24/06/2024 - 19:25

Nhận diện hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ 

Tại Hội thảo “Chống hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trong hoạt động thương mại điện tử, thương mại truyền thống, thực trạng và giải pháp” do Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia (BCĐ 389/QG) phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và BCĐ 389 Hà Nội tổ chức mới đây, đại diện Văn phòng Thường trực BCĐ 389/QG đã nêu rõ: Hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT được sản xuất quy mô lớn có dấu hiệu tăng dần, việc mua bán công khai, lộ liễu, thách thức đối với các cơ quan chức năng...

Tăng cả quy mô và số vụ

Theo Văn phòng Thường trực BCĐ 389/QG, khác với trước đây, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT chỉ xuất hiện đối với một số nhóm sản phẩm xa xỉ có giá trị cao, thì hiện nay tất cả các sản phẩm hàng hóa đều có nguy cơ bị làm giả, nguy cơ bị xâm phạm quyền SHTT do các đối tượng có chủ đích nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng.

Đại diện nhãn hàng Casio tại Việt Nam hướng dẫn cho các lực lượng chức năng tại TP Cần Thơ phân biệt các sản phẩm  Casio giả, thật tại một hội thảo phân biệt hàng giả, hàng thật tổ chức tại TP Cần Thơ.

Các mặt hàng bị làm giả, xâm phạm quyền SHTT xuất hiện ở hầu hết các nhóm, ngành hàng tiêu dùng lương thực, thực phẩm, thuốc tân dược, đông dược, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, đồ điện tử, điện dân dụng, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá, thực phẩm chức năng, hàng thời trang, vật liệu xây dựng… Các vụ việc do các lực lượng chức năng kiểm tra gần đây có dấu hiệu là hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT được sản xuất trong nước tăng dần cả về số vụ việc và quy mô.

Hình thức bán hàng theo phương thức thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng phát triển, đây cũng là lĩnh vực phát triển kinh tế có tính xã hội cao. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực, TMĐT cũng ẩn chứa nhiều thách thức đối với các nhà quản lý, khi một số, một nhóm người vì lợi nhuận, vì nhận thức chưa đầy đủ đã lợi dụng sự phát triển của TMĐT thực hiện hành vi mua bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT của doanh nghiệp trên môi trường TMĐT diễn biến ngày càng phức tạp.

Hơn thế nữa, các nền tảng xã hội còn là nơi tập trung các hội nhóm kinh doanh có số lượng thành viên tới vài chục ngàn người. Tại đó, những người tham gia hội nhóm sẽ được giới thiệu các nhà cung cấp hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT dưới cái tên mỹ miều có tên gọi như hàng xuất dư, hàng Super fake, hàng 1:1, hàng Like Auth, nhằm mô tả sản phẩm có chất lượng tương đương hàng chính hãng - Đây là những sản phẩm giả mạo về thương hiệu, về chất lượng, không phải là hàng chính hãng. Cá biệt có những mặt hàng giả các sản phẩm thuộc lĩnh vực quản lý có điều kiện của nhà nước như pháo hoa (một trong những mặt hàng sản xuất  và kinh doanh có điều kiện) cũng bị làm giả và bán công khai trên các hội nhóm mạng xã hội. Từ các cuộc khảo sát trên các trang mạng xã hội các thương hiệu nổi tiếng như Adidas, Gucci, LV, Hermes, Chanel, Boss… là những loại hàng hóa bị làm giả, xâm phạm quyền SHTT nhiều nhất. Có trường hợp, các đối tượng lợi dụng giới thiệu cả hàng cấm kinh doanh.

Tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ truyền thống, hộ kinh doanh… người tiêu dùng có thể mua lầm các loại hàng hóa có dấu hiệu giả nhãn hiệu, xâm phạm quyền SHTT. Bên cạnh đó, một số đối tượng vì lợi nhuận đã trực tiếp tổ chức sản xuất hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT sau đó đưa ra thị trường thông qua cả 2 phương thức kinh doanh trực tiếp và trực tuyến.

