11/12/2021 - 11:03

Nhận diện thách thức, phát triển kinh tế ĐBSCL thích ứng bối cảnh mới 

(CT) - Ngày 10-12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) phối hợp Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề “Nhìn lại kinh tế vùng năm 2021 và kịch bản năm 2022”.

Hoạt động sản xuất tại Công ty CP May Tây Đô.

Sau 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, chính quyền, doanh nghiệp và người dân ÐBSCL dần quen với việc “sống chung” với dịch bệnh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoạt động thường nhật tại các đại phương được nối lại và có dấu hiệu phục hồi tích cực. Song, phát triển kinh tế của các tỉnh, thành trong vùng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn: thiếu nguyên liệu đầu vào; thiếu lao động; chi phí sản xuất, vận chuyển tăng; khó tiếp cận vốn…

Theo các chuyên gia, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tiếp tục là rào cản đối với quá trình phục hồi và phát triển kinh tế tại ÐBSCL từ nay đến cuối năm 2021 và năm 2022. Không chỉ vậy, ÐBSCL còn đối mặt với các thách thức khác như biến đổi khí hậu, xu hướng tiêu dùng thay đổi, cạnh tranh toàn cầu... Do đó, chính quyền, doanh nghiệp trong vùng cần linh hoạt, tái cấu trúc để giảm chi phí, sử dụng hiệu quả nguồn lao động, từ đó duy trì hoạt động, phòng tránh rủi ro. Ðể bắt nhịp thị trường, nối liền chuỗi cung ứng, giải pháp hàng đầu được đưa ra là doanh nghiệp phải nhanh chóng chuyển đổi số. Ðây là hướng đi phù hợp không chỉ trong thời điểm hiện tại mà còn là xu thế tất yếu trong tương lai. Một số doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn hẹp, thay vì hỗ trợ doanh nghiệp bằng tiền, Nhà nước nên tập trung hỗ trợ về cơ chế, chính sách như: tiếp tục kéo giãn thời gian nộp bảo hiểm xã hội, thuế, tiền thuê đất; cải cách thủ tục hành chính...

Theo VCCI Cần Thơ, trong tháng 11-2021, toàn vùng ÐBSCL có 7.533 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 20% so với vùng kỳ. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể là 8.955 doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay, toàn vùng ÐBSCL có 79 dự án FDI cấp mới, với số vốn 5,3 tỉ USD. Trong đó, tỉnh Long An dẫn đầu trong thu hút số dự án đầu tư FDI và TP Cần Thơ là địa phương có số vốn đăng ký/dự án FDI cao nhất vùng.

Tin, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết