13/06/2019 - 09:55

Nhận diện và đấu tranh với âm mưu, hoạt động lợi dụng vấn đề “xã hội dân sự” để chống phá Đảng, Nhà nước, hòng chuyển hóa chế độ chính trị ở Việt Nam

Những năm gần đây, khái niệm “xã hội dân sự” xuất hiện trên các diễn đàn, báo chí, truyền thông xã hội với tần suất ngày càng nhiều hơn. Sở dĩ được thảo luận nhiều, vì trong vòng hơn hai thập niên qua, “xã hội dân sự” được các thế lực thù địch, cơ hội chính trị triệt để lợi dụng nhằm thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng vấn đề “xã hội dân sự” để chống phá Đảng, Nhà nước ta

Hiện nay, vấn đề “xã hội dân sự” (XHDS) đã và đang được các thế lực thù địch triệt để lợi dụng nhằm thực hiện mưu đồ chuyển hóa chế độ chính trị ở Việt Nam. Sau thất bại trong hoạt động chống phá Việt Nam ở các giai đoạn trước, hiện nay, các thế lực thù địch xem việc củng cố, thúc đẩy “XHDS” theo mô hình phương Tây là một hướng đi mới, là một trong những phương thức tác động cơ bản của chiến lược “diễn biến hòa bình” với mưu đồ xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam. Mục tiêu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề “XHDS” là tìm cách thúc đẩy sự xuất hiện các lực lượng, tổ chức chính trị đối lập, làm suy yếu sự quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các thế lực thù địch cho rằng, hình thành “XHDS độc lập về chính trị” là một “lối thoát” cho sự ra đời công khai, hợp pháp của các tổ chức, lực lượng chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, buộc Việt Nam phải chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Chúng ra sức cổ vũ cho hình thành ở Việt Nam một mô hình “XHDS độc lập về chính trị” kiểu phương Tây, nằm ngoài sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thoát ly khỏi sự quản lý của Nhà nước. 

Hòng thực hiện âm mưu đó, các thế lực thù địch đã và đang triệt để lợi dụng tính chất chính trị, xã hội phức tạp của “XHDS” để tác động vào hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều phương thức khác nhau, từ tuyên truyền lừa bịp, thổi phồng, cường điệu hóa vai trò của XHDS, cung cấp tài chính, phương tiện hoạt động đến gây sức ép với Đảng, Nhà nước ta trong quan hệ đối ngoại. Các đối tượng chống đối nhân danh chiêu bài “XHDS”, “dân chủ”, “nhân quyền”... để tập hợp lực lượng, lập hội, nhóm với tên gọi, khẩu hiệu, tôn chỉ, mục đích dễ gây “ấn tượng” với thị hiếu của từng nhóm xã hội nhất định, như “Diễn đàn xã hội dân sự”, “Hội tù nhân lương tâm”, “Hội phụ nữ nhân quyền”, “Hội bầu bí tương thân”, “Hội nhà báo độc lập”, “Hội anh em dân chủ”,... 

Thủ đoạn mà các đối tượng chống đối sử dụng phổ biến hiện nay là thông qua các trang web, diễn đàn trực tuyến, nhất là mạng xã hội để công khai tổ chức, tuyên truyền, lừa bịp, lôi kéo quần chúng tham gia; sử dụng các phần mềm bảo mật để liên lạc, tổ chức huấn luyện, đào tạo trực tuyến cho thành viên; công khai viết “đơn kiến nghị” đòi thành lập đảng chính trị đối lập, tự do thành lập hội mà không tuân theo quy định pháp luật, đòi khởi kiện, vu cáo, xuyên tạc Nhà nước ta vi phạm các điều ước quốc tế về quyền dân sự... Ngoài ra, các đối tượng này còn tìm cách chia rẽ nội bộ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, lợi dụng các khuyết điểm trong quản lý đất đai, môi trường... để kích động khiếu kiện, tụ tập đông người, biểu tình, xuyên tạc tình hình, hạ uy tín cán bộ; thông qua các hoạt động này để tập hợp lực lượng, gây thanh thế, từng bước nhen nhóm và thành lập tổ chức chính trị đối lập... Tại các địa bàn chiến lược, các đối tượng chống đối đẩy mạnh xuyên tạc chính sách dân tộc, tôn giáo; kích động tư tưởng ly khai, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, khơi gợi, khoét sâu mâu thuẫn dân tộc, tuyên truyền phát triển các tổ chức tôn giáo phi pháp, tụ tập “xưng vua”... 

Bên cạnh đó, dưới danh nghĩa đại diện các tổ chức “XHDS”, một số đối tượng chống đối đã tham gia các buổi điều trần ở nước ngoài, vu cáo Việt Nam vi phạm “dân chủ”, “nhân quyền”, đề nghị can thiệp trả tự do cho các đối tượng chống đối trong nước bị bắt do vi phạm pháp luật... Đặc biệt, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị triệt để lợi dụng tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đang diễn ra trong một bộ phận đảng viên, tình trạng yếu kém, sai phạm của một số cán bộ để thổi phồng, cường điệu hóa khuyết điểm, “hạ bệ” uy tín chính trị của Đảng, lôi kéo người dân tham gia các tổ chức mang danh nghĩa “XHDS” để tiến hành các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. Thực tế những năm qua cho thấy, một số tổ chức phi chính phủ (NGO) nước ngoài rất quan tâm đến các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội ở nước ta và tìm cách xâm nhập, tác động, hướng lái hoạt động, chuyển hóa dần các tổ chức này khi chưa đủ điều kiện, thời cơ thành lập tổ chức đối lập. Thông qua các hoạt động, như triển khai dự án, tài trợ tài chính, tổ chức hội thảo với các NGO Việt Nam, một số tổ chức nước ngoài đã đi sâu xâm nhập, tìm hiểu nội bộ, xu hướng quan điểm của các NGO Việt Nam, kích động các tổ chức này thoát ly vai trò lãnh đạo của Ðảng và sự quản lý của Nhà nước, cổ vũ quyền “tự do lập hội” theo tiêu chí phương Tây. Ngoài ra, một số tổ chức nước ngoài còn hỗ trợ tài chính cho một số NGO Việt Nam để xuất bản, phát hành tài liệu nghiên cứu, văn bản luật nước ngoài nhằm tuyên truyền quan điểm, pháp luật phương Tây đến với công chúng Việt Nam một cách công khai.

Các tổ chức phản động nước ngoài cũng tìm cách thúc đẩy hình thành “XHDS” tại Việt Nam với mục đích chống phá từ bên trong. Tổ chức “Bảo vệ người lao động” (tại Ba Lan) gia tăng hoạt động với ý đồ chuyển hướng xâm nhập vào trong nước, thúc đẩy hình thành các tổ chức “công đoàn tự do”. Tổ chức “Mạng lưới tuổi trẻ Việt Nam lên đường” đã tiến hành “Đại hội thanh niên sinh viên Việt Nam trên thế giới lần thứ V” vào tháng 1-2008 tại Ma-lai-xi-a. Tại “đại hội” này, các đối tượng tham gia cho rằng để tiến hành “cuộc cách mạng hòa bình” tại Việt Nam thì phải xây dựng được một “XHDS bền vững” và muốn thay đổi xã hội thì không chỉ trên phương diện chính trị, mà còn trên các phương diện kinh tế, luật pháp, trong mỗi cộng đồng dân cư. Qua đây cho thấy, các thế lực thù địch bên ngoài đặc biệt quan tâm đến việc lợi dụng “XHDS” để thực hiện âm mưu lật đổ Nhà nước xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Ðáng chú ý là, một số đối tượng cơ hội chính trị có quan điểm cực đoan đã lợi dụng một số tổ chức quần chúng hợp pháp để tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn có nội dung đòi “trưng cầu ý dân” về Ðiều 4 của Hiến pháp cũng như sửa đổi toàn bộ Hiến pháp, thúc đẩy hình thành “XHDS” và thực hiện các quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận, báo chí, lập hội theo tiêu chí phương Tây, tư hữu hóa đất đai... Ðây là phương thức chống đối công khai rất nguy hiểm, nếu thiếu cảnh giác có thể tạo môi trường để các thế lực thù địch lợi dụng các tổ chức “XHDS” đưa ra những kiến nghị thay đổi thể chế, chuyển đổi hệ thống luật pháp XHCN bằng luật pháp tư sản.

Vì sao các thế lực thù địch, cơ hội chính trị gia tăng hoạt động lợi dụng vấn đề “xã hội dân sự” để chống phá?

Một số học giả trên thế giới có quan điểm chống cộng rất đề cao vai trò của “XHDS” trong các cuộc “cách mạng sắc màu” lật đổ chế độ XHCN. Giữa những năm 80 của thế kỷ XX, ngay sau khi khởi xướng cải tổ với việc M. Goóc-ba-chốp chủ trương “công khai hóa” và “dân chủ hóa”, các tổ chức đoàn thể phi chính thức và các ấn phẩm tuyên truyền cho tự do hóa tư sản dưới nhiều hình thức đã mọc lên “như nấm sau mưa” ở Liên Xô. Ngày 28-12-1987, xã luận đăng trên báo Sự thật cho biết, Liên Xô khi đó đã có hơn 30.000 tổ chức, đoàn thể phi chính thức. Do thái độ ủng hộ của M. Goóc-ba-chốp, ngày càng có nhiều tổ chức đoàn thể xã hội chống đối Đảng, chính quyền Xô-viết được công khai hóa, hợp pháp hóa. M. Goóc-ba-chốp không những cho phép các đoàn thể phi chính thức tồn tại mà còn cổ vũ thành lập các đảng phái, từng bước thực hiện chế độ đa đảng. Các đảng đối lập ra đời và sau đó đã giành được chính quyền tại một loạt địa phương dưới cái gọi là “bầu cử tự do” là hệ quả trực tiếp của chính sách nêu trên. Những tổ chức này trắng trợn xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ, hạ bệ các nhà lãnh đạo Liên Xô trước đây, phủ nhận thành tựu của chủ nghĩa xã hội, ngang nhiên hô hào chống chế độ và Nhà nước Xô-viết. Đây là một trong những nhân tố trực tiếp dẫn đến sự tan rã của Liên Xô. 

Tại Ðông Âu ngay từ những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ XX, ở một số nước đã hình thành các công đoàn, hội có xu hướng tách khỏi quản lý của nhà nước, đối lập với chính quyền, hoạt động với danh nghĩa là “tổ chức XHDS” nhân danh bảo vệ công nhân, bảo vệ các quyền dân sự. Thông qua việc lôi kéo quần chúng, với sự hỗ trợ từ nước ngoài, một số tổ chức Công giáo, được kích hoạt thêm bởi các chính sách “công khai hóa”, “dân chủ hóa” và chính sách đối ngoại với đồng minh của M. Goóc-ba-chốp, những tổ chức này nhanh chóng chuyển hóa thành tổ chức chính trị đối lập, đóng vai trò trọng yếu trong việc hạ bệ uy tín của nhà nước, thúc đẩy hình thành chế độ đa đảng và giành chính quyền thông qua cái gọi là “bầu cử dân chủ”. Các cuộc “cách mạng đường phố” tại các nước khu vực Trung Ðông - Bắc Phi hay “cách mạng nhung”, “cách mạng màu” ở một số nước thuộc không gian hậu Xô-viết thời gian qua cũng cho thấy vai trò của các cơ quan đặc biệt nước ngoài, các NGO trong việc hỗ trợ các tổ chức XHDS trong nước lôi kéo, kích động quần chúng lật đổ các chính thể hợp pháp, gây nên tình trạng khủng hoảng chính trị, thậm chí có nước còn lâm vào cảnh chia rẽ, xung đột triền miên, lãnh thổ bị chia cắt lâu dài.

Chúng ta không phủ nhận vai trò nhất định của các tổ chức xã hội, hiệp hội, quỹ, diễn đàn,... nhất là khả năng tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội tại cộng đồng hay nhóm xã hội cụ thể; tập hợp nguyện vọng đa dạng của các tầng lớp trong xã hội phản ánh đến Đảng và Nhà nước; trực tiếp đứng ra cung ứng một số dịch vụ xã hội do Nhà nước ủy quyền, hoạt động trong khuôn khổ quy định pháp luật. Trên thực tế, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng thiết lập các tổ chức xã hội đa dạng theo ngành nghề, lợi ích, nhu cầu, nhân đạo, hữu nghị, sở thích... và không ngừng hoàn thiện quy định pháp luật để phát huy vai trò của các tổ chức này thật sự có ích cho xã hội, cho người dân. Các tổ chức NGO nước ngoài hoạt động tại nước ta thật sự có đóng góp cho cộng đồng, phát triển xã hội, tôn trọng pháp luật Việt Nam đều được tôn trọng, khuyến khích. 

Nhưng cần thấy rõ rằng, ở nhiều quốc gia, nhất là những nước đang phát triển, sự hình thành các tổ chức của “XHDS” thường chịu sự tác động của nhiều nhân tố, trong đó có các lực lượng chính trị từ bên ngoài thông qua nhiều hình thức và con đường khác nhau. Vậy chúng ta cần nhận thức về “XHDS” như thế nào?

Cùng với thực tế tồn tại và phát triển ngày càng phong phú của các tổ chức hội quần chúng, thuật ngữ “XHDS”, “tổ chức XHDS” được thảo luận, bàn luận khá sôi nổi ở nước ta. Tuy nhiên, đây là vấn đề chính trị, xã hội rất phức tạp, còn nhiều nhận thức khác biệt, thậm chí đối lập nhau, tùy thuộc vào góc độ tiếp cận. Hiện nay, đang tồn tại hai khuynh hướng nhận thức phổ biến về vấn đề XHDS: Một là, tuyệt đối hóa, đề cao quá mức vai trò của “XHDS”, cho rằng cần đẩy nhanh sự phát triển của “XHDS” ở Việt Nam, đồng nhất quá trình này với thực hiện dân chủ hóa, xem đây là “liều thuốc vạn năng” cho khắc phục những giới hạn của quản lý nhà nước và giải quyết tiêu cực trong đời sống xã hội phát sinh từ cơ chế thị trường; hai là, coi “XHDS” mang tính tiêu cực, “đối lập” với Nhà nước XHCN, là vấn đề nhạy cảm, nên né tránh, ngại đề cập và không khuyến khích nghiên cứu, tìm hiểu, thậm chí dựa vào các tổ chức xã hội hoạt động theo kiểu “bất tuân dân sự”, gây nên tình trạng vô chính phủ, bất ổn chính trị - xã hội ở nhiều nước trên thế giới rồi bài xích, phủ nhận sạch trơn vai trò các hội, quỹ, diễn đàn trong tham gia quản lý phát triển xã hội. Việc chưa thống nhất nhận thức khiến cho cách tiếp cận, ứng xử đối với vấn đề XHDS hiện nay của các cơ quan chức năng đang khá lúng túng. 

Bản chất và những đặc điểm của “xã hội dân sự” mà các thế lực thù địch, cơ hội chính trị thường lợi dụng để chống phá

Khái niệm “xã hội dân sự” gây nên nhiều tranh cãi tại Việt Nam, có người đặt nó đối nghĩa với “xã hội chính trị”, có người lại xem nó đối lập với “xã hội quân sự”. Nhiều người không thừa nhận khái niệm này vì nội hàm và ngoại diên không tường minh, bởi khó có thể định nghĩa một “xã hội” (dân sự) trong “xã hội” (tổng thể) mà nhân loại lâu nay đã phân định thành các phân hệ - lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường. Có người xem các hiệp hội, tổ chức xã hội chính, quỹ, diễn đàn... là những biểu hiện cụ thể của “XHDS”, nhưng người khác lại cho rằng đó chính là các thiết chế xã hội gắn với các thể chế tương ứng, đâu phải là một “xã hội”. Một định nghĩa về XHDS được chia sẻ rộng rãi: “XHDS là không gian xã hội công cộng nằm ngoài nhà nước, thị trường và lĩnh vực riêng tư của cá nhân, bao gồm tổng thể các định chế xã hội độc lập tương đối với nhà nước và hoạt động tự nguyện trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, truyền thông đại chúng, tôn giáo, xã hội...”. 

Điều đó cho thấy, không có định nghĩa thống nhất về “XHDS” mà nó thường bị giải thích một cách chủ quan bởi ý chí của người muốn sử dụng khái niệm này. Các thế lực thù địch và cơ hội chính trị lợi dụng tính không rõ ràng, thiếu tính lịch sử - cụ thể của khái niệm này để giải thích nội hàm “XHDS” theo tiêu chí của các nước phương Tây. Trong các nền dân chủ đa đảng, ranh giới giữa một tổ chức của XHDS và đảng chính trị rất mong manh. Một tổ chức xã hội khi đủ điều kiện và đăng ký tham gia tranh cử vào nghị viện, nếu giành được một tỷ lệ phiếu nhất định trong các cuộc bầu cử (theo quy định của các nước rất khác nhau), thì được xếp vào đảng chính trị và nhận được hỗ trợ tài chính từ phía nhà nước để hoạt động. Thậm chí nếu giành được số phiếu cao có thể trở thành đảng chính trị có vị thế trong đời sống chính trị đất nước. Còn các tổ chức xã hội không hội đủ số phiếu cần thiết, cùng với các hiệp hội, quỹ, diễn đàn, viện nghiên cứu độc lập... được xem là thành tố cấu thành của “XHDS”. Ngay bản thân tài chính của các tổ chức xã hội, viện nghiên cứu độc lập, quỹ, diễn đàn này, một mặt, dựa vào khả năng tự huy động; mặt khác, nhận đấu thầu các gói dịch vụ có nguồn gốc tài chính ngân sách để thực hiện các mục tiêu của chính phủ. Những tổ chức của “XHDS” có vị thế lớn đều có lực lượng chính trị này hay lực lượng chính trị khác đứng sau chi phối, gây ảnh hưởng, thông qua cung cấp tài chính và định hướng mục tiêu hoạt động. 

Trong các nước chuyển đổi chế độ chính trị ở Đông Âu, không gian hậu Xô-viết, Bắc Phi - Trung Đông, cũng như ở nhiều nơi khác, đã từng diễn ra các trường hợp một tổ chức của “XHDS” bằng các chiêu trò dân túy và sự hà hơi, tiếp sức từ bên ngoài, chỉ trong một thời gian ngắn chuyển hóa thành đảng chính trị thực hiện “cách mạng nhung”, “cách mạng màu” rồi trở thành đảng cầm quyền. Các NGO nước ngoài nhân danh “XHDS” hoạt động trên lãnh thổ nước khác hoạt động rất ráo riết để cổ vũ cho thúc đẩy các hoạt động “cách mạng đường phố”, mà đứng sau đều chịu sự chi phối bởi các chính phủ đã cung cấp tài chính. Vì vậy, Tổng thống Nga V. Pu-tin rất mạnh tay với các tổ chức NGO nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ nước Nga; nhiều nước khác cũng rất cảnh giác, thận trọng, tìm cách quản lý, kiểm soát các tổ chức này nếu không muốn gây nên nguy cơ bất ổn xã hội. 

Do các tổ chức xã hội có vai trò tích cực nhất định, nên các đối tượng thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã ra sức lợi dụng, tuyệt đối hóa đặc điểm này để tranh thủ quần chúng, tập hợp lực lượng một cách công khai nằm ngoài sự quản lý của Nhà nước. Họ lợi dụng các kẽ hở về mặt pháp luật, các vấn đề tiêu cực trong xã hội, vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo... để tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, khi thời cơ chín muồi sẽ hình thành tổ chức chính trị đối lập tại Việt Nam. Có thể nhận dạng mấy điểm sau đây của XHDS:

Thứ nhất, dù những người cổ vũ cho XHDS tự cho rằng XHDS có tính “độc lập” với Nhà nước và không mang bản chất giai cấp, nhưng thực tế cho thấy, XHDS (bao gồm các tổ chức hội, hiệp hội, đoàn thể, tổ chức phi chính phủ, quỹ, diễn đàn...) đều mang tính chính trị, luôn tiềm ẩn nguy cơ bị các thế lực thù địch lợi dụng để tiến hành các hoạt động chống Đảng và Nhà nước. “Xã hội dân sự” chính là môi trường mà trong chính bản thân các thành tố cấu thành cũng diễn ra cuộc đấu tranh giữa các nhóm lợi ích trên mọi phương diện, từ chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hóa... Do đó, các lực lượng, phe phái, đảng phái chính trị luôn tìm cách chi phối, vận động, lôi kéo lực lượng XHDS hoặc chính các thành tố của XHDS (hội, hiệp hội, đoàn thể, quỹ, diễn đàn...) để đạt được mục tiêu, lợi ích của mình đều bị chi phối bởi các thế lực chính trị hoặc bị chính trị hóa ở các mức độ, hình thức khác nhau. Thực tế cho thấy, thời gian qua, các thế lực thù địch đã và đang triệt để lợi dụng, thúc đẩy hình thành XHDS đối lập với Đảng, hoạt động ngoài sự quản lý của Nhà nước, tạo tiền đề cho can thiệp, lật đổ dưới danh nghĩa “chuyển hóa dân chủ”, đưa các lực lượng chống đối lên nắm chính quyền. 

Thứ hai, vốn mang tính đa dạng về lợi ích, thành phần, do đó XHDS cũng mang tính đa dạng, đa nguyên về tư tưởng. Đặc trưng này phản ánh tính phức tạp về tư tưởng, văn hóa trong đời sống XHDS. Đối với Việt Nam, sự hình thành của XHDS còn chứa đựng nguy cơ xuất hiện, hình thành hoặc du nhập những khuynh hướng tư tưởng chính trị đối lập với Đảng Cộng sản, tiền đề trực tiếp dẫn đến đa nguyên về chính trị. 

Thứ ba, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, ý thức công dân, ý thức pháp luật của một bộ phận không nhỏ người dân còn hạn chế; hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, quản lý của chính quyền còn nhiều lỗ hổng; lại có những đặc điểm phức tạp, đa dạng về tôn giáo, dân tộc, di tồn lịch sử của chế độ thực dân... Do đó, sự hình thành và phát triển các yếu tố của XHDS luôn tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng dẫn đến chia rẽ, xung đột, hỗn loạn, vô chính phủ, mất ổn định chính trị, xã hội của đất nước.

Thứ tư, XHDS bao hàm nhiều tổ chức xã hội có tính đa dạng về thành phần, mục đích hoạt động, lợi ích, thiếu tính tổ chức chặt chẽ, do đó nó dễ bị các cá nhân, tổ chức có điều kiện chi phối, lợi dụng để thực hiện các mục đích riêng và tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự, ổn định xã hội. Tính chất đa dạng, phức tạp của XHDS cho thấy đây là khu vực không thuần nhất, tính đồng thuận không cao và thiếu tính nhất quán. Tổ chức XHDS hình thành chủ yếu dựa trên những mối quan hệ và liên kết mềm, tự nguyện, tự quản, tính thống nhất không cao nên dễ xảy ra nguy cơ các tổ chức này chỉ chạy theo lợi ích cục bộ mà không quan tâm đến lợi ích chung, toàn xã hội, tạo ra các “lệ” riêng, có thể gây cản trở đến việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, thậm chí có trường hợp bị biến tướng phục vụ cho lợi ích của cá nhân, tổ chức có điều kiện chi phối. Thực tế cho thấy, tuyệt đối hóa vai trò các tổ chức của XHDS, xem nhẹ quản lý của Nhà nước, chỉ dẫn đến tình trạng vô chính phủ, tiền đề cho rối loạn, bất ổn. Do tính chất đa dạng và phức tạp này mà XHDS luôn tiềm ẩn nguy cơ bị các đối tượng, tổ chức thù địch cả trong và ngoài nước mua chuộc, chi phối, lợi dụng nhằm thực hiện mưu đồ chính trị đen tối.

Thứ năm, một số tổ chức xã hội có vai trò, ảnh hưởng xã hội nhất định, số lượng thành viên đông đảo luôn trở thành mục tiêu tác động, chi phối, lợi dụng của các thế lực thù địch nhằm biến các tổ chức này thành các tổ chức chính trị đối lập với Đảng, thoát ly khỏi sự quản lý của Nhà nước Việt Nam. Một bộ phận các tổ chức xã hội, đặc biệt là các hội, liên hiệp hội, tổng hội có tổ chức mang tính hệ thống cả theo chiều dọc lẫn chiều ngang, với số lượng thành viên đông, có ảnh hưởng nhất định đối với quần chúng. Các tổ chức này trở thành mục tiêu lợi dụng của các thế lực thù địch để tìm cách tác động đến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua các hoạt động “vận động hành lang”, hội thảo, kiến nghị, nhất là những vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, như chế độ sở hữu đất đai, an ninh mạng, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc... Do đó, nếu không có những quy định pháp lý đủ mạnh, thiếu hiệu lực quản lý của các cơ quan chức năng để các hoạt động “vượt rào” thì các tổ chức này rất dễ bị lợi dụng, biến thái và biến tướng thành các lực lượng hỗ trợ tích cực cho thúc đẩy “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, thậm chí chuyển hóa thành tổ chức đối lập về chính trị. 

Một số vấn đề đặt ra trong đấu tranh với các quan điểm, âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề “xã hội dân sự”

Một là, cần nhận thức đầy đủ về XHDS và có cách “ứng xử” phù hợp với vấn đề “XHDS”. Phải thẳng thắn bác bỏ và phê phán, đấu tranh kiên quyết với các quan điểm khuyến khích, cổ vũ XHDS với ý đồ thúc đẩy hình thành các tổ chức chính trị đối lập. Hiện nay, nhiều vấn đề lý luận, thực tiễn liên quan đến XHDS chưa được nghiên cứu thấu đáo, hiệu lực và công cụ quản lý của Nhà nước, ý thức pháp luật của người dân còn có những hạn chế. Do đó, nếu chúng ta buông lỏng, thả nổi cho sự hình thành, phát triển “XHDS” sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp, khó kiểm soát, nhất là dưới góc độ quản lý nhà nước, cũng như bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và bảo vệ an ninh quốc gia. 

Hai là, kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước có chủ trương, chính sách, biện pháp hạn chế đến mức thấp nhất những hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực của XHDS mà các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng chống phá cách mạng Việt Nam. Cần tổ chức nghiên cứu bài bản, có hệ thống về XHDS, các yếu tố của XHDS, nhất là làm rõ khái niệm, bản chất của XHDS; XHDS và các yếu tố cấu thành, biểu hiện cụ thể của XHDS; các hình thức của XHDS gắn với điều kiện lịch sử - cụ thể, nhất là chế độ chính trị, truyền thống văn hóa, trình độ phát triển kinh tế - xã hội; cấu trúc của XHDS và quan hệ của XHDS với nhà nước, thị trường, tôn giáo, mạng xã hội, gia đình; vai trò, ưu thế và giới hạn, mặt tiêu cực của XHDS; yếu tố ngoại sinh và nội sinh của XHDS; các hình thức lợi dụng XHDS của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị. Từ những kết quả nghiên cứu này sẽ giúp cho Đảng, Nhà nước chủ động có chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm quản lý các tổ chức xã hội, các NGO, vừa phát huy mặt tích cực, vừa định hướng hoạt động lành mạnh phù hợp với thể chế chính trị, đặc điểm về kinh tế, văn hóa và xã hội của đất nước, triệt tiêu các yếu tố có thể bị lợi dụng để hình thành lực lượng chính trị đối lập, gây bất ổn chính trị - xã hội. Đồng thời, làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân không bị các thế lực thù địch kích động, lôi kéo thông qua danh nghĩa tổ chức XHDS. 

Ba là, trong điều kiện có sự tồn tại khách quan của một số loại tổ chức có tính chất “XHDS”, cần tham mưu cho Đảng, Nhà nước xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm phát huy đầy đủ vai trò của các tổ chức này, hạn chế những tác động tiêu cực của nó và có các biện pháp quản lý phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước, phù hợp với cơ chế vận hành của thể chế chính trị, giữ vững bản chất của chế độ. Sự quản lý và định hướng có hiệu quả, bằng pháp luật của Nhà nước sẽ tạo ra một môi trường dân chủ, lành mạnh cho sự phát triển hài hòa của toàn xã hội. Mặt khác, cần củng cố, đổi mới, phát huy tính tích cực và chủ động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội để làm tốt chức năng đoàn kết, tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giám sát và phản biện xã hội, bảo vệ quyền lợi của nhân dân trước tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường và toàn cầu hóa. 

Đồng thời, quán triệt tinh thần Đại hội XII của Đảng: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”(1), định hướng đổi mới tổ chức và hoạt động của các tổ chức xã hội, hiệp hội, đoàn thể ở Việt Nam phải gắn liền với việc xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; gắn với đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; hoàn thiện nền dân chủ XHCN. 

Bốn là, các lực lượng nòng cốt các cấp căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ cụ thể được giao, vận dụng các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề “XHDS” xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Trong đó, vấn đề cấp bách hiện nay là tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với các tổ chức hội và NGO Việt Nam, không để các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng tác động, chuyển hóa thành tổ chức XHDS theo tiêu chí phương Tây. 

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng khác đẩy mạnh đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng - lý luận, ngăn chặn hoạt động truyền bá tư tưởng, thổi phồng, tuyệt đối hóa vai trò của XHDS theo mô hình, tiêu chí của phương Tây, cổ vũ thành lập các tổ chức chính trị đối lập, các tổ chức phản động dưới danh nghĩa, vỏ bọc của tổ chức “XHDS”; phối hợp tuyên truyền, vận động các nhân sĩ, trí thức, học giả đang sinh hoạt tại các hội, liên hiệp hội, tổng hội nâng cao cảnh giác trước luận điệu của các thế lực thù địch về cái gọi là “hình mẫu lý tưởng” của “XHDS” phương Tây, cũng như tích cực tham gia đấu tranh tư tưởng - lý luận. Đồng thời, vạch rõ những điểm không phù hợp (cả về lý luận và thực tiễn) của “XHDS” theo hình mẫu phương Tây đối với xã hội Việt Nam; vạch rõ mưu đồ chính trị của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị thông qua việc lợi dụng vấn đề “XHDS” để tác động, chuyển hóa chế độ chính trị tại Việt Nam. Bên cạnh đó, sử dụng các biện pháp, phương tiện ngăn chặn, vô hiệu hóa các con đường, cách thức truyền bá vấn đề “XHDS” theo hình mẫu phương Tây vào Việt Nam, đặc biệt là thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, hợp tác, trao đổi về văn hóa, khoa học, giáo dục - đào tạo... Đấu tranh, ngăn chặn, xử lý kịp thời hoạt động của các thế lực thù địch bên ngoài câu kết, hậu thuẫn cho số đối tượng chống đối trong nước thành lập các tổ chức phản động dưới danh nghĩa, vỏ bọc XHDS.

-----------------------------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 149

Theo Tạp chí Cộng sản

Chia sẻ bài viết