21/02/2019 - 21:55

Nhân rộng hiệu quả Trường Điển hình đổi mới 

Tăng cường truyền thông, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động trải nghiệm sáng tạo hay tổ chức giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện mô hình... là giải pháp được bàn luận tại Hội nghị Sơ kết 2 năm xây dựng Trường Điển hình đổi mới và triển khai thực hiện kế hoạch năm 2019, do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ vừa tổ chức.

Cô trò Trường Tiểu học Bình Thủy trong giờ hoạt động ngoại khóa. Đây là một trong số trường được chọn thực hiện Trường Điển hình đổi mới. Ảnh: NG.NGÂN

Cô trò Trường Tiểu học Bình Thủy trong giờ hoạt động ngoại khóa. Đây là một trong số trường được chọn thực hiện Trường Điển hình đổi mới. Ảnh: NG.NGÂN

Ông Nguyễn Phúc Tăng, Trưởng Phòng Giáo dục trung học, Tổ trưởng Tổ giúp việc Trường Điển hình đổi mới thuộc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho biết: Mô hình Trường Điển hình đổi mới đã tác động tích cực đến hoạt động quản lý, dạy và học. Từ đó tạo đột phá, chuyển biến trong hoạt động giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng toàn diện. Điều này thể hiện qua kết quả học lực, hạnh kiểm của học sinh đều đạt và vượt các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia. Chất lượng dạy học của các bậc học tiệm cận tiêu chí của Trường Điển hình đổi mới...

Từ 4 trường thực hiện Trường Điển hình đổi mới vào năm đầu tiên (2017) triển khai, đến nay, thành phố có 13 trường thực hiện mô hình này. Năm 2019, mô hình được nhân rộng tại 18 đơn vị, hướng đến mục tiêu sau năm 2020, thành phố sẽ triển khai đại trà Trường Điển hình đổi mới. Đây là nền tảng để ngành giáo dục và đào tạo thành phố thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông mới sắp tới, đáp ứng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Tuy nhiên, cán bộ quản lý các đơn vị cho rằng, trong quá trình thực hiện mô hình  đòi hỏi có giải pháp căn cơ. Cô Lê Di Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm, cho biết: Đơn vị được chọn thực hiện Trường Điển hình đổi mới trong năm 2019 và nhà trường đã quán triệt việc thực hiện mô hình này đến toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh. “Điều tôi băn khoăn là thời gian tổ chức cho học sinh tham gia trải nghiệm sáng tạo, cũng như kinh phí. Bởi vì không phải học sinh nào cũng có điều kiện để tham gia”, cô Thanh nêu vấn đề.

Các Phòng GD&ĐT quận, huyện chưa triển khai Trường Điển hình đổi mới  mong muốn có nhiều cuộc giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện mô hình. Đơn cử như huyện Vĩnh Thạnh, trong 2 năm (2017 và 2018), huyện chưa có đơn vị thực hiện Trường Điển hình đổi mới do còn khó khăn về trường lớp. Năm 2019, huyện sẽ chọn Trường Mầm non Thị trấn Vĩnh Thạnh để thực hiện mô hình. Thầy Nguyễn Văn Liếng, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Ngành nỗ lực chuẩn bị các điều kiện để triển khai mô hình; cũng như tuyên truyền sâu rộng, tạo sự đồng thuận trong giáo viên, học sinh, phụ huynh. Để triển khai hiệu quả mô hình, ngành cần sự hỗ trợ từ các đơn vị bạn như chia sẻ kinh nghiệm, cách làm. Trước mắt là tổ chức cho cán bộ, giáo viên đến Trường Mầm non Tân Lộc (quận Thốt Nốt) để giao lưu, học tập mô hình.

Do mô hình thực hiện vẫn còn khá mới nên thông tin đến phụ huynh học sinh, xã hội vẫn chưa sâu rộng; khiến cán bộ quản lý các trường lo ngại về khả năng huy động nguồn xã hội hóa giáo dục. Bởi vì mô hình này chỉ duy trì hoạt động hiệu quả khi có sự ủng hộ và đóng góp của phụ huynh. Cô Đinh Thị Thảo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền, chia sẻ: Trường tận dụng cơ sở vật chất để phục vụ cho các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, làm tốt mô hình Trường Điển hình đổi mới. Nỗ lực duy trì và phát huy hiệu quả mô hình này của nhà trường cần sự ủng hộ của phụ huynh học sinh. “Trường tuyên truyền sâu rộng để phụ huynh học sinh hiểu rõ ý nghĩa, tiếp tục ủng hộ thực hiện mô hình giáo dục mới”, cô Thảo nói. 

Hiệu quả từ Trường Điển hình đổi mới đã rõ và việc duy trì bền vững mô hình đòi hỏi sự cộng hưởng từ nhiều phía.

NG.NGÂN

Chia sẻ bài viết