13/11/2018 - 08:47

Nhiếp ảnh gia Nicolas Cornet và "chùa Việt Nam" 

Nhiếp ảnh gia người Pháp Nicolas Cornet.

Ba năm qua, nhiếp ảnh gia người Pháp Nicolas Cornet đã dành nhiều thời gian rong ruổi khắp các tỉnh, thành phố ở Việt Nam để ghi lại những hình ảnh đền, chùa cùng văn hóa, đời sống tâm linh của người dân bản địa.

Là người đặc biệt quan tâm đến lịch sử văn hóa, kiến trúc, đời sống sinh hoạt của Việt Nam, chắc hẳn chủ đề về đền, chùa và ý nghĩa của nó trong đời sống của người dân luôn cuốn hút ông. Nicolas chia sẻ: “Vợ tôi là người Việt Nam, một nửa bạn bè tôi cũng là người Việt. Vì vậy, tôi rất thích văn hóa và ngôn ngữ nơi đây”.

Bắt đầu cuộc hành trình của mình từ bắc vào nam trên dải đất hình chữ S để khám phá những ngôi chùa, đền và nơi thờ phụng lớn của Việt Nam, ông đã chụp khoảng 30 nghìn bức ảnh và đến thăm gần 100 chùa, đền.

Nhiếp ảnh gia người Pháp luôn chú trọng vào vẻ đẹp kiến trúc, mỹ thuật điêu khắc, nghệ thuật tạo hình tượng Phật ở các ngôi đền, chùa.

Riêng ở Việt Nam, ông chụp rất nhiều nơi và không nhớ mình đã thực hiện bao nhiêu bộ ảnh, dự án lớn nhỏ. Trong nhiều bức ảnh chụp Việt Nam, Nicolas đã giới thiệu tới công chúng hình ảnh đền, chùa Việt Nam dưới góc nhìn của mình qua buổi triển lãm “Chùa Việt Nam” và ra mắt cuốn sách ảnh “Vietnam Pagodas” dày 250 trang với 31 ngôi đền, chùa.

Ông nói: “Năm 2015, tôi cùng gia đình đến thăm chùa Phật Tích (Bắc Ninh). Lúc này, chùa được xây dựng lại nên toàn bộ mái ngói, tường và kiến trúc cũ thay vì trùng tu lại bị đập đi xây mới. Ngay khoảnh khắc ấy, tôi nhận ra rằng, thật tiếc khi đến ngày nào đó, tôi và con người Việt Nam không còn được trông thấy các di sản này nữa. Từ đó, tôi quyết định thực hiện cuốn sách ảnh về đền, chùa Việt Nam để ghi lại những hình ảnh vô giá, với mong muốn, thế hệ tương lai có thể cảm nhận được hết vẻ đẹp của kiến trúc xưa”.

Vì tình yêu với quê hương Việt Nam, tôi quyết định ghi lại hình ảnh tuyệt đẹp của những ngôi chùa còn nguyên nét kiến trúc cổ trong một cuốn sách ảnh được chăm chút cẩn thận, trước khi chúng biến mất vì “trùng tu”.

Hình ảnh phòng nghỉ của sư thầy ở chùa Bổ Đà, Bắc Giang được Nicolas Cornet ghi lại thật bình dị và tinh tế.

Cuốn sách ảnh là quy tụ các kiến trúc đền, chùa cổ. Trong đó, chú trọng vào các chi tiết mỹ thuật của di sản mà đôi khi chưa được nhiều người Việt biết đến. Qua đây, người xem có thể thấy, Nicolas đã diễn tả cuộc sống đời thường nơi cửa phật vô cùng đặc sắc và tinh tế. Cuốn sách gồm năm chương. Hai chương đầu nói về chùa ở miền bắc; chương ba tập trung ở Huế, Hội An và hai chương cuối nói đến chùa ở miền nam. Mỗi chương, ông đều dành ra một trang để miêu tả về vẻ đẹp kiến trúc, mỹ thuật điêu khắc, nghệ thuật tạo hình tượng Phật… Cùng với đó là nhịp sống thường nhật tại những ngôi chùa, sự gắn bó mật thiết với cộng đồng, làng xã. “Hình ảnh tôi chụp chủ yếu về cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân Việt Nam. Tôi thích sự gần gũi với mọi người và thể hiện điều đó qua hình ảnh”, ông nói.

Đến Huế, Nicolas có dịp được ngồi đàm đạo với các vị sư, tự mình trải nghiệm đời sống tâm linh của một phật tử và để có được những góc ảnh đẹp nhất, có những lúc, ông phải xin tá túc hai, ba ngày liền trong chùa. “Kiến trúc đền, chùa ở Huế có nết rất khác với miền bắc, có nhiều cây xanh bao quanh, có giếng nước và phong thủy nơi linh thiêng này luôn được chú trọng ở đây”, Nicolas chia sẻ.

Chia sẻ về cảm nhận của mình trong chuyến hành trình của mình, Nicolas nói: “Tôi nhận thấy, chùa ở miền bắc không chỉ là nơi thờ phật như ở các quốc gia khác trên thế giới, mà nơi đó có thể thờ các vị vua, vị anh hùng, thay vì nhắc đến chùa mà người dân thường nghĩ đến phật. Điều khiến tôi ấn tượng nhất, vào mỗi dịp lễ, Tết, đặc biệt là Tết Nguyên đán, rằm tháng Giêng, đầu tháng, tại các ngôi đền, chùa đều tấp nập người ra, người vào thắp hương, lễ bái cầu nguyện, xin sức khỏe, may mắn... Ngoài ra, có người tìm đến chùa chỉ với lý do muốn có không gian thanh tịnh nơi cửa chùa”.

Đời sống tâm linh thường nhật của người dân Việt Nam.

Không chỉ hoạt động dưới cương vị là một nhiếp ảnh gia, Nicolas luôn quan tâm đến sự phát triển của nhiếp ảnh Việt Nam, bởi ông nhận thấy ở đây chưa có bất kỳ trường đại học nào đào tạo chuyên nghiệp về bộ môn này. Từ đó, ông quyết định tham gia giảng dạy các lớp đào tạo về nhiếp ảnh và nhiếp ảnh báo chí. Gần đây, ông và Trung tâm văn hóa Pháp L’espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội phối hợp thực hiện nhiều dự án dạy nhiếp ảnh cho các bạn trẻ, được triển khai vào năm 2013 ở TP Hồ Chí Minh và đang được thực hiện tại Hà Nội từ đầu tháng 11.

Dành thời gian, công sức để thực hiện dự án này, Nicolas chỉ có một mục đích duy nhất là chia sẻ những gì mình học được cho người yêu chụp ảnh. Theo ông, nền nhiếp ảnh Việt Nam nên hỗ trợ cho các bạn trẻ tài năng để tạo ra một thế hệ người chụp mới.

Chia sẻ về dự án tiếp theo của mình, ông nói: “Tôi sẽ dành thời gian nghỉ ngơi sau dự án lần này và có dự định sẽ cho ra mắt cuốn sách về ẩm thực Việt Nam. Nó không đơn thuần chỉ giới thiệu món ăn thường ngày mà là sự cảm nhận của cá nhân tôi về những món đặc sản vùng miền. Đồng thời, trong cuốn sách, tôi sẽ chia sẻ về những mối quan hệ giữa xã hội, văn hóa, con người với món ăn, hay cách thức chuẩn bị và chế biến ra một món ăn công phu, tỉ mỉ ra sao”.

Theo Báo Nhân Dân

Chia sẻ bài viết