sở y tế, trường học còn nhiều “ngổn ngang” trong xây dựng, nâng cấp vì thiếu kinh phí, nhưng thời gian qua, UBND huyện Phong Điền lại điều tiết kinh phí hơn 8,6 tỉ đồng dành cho việc xây dựng cơ sở y tế, trường học (từ nguồn xổ số kiến thiết) sang dự án khác không đúng mục đích hơn 3,7 tỉ đồng (số tiền còn lại, hiện nay chưa được giải ngân). Ông Lê Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, giải thích: “Do công trình xây dựng Khu chứng tích Ông Hào bức xúc nên UBND huyện đã điều tiết nguồn vốn dành cho xây dựng trường học, cơ sở y tế sang để thực hiện”. Vấn đề này, bà Nguyễn Thanh Giang, Phó Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP Cần Thơ, nhận xét: “Việc điều tiết này là không đúng quy định, đề nghị UBND huyện Phong Điền phải xem xét lại”.

Đào tạo nghề: Chưa phù hợp !

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội, được lãnh đạo thành phố, các địa phương quan tâm chỉ đạo, thực hiện. Ngoài các chương trình quốc gia, HĐND thành phố có Nghị quyết và UBND thành phố cũng đã ban hành Quyết định số 04/2006/QĐ-UBND, ngày 10-1-2006, về đề án đào tạo nghề cho lao động ngoại thành và chiến sĩ lực lượng vũ trang xuất ngũ TP Cần Thơ giai đoạn 2006-2010 để cụ thế hóa Nghị quyết của HĐND thành phố. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện vẫn còn nhiều bất cập.

Theo báo cáo của UBND quận Bình Thủy, hiện nay số người trong độ tuổi lao động trên địa bàn quận khoảng 58.000 người; mỗi năm dự kiến có thêm khoảng 6.000 người bước vào tuổi lao động, cần việc làm ổn định. Nhưng chất lượng nguồn lao động còn hạn chế, lao động chưa qua đào tạo còn chiếm tỷ lệ cao, cơ cấu lao động nông nghiệp chuyển dịch chậm và bất hợp lý so với cơ cấu kinh tế địa phương. Từ đó, tạo nên sức ép lớn về việc làm và các vấn đề xã hội khác.

Trên thực tế việc đào tạo nghề ở nhiều địa phương vẫn chưa được đổi mới, nhiều nghề không phù hợp với thực tế. Theo UBND huyện Phong Điền, do các ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường, nên số học viên sau khi được đào tạo nghề không tìm được việc làm chiếm tỷ lệ cao (khoảng 30% so với tổng số học viên được đào tạo nghề). Đối với công tác quản lý nguồn vốn vay giải quyết việc làm, ông Lê Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “UBND huyện sẽ chỉ đạo các ngành chuyên môn “xem” lại, để đào tạo sát thực tế, giúp người lao động có nghề, có việc làm, có thu nhập, ổn định cuộc sống”.

Ở huyện Thốt Nốt, từ năm 2006 đến nay, huyện phối hợp với các chương trình, đề án khác đã giới thiệu và giải quyết việc làm cho trên 16.000 lao động trên địa bàn. Tuy nhiên, do đa số học viên lao động ngoại thành và lực lượng vũ trang xuất ngũ đêu có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trình độ học vấn thấp, chất lượng đào tạo nghề hạn chế, ngán ngại tìm việc làm, nên cơ hội có việc làm ổn định, thu nhập cao rất khó... Vì vậy, nhiều ý kiến đề xuất huyện Thốt Nốt cần thay đổi đề án đào tạo nghề phù hợp với xu thế, đáp ứng yêu cầu lao động thời kỳ đô thị hóa hiện nay. Ông Nguyễn Hữu Thạnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thốt Nốt, nói: “Công tác dạy nghề hiện nay vẫn còn hạn chế, ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của địa phương. Cụ thể như khi Khu công nghiệp Thốt Nốt được đưa vào khai thác, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản có nhu cầu tuyển hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn lao động, nhưng chúng ta không có nguồn để đáp ứng. Trong khi đó, chúng ta lại dạy các nghề như: may công nghiệp, tin học, chăn nuôi thú y, thủ công mỹ nghệ, thợ nề, nuôi trồng thủy sản,... liệu có phù hợp? Cần phải có cơ chế phối hợp giữa doanh nghiệp và trung tâm dạy nghề để đào tạo nghề kịp theo yêu cầu của xã hội. Song song đó, còn đa dạng hóa và xã hội hóa công tác dạy nghề, đầu tư nâng cấp các trung tâm dạy nghề phù hợp với yêu cầu phát triển của các ngành đào tạo”.

Ngoài ra, trong quá trình giám sát, đoàn giám sát của Ban Văn hóa- Xã hội HĐND thành phố cũng đã được nghe các địa phương phản ánh về những khó khăn trong việc thực hiện Nghị quyết số 07/NQ-HĐND của HĐND thành phố về khuyến khích, hỗ trợ nguồn nhân lực của TP Cần Thơ (giai đoạn 2007-2011). Sau hơn nửa năm thực hiện Nghị quyết, quận Bình Thủy và các huyện Thốt Nốt và Phong Điền vẫn chưa có người nào đăng ký về địa phương làm việc. Theo lãnh đạo các địa phương, sở dĩ có tình trạng trên là do chính sách thu hút nguồn nhân lực của thành phố còn một số điểm chưa hợp lý; những người tốt nghiệp đại học thường có tâm lý ngán ngại về làm việc tại các xã phường, thị trấn...

***

TP Cần Thơ đang phấn đấu trở thành đô thị loại I vào cuối năm 2009, trong đó có các tiêu chí về phát triển y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm... Bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, thiết nghĩ, các địa phương, ngành chức năng cần quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trong các lĩnh vực phát triển giáo dục , đào tạo, y tế, giải quyết việc làm,... nhằm chăm lo tốt đời sống nhân dân; tạo động lực mạnh mẽ góp phần xây dựng thành phố trở thành đô thị loại I như Nghị quyết của Thành ủy, HĐND thành phố đã đề ra.

QUỐC - THANH

Chia sẻ bài viết