Ông Lê Hoài Nhã, Phó Cục trưởng Cục QLTT TP Cần Thơ cho biết, tình hình vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả hàng xâm phạm quyền STTT trên địa bàn TP Cần Thơ tuy chưa có diễn biến phức tạp, nhưng từ kết quả công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm và công tác nghiệp vụ đã phát hiện nổi lên một số vấn đề đáng chú ý: Về tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT chủ yếu là mặt hàng thực phẩm, quần áo, giày dép, mắt kính, đồng hồ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, xăng, dầu, nhớt, mỹ phẩm, thiết bị điện tử, đồ gia dụng... Trên địa bàn thành phố, lực lượng chức năng thành phố chưa phát hiện các cơ sở sản xuất hàng giả quy mô lớn. Trong 5 tháng đầu năm 2024, các lực lượng chức năng BCĐ 389/TP đã kiểm tra phát hiện và xử lý 453 vụ, giảm 70 vụ so với cùng kỳ; tổng số tiền xử lý vi phạm gần 18,3 tỉ đồng, giảm 84,18% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khởi tố 3 vụ 5 đối tượng.

Gỡ vướng trong quản lý

Hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, tạo ra môi trường cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp; gây thiệt hại nghiêm trọng đến sự phát triển giá trị, trí tuệ; gây thất thu thuế của Chính phủ, làm suy giảm khả năng đầu tư và các định hướng phát triển kinh tế của Nhà nước và suy giảm niềm tin về đầu tư của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc trong công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT. Đó là việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về SHTT còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới; một số quy định còn chồng chéo, chưa rõ ràng, nhất là quy định liên quan đến quyền SHTT, gây khó khăn trong thực thi nhiệm vụ của các lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thực thi công tác buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có lúc, có nơi, có đơn vị, địa phương, khu vực vẫn còn tình trạng trùng lắp về địa bàn; việc chia sẻ thông tin còn hạn chế, chưa thường xuyên, chưa đồng bộ; việc phối hợp giữa các doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhà phân phối với các cơ quan thực thi pháp luật về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung và chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT nói riêng trong phát hiện, xử lý chưa chủ động, chưa thường xuyên; kinh phí trong hoạt động còn thiếu; công chức thực thi công tác còn thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và tốc độ phát triển của xã hội.

Để hạn chế tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT trong tình hình mới, BCĐ 389/QG nêu rõ: Về cơ chế chính sách, các bộ, ngành cần khẩn trương ban hành mới, sửa đổi bổ sung chỉnh lý các văn bản đã được đề cập, tổng hợp của Văn phòng thường trực BCĐ. Đối với các văn bản hướng dẫn việc kiểm tra, xử lý đối với hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT cần hướng dẫn thực hiện chi tiết, tránh chồng chéo, không rõ ràng, gây khó khăn cho lực lượng trong quá trình thực thi. Đồng thời, cần xem xét bổ sung chế tài xử lý vi phạm đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm; bổ sung kinh phí để mua sắm trang thiết bị, công cụ hỗ trợ, phương tiện chuyên dùng, kinh phí tiêu huỷ hàng hoá, xây dựng kho bãi, bảo quản tang vật, vật chứng của các vụ án, vụ việc. Xây dựng trung tâm giám định, kiểm nghiệm vùng để đảm bảo việc điều tra, kiểm tra xử lý được kịp thời; tăng cường công tác tuyên truyền. Các doanh nghiệp cần cung cấp ứng dụng, nền tảng xã hội chấp hành nghiêm chủ trương chính sách pháp luật hiện hành, thực hiện rà soát, cảnh báo và có chế tài xử lý đối với các gian hàng đăng ký vi phạm. Kiên quyết thực hiện xoá tài khoản, gỡ sản phẩm vi phạm, thực hiện thông báo rộng rãi để người tiêu dùng nhận biết về hàng giả, hàng vi phạm quyền SHTT nhằm tránh rủi ro. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, cần chủ động trong công tác xây dựng, bảo vệ thương hiệu bằng cách thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ chống giả vào sản phẩm…

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết